Không khí lạnh kéo nhiệt độ Nam bộ giảm nhẹ
Chiều tối 21 và 22.11, ở nhiều quận trung tâm TP.HCM bất ngờ xuất hiện một trận mưa rào với lượng khá lớn. Tuy thời gian mưa không dài nhưng cũng giúp giải nhiệt đáng kể cái nắng nóng gay gắt những ngày qua. Bên cạnh đó, lúc sáng sớm và đêm, trời cũng bớt nóng hơn.
Anh T.K.H (ngụ Q.4, TP.HCM) kể khoảng chiều tối 21.11 tại khu vực nhà anh bỗng dưng có mưa rào. Trận mưa ngắn nhưng khá to nên không khí dịu mát hẳn so với cái hầm hập trong những ngày trước đó. Đó cũng là cảm nhận của người dân ở nhiều quận, huyện có mưa rào nhẹ lướt qua những ngày gần đây.
Thật ra, mưa rào nhẹ ở thời điểm này không phải hiện tượng bất thường nhưng nhận được sự chú ý của nhiều người, bởi nền nhiệt ở TP.HCM nói riêng và Nam bộ nói chung thời gian qua rất oi bức, nắng nóng. Vẫn đang trong giai đoạn mùa mưa nhưng có ngày nhiệt độ ngoài trời lên tới 39 - 40 độ C, khiến những cơn mưa trở nên quý giá.
"Ở TP.HCM, nhiệt độ cảm nhận luôn cao hơn nhiều so với nhiệt độ khí tượng do ít cây xanh mà bê tông nhiều. Điều này được cảm nhận rõ hơn với người dân khi có dịp đi ra khỏi thành phố, đa phần các nơi khác không khí đều trong lành, dễ chịu hơn rất nhiều", chị Nguyễn Thị Vân Anh (ngụ Q.Bình Thạnh) chia sẻ.
Ông Lê Đình Quyết, Trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ (Đài Nam bộ), cho biết: Dấu hiệu thời tiết những ngày gần đây cho thấy mùa mưa bắt đầu kết thúc ở TP.HCM, dần chuyển sang mùa khô. Tuy nhiên, cách đây một ngày, nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố vẫn xuất hiện một trận mưa có lượng khá lớn, nhưng thời gian của trận mưa tương đối ngắn. Từ nay đến cuối năm 2024, những trận mưa tương tự vẫn còn nhưng sẽ giảm dần về tần suất, lượng và cả diện. Do Nam bộ sắp bước vào mùa khô nên xu thế thời tiết sẽ ít mây, nắng xuất hiện nhiều hơn và cường độ khá mạnh, đặc biệt vào trưa và đầu giờ chiều, mức nhiệt phổ biến trong giờ cao điểm từ 33 - 35 độ C. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm sẽ có các đợt không khí lạnh tăng cường nên nắng nóng không quá gay gắt. Thông thường hằng năm khi bước sang tháng 12, đặc biệt là gần đến ngày Noel, khu vực Nam bộ có thể xuất hiện một số ngày nhiệt độ giảm vào đêm và sáng sớm. Hiện nay, các đợt không khí lạnh ở phía bắc cũng đang tiếp tục tăng cường khuếch tán sâu xuống phía nam khiến nền nhiệt độ chung của Nam bộ giảm nhẹ.
Đồng tình với nhận định trên, chuyên gia dự báo thời tiết Lê Thị Xuân Lan nói: Đây là giai đoạn bắt đầu bước vào chính đông. Từ hôm nay kéo dài đến ngày 28.11, đợt không khí lạnh có cường độ mạnh bắt đầu tràn về nước ta nhiều hơn. Sang tháng 12, không khí lạnh với cường độ mạnh sẽ tràn về nhiều hơn và thời gian của các đợt lạnh cũng kéo dài hơn.
Bản tin chi tiết của Đài Nam bộ cho biết tại TP.HCM do ảnh hưởng của không khí lạnh nền nhiệt độ bình quân từ ngày 22 - 24.11 giảm khoảng 1 - 2 độ C so với những ngày đầu tuần. Đến khoảng ngày 25 - 26.11, không khí lạnh tiếp tục tăng cường và bổ sung khiến nhiệt độ TP.HCM những ngày tới duy trì mức 32 - 33 độ C.
Có bão cuối mùa?
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, thời gian qua không khí lạnh hoạt động yếu hơn so với trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, riêng những ngày cuối tháng 11 và đầu tháng 12, không khí lạnh có thể hoạt động mạnh hơn so với trung bình nhiều năm cùng kỳ. Khu vực Trung bộ có khả năng xuất hiện các đợt mưa lớn diện rộng, tập trung chủ yếu từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa. Khu vực Tây nguyên và Nam bộ còn xuất hiện mưa rào và giông, tập trung vào cuối tháng 11. Tuy các đợt không khí lạnh và mưa cuối mùa xuất hiện giúp thời tiết bớt nắng nóng gay gắt nhưng nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến vẫn cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 - 1 độ C.
Trong giai đoạn từ nay đến ngày 20.12, theo trung bình nhiều năm qua, vẫn còn khả năng có một cơn bão cuối mùa xuất hiện trên Biển Đông. Dù chưa thấy khả năng xuất hiện cơn bão thứ 10 trên Biển Đông trong khoảng 15 ngày tới, nhưng thời tiết diễn biến phức tạp, người dân và đặc biệt là các phương tiện hoạt động trên biển không nên chủ quan.
Đối với vùng ĐBSCL, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam thông tin: Lũ đầu nguồn đang bước vào giai đoạn cuối mùa và mực nước lũ giảm thấp. Trên sông Tiền tại trạm Tân Châu mực nước ngày 20.11 đạt mức 1,98 m; thấp hơn so với trung bình nhiều năm 0,52 m và thấp hơn năm 2023 là 0,27 m. Còn trên sông Hậu tại Châu Đốc, mực nước đạt 2,08 m; thấp hơn so với trung bình nhiều năm là 0,27 m và thấp hơn năm 2023 là 0,22 m. Từ nay đến cuối năm 2024 dự báo ở vựa lúa miền Tây sẽ còn đối mặt với 2 kỳ triều cường cao vào đầu tháng 12 và một đợt vào giữa tháng 12 có khả năng gây ngập ở khu vực vùng giữa và ven biển.
Các đô thị vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm làm trái đất nóng nhanh hơn
Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), trái đất đang ấm lên nhanh chóng và sự phát triển của các đô thị là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng này. Bởi khi các thành phố được mở rộng, chúng lấy đi đất nông nghiệp và các hệ sinh thái tự nhiên. Hiện trạng này làm gia tăng áp lực lên các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đất đai phục vụ cho xuất nông nghiệp khiến các hệ thống thực phẩm không bền vững. Bên cạnh đó, các đô thị cũng thải ra 21 - 37% lượng khí thải nhà kính toàn cầu, do là nơi tập trung dân số đông nên các đô thị cần lượng lương thực và thực phẩm dồi dào. Mặt khác, các đô thị lớn cũng phải đối mặt với những tác động nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu, đặc biệt như nhiệt độ cực cao.
"Thế giới không chỉ đông đúc hơn mà sẽ còn nóng hơn và phải gánh chịu nhiều điều kiện thời tiết khắc nghiệt hơn. Chúng tôi chắc chắn về điều đó", Phó tổng thư ký WMO Ko Barrett nhấn mạnh.
WMO nhận định năm 2024 được coi là năm nóng nhất trong lịch sử. Mức nhiệt độ tăng thêm trong năm 2024 (tạm tính tới tháng 9) là 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đáng chú ý, nồng độ khí nhà kính vào năm 2023 đạt mức kỷ lục. Ngoài ra, hơn 40 tỉ tấn khí nhà kính được thải ra mỗi năm như hiện nay khiến nồng độ CO2 trong khí quyển tiếp tục tăng nhanh. Điều này thúc đẩy tình trạng nóng lên toàn cầu ngày càng nguy hiểm.
Trong khí quyển, tuổi thọ của CO2 cũng kéo dài nên ngay cả khi nhân loại đạt mức phát thải ròng bằng 0 thì nhiệt độ toàn cầu vẫn tăng. Nhiều thế hệ sau khi nhân loại đạt net zero thì những tác động của quá trình ấm lên toàn cầu vẫn tiếp tục ở mức độ nghiêm trọng.
Bình luận (0)