Hàng không thiếu, chỉ khan hiếm cục bộ

Nguyên Nga
Nguyên Nga
08/07/2021 06:35 GMT+7

Hơn trăm chợ truyền thống và 3 chợ đầu mối đóng cửa khiến áp lực đổ dồn lên hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi tại TP.HCM.

Hôm qua, nhiều người dân ùn ùn kéo nhau đi mua thực phẩm khiến một số thời điểm, một số siêu thị rơi vào tình trạng khan hiếm cục bộ.

“Vét” hàng từ chợ tới siêu thị

8 giờ 30 sáng qua 7.7, trên đường đi có việc, chị Hoàng (ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) nhìn thấy cửa hàng tiện lợi Co.op Smile cạnh nhà chất lên quầy những bó rau củ quả tươi xanh. Định bụng lát về ghé mua luôn, thế nhưng 10 giờ chị trở về, ghé vào thì quầy kệ rau củ quả còn lèo tèo đúng 2 trái su hào và bó hành lá. Người dân quanh khu vực đã kịp vét hết hàng chỉ trong vòng 1 tiếng rưỡi bởi nghe thông tin trong một hẻm có 109 ca dương tính. Thế nhưng khi đi sang Q.10, ghé siêu thị lớn, chị Hoàng cho biết “một bó cải ngọt cũng không còn”.
Bà L.T.S (ngụ đường Đoàn Văn Bơ, Q.4) phản ánh, các cửa hàng tiện lợi, quầy sạp quanh nhà bà, quanh chợ Xóm Chiếu - ngôi chợ lớn nhất quận, chỉ trong vòng 2 tiếng buổi sáng “không còn gì để mua”. Trước đó, hẻm nhà bà được thông báo chuẩn bị phong tỏa do có ca dương tính nên mọi người đổ xô đi mua thực phẩm tích trữ.

Người Sài Gòn 'đội mưa' chen chân đi siêu thị cuối ngày, mua gần 3 triệu tiền mì gói

Thực ra từ tối 6.7 đến trưa 7.7, người dân ở khắp nơi trên địa bàn TP đã nườm nượp đi mua thực phẩm dự trữ. Từ Co.opMart đến SatraFoods, BigC, Aeon... đâu đâu cũng thấy cảnh người xếp hàng dài vào siêu thị và chờ thanh toán. Các bể cá diêu hồng, cá mú, tôm sống luôn trong tình trạng rút hết nước, không còn một con; tủ đông không một vỉ thịt đông lạnh, quầy thịt cũng còn lèo tèo vài lạng thịt xay và tại quầy rau củ, đa số những rổ nhựa màu xanh lá dùng để đựng rau củ bên trong không còn thứ gì.
Tại các chợ dân sinh, lượng rau củ cũng vô cùng khiêm tốn. Ngày 7.7, đến 10 giờ sáng, nhiều sạp bán rau ở chợ Tân Hưng (Q.Tân Bình) đã hết sạch rau. Trước mặt chợ, một số gian hàng rau củ cũng bán sớm ra về. Tại chợ này, người dân đổ đi mua các mặt hàng nhu yếu phẩm đông hơn ngày thường. Dọc hẻm thuộc đường Lý Thường Kiệt, hỏi đến 3 tiệm tạp hóa, đều không còn một quả trứng gà nào. Đặt hàng online thì còn bi kịch hơn. Chị N.H (ngụ Q.1) chụp màn hình trả lời của Co.op lúc 7 giờ sáng qua: “Nay em không có quýt, vải, chôm chôm. Không có Yomost, Red Bull, trứng, ca cao...”. Do đang bị phong tỏa, chị N.H đành phải nhờ người bạn làm ở công ty sữa mua giúp 2 thùng sữa và vài loại “trái cây gì cũng được, giờ này còn lựa chọn gì nữa”, chị chép miệng.
Đến 18 giờ chiều qua, chị M.P (ngụ Q.7) chạy ra 2 cửa hàng tiện lợi Vinmart+ và Bách Hóa Xanh rồi thở dài chụp hình quầy thực phẩm trống rỗng, than “người vẫn đông và kệ vẫn trống”.

Đến 18 giờ 30 ngày 7.7, các kệ rau củ quả, thịt tại một số cửa hàng tiện lợi vẫn trống không

Ảnh: Bùi Đương

Siêu thị liên tục bổ sung hàng lên kệ

Trước tình hình trên, đầu giờ chiều 7.7, tại buổi họp báo cung cấp thông tin về cung ứng hàng hoá thiết yếu, phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn TP.HCM do Sở Công thương phối hợp Sở GTVT TP.HCM tổ chức, đại diện Sở Công thương, hệ thống siêu thị Saigon Co.opMart, Satra, MM Mega Market... cho biết lượng khách mua hàng thiết yếu tăng mạnh từ tối 6.7.

Bản tin Covid-19 ngày 7.7: TP.HCM giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 16 giữa "kỷ lục" 766 ca bệnh

Chiều 7.7, UBND TP.HCM có công văn khẩn về việc tăng cường các giải pháp chống dịch và đảm bảo cung ứng hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn TP. Trong đó, giao Sở Công thương xem xét phê duyệt phương án điều tiết hàng hóa thông qua hình thức vận chuyển, giao và nhận hàng hóa để đảm bảo hàng lưu thông thông suốt đến tay người tiêu dùng. Theo dõi thị trường, chủ động điều phối, không để xảy ra hiện tượng khan hiếm hàng hóa. Tiếp tục triển khai chương trình bình ổn, đẩy mạnh kết nối cung - cầu. Chủ động liên lạc với Sở Công thương các địa phương để đề nghị hỗ trợ thông tin đến các thương lái tạm ngưng vận chuyển hàng đến chợ đầu mối, thực hiện giao hàng trực tuyến... Phối hợp với các quận huyện, các công ty quản lý chợ đầu mối để điều tiết hàng hóa. Đặc biệt, phối hợp Sở TT-TT thông tin các địa điểm bán hàng bình ổn thị trường, siêu thị, cửa hàng tiện lợi... để người dân yên tâm mua sắm. Công văn cũng giao nhiệm vụ cho Sở Tài chính, Sở GTVT, Sở TT-TT, Cục QLTT, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP, UBND các quận huyện và đơn vị quản lý chợ trên địa bàn TP.
Ông Lâm Quốc Thăng, Tổng giám đốc Satra, thông tin từ 18 giờ ngày 6.7 đến trưa 7.7, lượng hàng hóa của Satra đưa về 3 siêu thị trong hệ thống và 188 cửa hàng tiện lợi tăng gấp 5 lần so với ngày thường. “Những hình ảnh hàng hóa bị vét sạch trên các quầy kệ do người dân tăng mua tại một vài thời điểm mà nhân viên siêu thị chưa đưa hàng về kịp. Thông thường hàng hóa của chúng tôi dự trữ khoảng 1 tháng. Từ ý kiến chỉ đạo của Sở Công thương và UBND TP.HCM, chúng tôi sẽ tăng dự trữ lên gấp đôi tại kho đặt gần khu vực chợ Bình Điền”, ông Thăng cho biết.
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, khẳng định: “Đường, mắm muối, sữa, đồ hộp... thì không thiếu. Cái thiếu trên quầy là rau. Khách vào siêu thị đầu ngày mua gom hết, vài tiếng sau không còn trên kệ, tạo tâm lý khan hàng nhưng đến 2 giờ chiều hàng về lại đầy ắp trên kệ. Thế nên chúng tôi mong muốn bà con không nên tập trung vào những mặt hàng khó khăn...”.
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM: “Tuy tạm ngưng hoạt động 3 chợ đầu mối, không có nghĩa là hàng hóa không được về TP.HCM. Chúng tôi đã làm việc với các chuỗi cung ứng hiện đại, chuỗi cửa hàng bình ổn để đưa hàng đến người dân. Riêng hệ thống cửa hàng tiện lợi, trung bình mỗi ngày đang cung ứng 2.000 tấn rau củ quả”. Giám đốc Sở Công thương cho biết, hiện các quận huyện cũng đã thống nhất bổ trợ kênh bán hàng online, kênh đi chợ thông qua các hội phụ nữ, đoàn thanh niên.
Hàng không thiếu, chỉ khan hiếm cục bộ

Người dân xếp hàng tại một siêu thị trên đường Cao Thắng (Q.3) lúc 17 giờ ngày 7.7

Ảnh: Ng.Nga

“Với nguồn cung dồi dào, kênh cung ứng đa dạng, bà con không nên lo sợ thiếu hụt hàng hóa. Nên mua sắm khoa học và có biện pháp phòng chống dịch tốt nhất”, ông Vũ nói.
Chia sẻ tại buổi họp báo, các siêu thị cũng bày tỏ trách nhiệm sẽ “gánh” hàng hóa từ các chợ đầu mối để phân phối cho người dân, tăng thời gian phục vụ từ 7 đến 23 giờ. Ông Nguyễn Anh Đức thông tin, các siêu thị Co.op Extra đang phân phối sỉ 5 mặt hàng trực tiếp tại các điểm cách ly với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Song song đó, hệ thống tổ chức 25 kho lạnh xung quanh TP.HCM, không tập trung hàng hóa tại 1 trung tâm và tăng trữ lượng hàng kịp thời, tăng thời lượng giao hàng, từ 1 lần/ngày nay có thể lên 2 - 3 lần trong 1 ngày.
Đại diện MM Mega Market cho biết, hệ thống này đã lên phương án chọn một số điểm bán hàng, có chính sách giá sỉ ưu đãi đặc biệt cho tiểu thương trong thời gian chợ đầu mối đóng cửa. “Siêu thị chúng tôi cam kết với Sở sẽ đồng hành cùng tiểu thương trong suốt thời gian khó khăn vì dịch bệnh. Ngoài ra, chúng tôi tổ chức bán hàng lưu động, việc này đang nghiên cứu thế nào cho hiệu quả”, đại diện MM Mega Market nói.
Đại diện các nhà phân phối đều khẳng định sẽ tăng nguồn hàng dự trữ từ 1 tháng lên 2 tháng “cho dù TP nâng mức phòng chống dịch cao hơn, hệ thống cũng bảo đảm cung ứng hàng hóa đủ”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.