Người dân TP.HCM nóng lòng chờ đi metro số 1

23/11/2024 06:00 GMT+7

Nếu không còn yếu tố nào bất ngờ, đúng 1 tháng nữa, người dân TP.HCM sẽ được chứng kiến thời khắc lịch sử - tuyến metro đầu tiên đưa vào vận hành khai thác thương mại.

Người dân ủng hộ 100%

"Lần đầu tiên thấy metro số 1 hẹn ngày tháng rõ ràng thế này, chắc không dời nữa đâu. Mình hẹn nhau đi không?", chị Mai Quỳnh Anh nhắn tin hẹn hò nhóm bạn ngay khi phía chủ đầu tư thông tin với báo chí rằng tuyến metro số 1 TP.HCM (tuyến Bến Thành - Suối Tiên) đã hoàn thành 100% khối lượng thi công, dự kiến khai trương từ ngày 22.12 tới.

Lập tức, 2 người bạn trong nhóm phản hồi rôm rả, góp vui bằng những đường link thông tin 17 đoàn tàu metro đã hoàn tất đăng kiểm, được dán tem kiểm định, sẵn sàng đón khách, và lên ý tưởng chụp bộ hình Giáng sinh "đu trend" metro số 1.

Đang cư trú tại H.Nhà Bè còn công ty ở Q.7, tính ra hành trình di chuyển hằng ngày của chị Mai Quỳnh Anh không dính dáng gì tới hướng tuyến chạy tàu metro số 1. Thế nhưng, là một công dân của TP.HCM, chị luôn dõi theo quá trình xây dựng và hình thành tuyến đường sắt đô thị này. "Tôi sinh ra và lớn lên ở TP.HCM nên mỗi bước tiến, mỗi thành tựu của TP đều mang đến cảm giác rất tự hào. Tôi làm việc cho một công ty nước ngoài có trụ sở chính ở Singapore, thường xuyên qua đó, thấy hệ thống giao thông công cộng hiện đại, thấy mạng lưới metro chằng chịt của họ mà ham. Sau 16 năm chờ đợi, cuối cùng người dân TP.HCM cũng được đi metro. Có thể tôi không dùng metro hằng ngày nhưng chắc chắn sẽ có nhiều người có nhu cầu chuyển từ xe cá nhân sang metro. Từ đó thì đường sá cũng thông thoáng hơn, mình đi lại cũng dễ hơn. Tóm lại chỉ cần metro chạy, ngược xuôi thế nào cũng có lợi. Ủng hộ metro 100%", chị Mai Quỳnh Anh hào hứng chia sẻ.

Người dân TP.HCM nóng lòng chờ đi metro số 1- Ảnh 1.

Khách quốc tế trải nghiệm metro số 1

ẢNH: NGUYỄN ANH

Từ Đức trở về VN sinh sống ở TP.HCM từ năm 6 tuổi, đến nay đã gần 30 năm, anh Đoàn Anh Đức cũng dành rất nhiều sự mong chờ cho tuyến metro số 1 và cũng đã hẹn bạn cùng trải nghiệm thử ngay trong ngày đầu tuyến đưa vào khai thác. Với anh Đức, đây là biểu tượng cho sự phát triển, cho một bước đột phá của TP mang tên Bác. Nhà cách ga Phước Long (P.Trường Thọ, TP.Thủ Đức) khoảng 1,2 km, anh Đức đã tính toán có 2 phương án để tiếp cận ga metro. Nếu chuyển hẳn sang giao thông công cộng, anh sẽ đón chuyến xe buýt số 29, lên ga Bình Thái (ngay sau ga Phước Long hướng về Suối Tiên), sau đó đi ngược về cơ quan ngay dưới chân ga Thảo Điền. Tuy nhiên, xe buýt khoảng 15 phút mới có một chuyến, lại đi xa hơn nên anh Đức ưu tiên phương án đi xe máy hoặc xe đạp ra tới ga Phước Long, gửi xe ở đó rồi đi metro.

Chốt vé tuyến metro số 1 TP.HCM: 40.000 đồng/người/ngày đi không giới hạn

"Đi từ nhà ga ra mất khoảng 5 phút; từ ga Thảo Điền xuống tới cơ quan đi bộ thêm 5 - 7 phút, cộng cả thời gian đi metro, chờ tàu… chắc khoảng 5 - 7 phút nữa, trung bình hành trình khoảng gần 20 phút. Hiện giờ tôi đi xe máy nếu không kẹt xe thì khoảng 15 phút, nếu kẹt xe thì hơn 20 phút. Nhìn chung thì đi metro trong bối cảnh kết nối, tiếp cận còn hạn chế như hiện nay thì với quãng đường ngắn từ 3 km đổ lại sẽ không thấy quá nhiều lợi ích rõ ràng. Nhưng với mục tiêu bảo vệ môi trường, không cần chen chúc, kẹt xe khói bụi, hoặc với những người đi làm xa, công ty trong nội thành hay kẹt xe thì chắc chắn metro sẽ thu hút hơn nhiều", anh Đoàn Anh Đức phân tích.

Với kinh nghiệm đi du lịch nhiều nước phát triển, anh Đức chia sẻ để tuyến metro thu hút nhiều người sử dụng thì quan trọng nhất là sự tiện lợi và thoải mái, vệ sinh trên tàu, ghế ngồi ở trạm, nhà vệ sinh sạch sẽ. Vì vậy, cần xử phạt nặng các hành vi phá hoại, trộm cắp, gây mất vệ sinh. Bên cạnh đó, cần có nhiều tuyến buýt kết nối đến các trạm tàu điện, nhất là ở khoảng cách trên 800 m, thời gian chờ để bắt xe chỉ khoảng 10 phút. Ở khoảng cách dưới 800 m thì vỉa hè, đường sá cần được bảo dưỡng tốt, hạn chế chiếm dụng vỉa hè, sẽ khuyến khích người dân đi bộ đến trạm hơn. Với các trạm chưa có nhiều tuyến buýt kết nối thì ưu tiên chỗ để xe rộng rãi, an ninh tốt. Đặc biệt, ở các trạm tàu điện nên phát triển cửa hàng tiện lợi, đồ ăn nhanh giống như các nước…

Người dân TP.HCM nóng lòng chờ đi metro số 1- Ảnh 2.

17 đoàn tàu metro số 1 đã dán tem kiểm định, sẵn sàng bắt đầu hoạt động từ ngày 22.12

ẢNH: MAUR

Giá vé, cách tiếp cận, bãi để xe... đều đã sẵn sàng

Trước khi metro số 1 được đưa vào phục vụ hành khách, UBND TP.HCM đã ban hành giá vé dịch vụ vận tải hành khách bằng tàu điện trên tuyến này.

Mức giá vé bao gồm giá vé theo lượt, vé theo ngày, giá vé 3 ngày, giá vé tháng. Giá vé theo lượt được chia thành giá vé lượt thanh toán bằng tiền mặt và thanh toán không dùng tiền mặt. Hành khách đi vé lượt trả qua các kênh thanh toán online sẽ được hưởng giá vé thấp hơn 1.000 đồng/lượt so với trả bằng tiền mặt. Đối với vé lượt nếu thanh toán bằng tiền mặt mức thấp nhất là 7.000 đồng/lượt; cao nhất là 20.000 đồng/lượt (tùy theo số km hành khách đi). Ngoài ra, giá vé 1 ngày là 40.000 đồng/người/vé (không giới hạn số lượt đi lại trong ngày). Vé 3 ngày có giá 90.000 đồng/người/vé (không giới hạn số lượt đi lại trong 3 ngày). Với vé tháng, hành khách phổ thông là 300.000 đồng/người/vé/tháng; học sinh, sinh viên là 150.000 đồng/người/vé/tháng. Tất cả hành khách mua vé tháng đều không giới hạn số lượt đi lại trong tháng.

Cùng với đó, TP.HCM đang thúc đẩy các bước tiến quan trọng nhằm liên thông hệ thống vé giữa xe buýt và metro, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM, thời gian qua, trung tâm phối hợp các đơn vị liên quan thí điểm thanh toán tự động trên 38/90 tuyến xe buýt trợ giá (chiếm tỷ trọng 42,2% số tuyến xe buýt có trợ giá của hệ thống). Hành khách có thể thanh toán bằng thẻ Unipass, QR code thông qua ứng dụng Unipass trong Zalopay và thẻ ngân hàng của 24 ngân hàng nội địa. Hệ thống không tiếp xúc này không cần nhập mã PIN và còn chấp nhận mã thanh toán VietQR, mang đến trải nghiệm thanh toán thuận tiện và hiện đại hơn.

Bình luận dưới các bài đăng về thông tin trên, đa số người dân đều đánh giá mức giá vé metro như vậy hợp lý, phù hợp với nhiều đối tượng hành khách và đủ sức khuyến khích người dân TP lựa chọn metro là phương tiện di chuyển thường xuyên. Việc tích hợp thẻ xe buýt và metro cũng nhận được sự ủng hộ của những người "mê" giao thông công cộng.

Về vấn đề tiếp cận metro, Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 (HURC1), đơn vị tổ chức vận hành metro, thông tin: Khách đi từ ga Bến Thành sẽ gửi xe ở bãi công viên 23/9 với sức chứa 1.000 xe 2 bánh và 70 ô tô. Ở các nhà ga khác, chủ đầu tư cùng các đơn vị đang khẩn trương gấp rút hoàn thiện những công đoạn cuối tại các bãi đậu xe cá nhân, đường bộ hành, điểm dừng cho tuyến xe buýt gom tại các vị trí lân cận các nhà ga.

Song song đó, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM đã hoàn thiện 67 nhà chờ xe buýt, 196 trụ dừng xe buýt, đường bộ hành tại 11 vị trí lân cận các nhà ga trên cao và dọc hai bên các tuyến đường thuộc mạng lưới tuyến xe buýt kết nối với các nhà ga tuyến metro số 1.

Chính quyền TP sẵn sàng, người dân sẵn sàng, chỉ chờ tuyến metro số 1 chính thức đón khách ngày 22.12 để hiện thực hóa "giấc mơ metro".

Ga Văn Thánh đang xây dựng bãi đậu xe buýt 1.596 m² dưới gầm cầu đường sắt và một bãi đậu xe cá nhân khoảng 770 m² dưới gầm cầu vượt bên cạnh khu vực đón/trả khách dành cho xe buýt, taxi. Ga Thảo Điền đang hoàn thiện những khâu cuối cùng bãi đậu xe cá nhân khoảng 1.000 m² trên dải đất ven xa lộ Hà Nội và lối đi bộ kết nối đến chân cầu bộ hành. Bãi đậu xe cá nhân tại ga Rạch Chiếc với diện tích khoảng 1.500 m² sẽ nằm trên dải đất ven xa lộ Hà Nội và xây dựng lối đi bộ đến chân cầu bộ hành. Bãi xe ga Phước Long diện tích 1.000 m², bãi xe buýt ga Bình Thái khoảng 3.000 m² và bãi đậu xe cá nhân 1.000 m² cũng đang được hoàn tất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.