Nhiệt độ trái đất đang 'sôi'

Chí Nhân
Chí Nhân
26/07/2024 14:03 GMT+7

Dù mưa bão kỷ lục khắp nơi ở nam bán cầu nhưng thế giới lại ghi nhận nhiệt độ trung bình cao kỷ lục 3 ngày liên tiếp. Bên cạnh đó, hàng chục địa điểm khác nhau ở nhiều quốc gia có nhiệt độ vượt 50 độ C.

Trong khi nhiều nơi ở nam bán cầu như Philippines, Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc… đang hứng chịu những trận mưa bão lịch sử thì điều bất ngờ là thế giới lại vừa trải qua những ngày ấm nhất lịch sử, khí hậu cũng bước qua thời kỳ El Nino. Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), nguyên nhân là do phía bắc bán cầu đang bước vào mùa hè ấm hơn bình thường, khiến nhiệt độ trung bình toàn cầu gia tăng.

Nhiệt độ trái đất đang 'sôi'- Ảnh 1.

Nhiều nơi trên thế giới ghi nhận mức nhiệt cao trên 50 độ C

WMO

Cụ thể, ngày 22.7 trở thành ngày ấm nhất lịch sử khi nhiệt độ trung bình toàn cầu hàng ngày đạt mức 17,16 độ C - con số cao kỷ lục được ghi nhận từ năm 1940 đến nay. Ngày liền kề sau đó, mức nhiệt là 17,15 độ C. Ngày trước 21.7, nhiệt độ cũng ở mức kỷ lục là 17,09 độ C.

Như vậy, nhiệt độ trong chuỗi 3 ngày liên tiếp nêu trên đều cao hơn so với kỷ lục cũ là 17,08 độ C, được ghi nhận vào ngày 6.7.2023.

Tổng thư ký WMO Celeste Saulo nhận định: Trái đất của chúng ta đang phải hứng chịu "cơn sốt cao chưa từng có". Bằng chứng là trong tuần này ghi nhận 3 kỷ lục về nhiệt độ trung bình hàng ngày toàn cầu. Bên cạnh đó là kỷ lục về nhiệt độ trung bình hàng tháng cao hơn trung bình những năm trước được ghi nhận 13 tháng liên tiếp. Các đợt nắng nóng dữ dội lan rộng đã tấn công khắp các quốc gia ở nhiều châu lục. Hàng chục địa điểm khác đã chứng kiến nhiệt độ ban ngày cao nhất trên 40°C và nhiệt độ ban đêm thấp nhất ở mức nguy hiểm.

WMO cũng dẫn lời ông Antonio Guterres, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, nói: Nhiều nơi trên thế giới nhiệt độ đã lên tới 50 độ C - ở giữa độ sôi của nước. Điều này khiến hàng tỉ người và cây trồng đang phải đối mặt với tình trạng nắng nóng cực độ, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, gia tăng bất bình đẳng, làm suy yếu các "mục tiêu phát triển bền vững" và giết chết rất nhiều người. "Ước tính nắng nóng giết chết gần nửa triệu người mỗi năm, nhiều hơn khoảng 30 lần so với bão nhiệt đới", ông Guterres cho biết.

WMO khuyến cáo, thế giới cần hạn chế nhiệt độ trung bình tăng dưới mức 1,5 độ C bằng cách loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch và tăng quy mô đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.