Hậu Giang xác định 10 loại nông sản mũi nhọn

11/12/2018 09:25 GMT+7

Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh Hậu Giang chỉ bằng hai phần ba mức chung cả nước. Xây dựng chuỗi giá trị nông sản, thông qua đó nâng cao đời sống nông dân Hậu Giang là một trong những giải pháp giúp tỉnh thoát nghèo.

Cách TP.HCM hơn 200 km về phía tây nam, tỉnh Hậu Giang đến nay vẫn là tỉnh thuần nông với trên 87% diện tích đất nông nghiệp, thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 33,8 triệu đồng - tương đương 1.509 USD, thấp hơn 36,7% so với mức bình quân chung của cả nước.
Trên 140.000 héc-ta đất nông nghiệp, lúa đang là loại cây chủ lực của tỉnh Hậu Giang với diện tích khoảng 79.000 héc-ta, còn lại là mía, cây ăn trái, rau màu… Các loại trái cây của Hậu Giang khá đa dạng với khóm (dứa), xoài, mít, mãng cầu, các loại trái cây có múi… sản lượng đạt gần 340.000 tấn mỗi năm.
Theo kế hoạch phát triển nông sản giai đoạn 2013 - 2015 tầm nhìn 2020, các loại nông sản mũi nhọn của tỉnh Hậu Giang bao gồm 10 loại: bưởi Năm Roi, cam sành, cam đường, xoài, dứa, chanh không hạt, các loại cá nước ngọt.
Tuy vậy, nông nghiệp Hậu Giang vẫn đang hằng ngày phải đối mặt với những điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt bao gồm hạn hán, xâm mặn, nước lũ, sạt lở đất. Ngoài ra, biến động giá cả thị trường không ổn định cũng đặt nông dân tỉnh Hậu Giang trước nhiều rủi ro.
Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho rằng hiện nay liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị các mặt hàng nông sản chưa thực sự phát triển. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng công nghệ 4.0 vào trong sản xuất và phát triển về hệ thống logictics trong chuỗi giá trị nông sản ở Hậu Giang vẫn còn là tiềm năng.
Chuỗi giá trị nông nghiệp định hướng thị trường được các lãnh đạo Hậu Giang lựa chọn để phát triển kinh tế Minh Hạnh
Vì vậy trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung tổ chức sản xuất nông nghiệp theo mô hình chuỗi giá trị, liên kết giữa các “mắt xích” của chuỗi từ việc trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ,  thúc đẩy cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao để giảm chi phí trung gian để hướng tới phát triển bền vững. 
Bên cạnh đó, đẩy mạnh quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp, tạo nên cánh đồng mẫu lớn, đồng thời sản xuất theo nhu cầu tiêu thụ của thị trường là hướng đi mà Hậu Giang cần theo đuổi. Đó cũng là bài toán mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt ra cho nông nghiệp Việt Nam nói chung tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết về tam nông (2008 - 2018).
Ngày 12.12, UBND tỉnh Hậu Giang phối hợp với Liên minh hợp tác xã, Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ và Tạp chí Nhà Quản Lý tổ chức Diễn đàn Kinh tế xanh tại tỉnh Hậu Giang với chủ đề “Hậu Giang xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp định hướng thị trường trên nền tảng logistics”. Diễn đàn được tổ chức với kỳ vọng giúp tỉnh Hậu Giang từng bước xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị cho từng loại nông sản chủ lực của tỉnh. Tham vấn ý kiến của các nhà kinh tế, chuyên gia về nông nghiệp cũng như các bộ ngành trung ương, các tỉnh bạn và bạn bè quốc tế về các mô hình, giải pháp hay cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.