Hiệp định EVFTA và IPA: Những 'nút thắt tưởng không thể gỡ'

Chí Hiếu
Chí Hiếu
26/06/2019 07:30 GMT+7

“Đã có lúc tưởng như chúng ta chỉ ký riêng hiệp định thương mại, bỏ lại hiệp định bảo hộ đầu tư ký sau. Nhưng rồi chúng ta đã vượt qua để có một kết quả cuối cùng thắng lợi”

Chiều 25.6, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đã có cuộc trao đổi nhanh với báo chí ngay khi có thông tin Liên minh Châu Âu đã đi đến quyết định ký kết Hiệp định thương mại tự doHiệp định bảo hộ đầu tư giữa VN và Liên minh Châu Âu (EVFTA và IPA) vào ngày 30.6 tới.

Vượt cả trình độ đàm phán

“Phải nói rằng hiệp định này vượt cả trình độ của chúng ta trong đàm phán. Đặc biệt ở giai đoạn cuối, có cả vấn đề không liên quan nội dung đến hiệp định, nhưng bạn vẫn đặt ra. Thì tất cả chúng ta đã có lời giải”, Bộ trưởng Tuấn Anh kể và nhớ lại: “Đã có lúc tưởng như chúng ta chỉ ký riêng hiệp định thương mại, bỏ lại hiệp định bảo hộ đầu tư ký sau. Nhưng rồi chúng ta đã vượt qua để có một kết quả cuối cùng thắng lợi”.
Cụ thể, ông dẫn ra không ít ví dụ được coi là “nút thắt”, như vấn đề đánh bắt cá đã tốn rất nhiều giấy mực cả hai bên; hay với sản phẩm nông nghiệp, cũng rất phức tạp; hoặc câu chuyện thẩm quyền của từng quốc gia khi xử lý tranh chấp của nhà đầu tư.
Theo Bộ trưởng Công thương, nếu Hiệp định CPTPP chỉ với 12 nước thì hiệp định lần này có tới 28 quốc gia có nền kinh tế phát triển, có hệ thống pháp luật rất cao song trình độ quản trị nền kinh tế rất khác nhau, nên toan tính của họ cũng khác. Khi nhắc tới bài học thành công, ông Tuấn Anh cho rằng, bên cạnh nỗ lực của đoàn đàm phán, sự chỉ đạo sâu sát của Bộ Chính trị, Chính phủ, thì một bài học rất đáng phải đề cập đó là việc tham vấn liên tục ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp để khi đi vào thực thi thì có lợi nhất.
Nói về ý nghĩa của 2 hiệp định đối với VN trong bối cảnh hiện nay, Bộ trưởng Công thương nhấn mạnh, do đây là FTA “có tiêu chuẩn cao, có tính toàn diện” nên ý nghĩa sâu sắc, sự khác biệt với các FTA khác là yêu cầu mở cửa thị trường khi mà gần như 100% dòng thuế sẽ được hưởng cắt giảm thuế quan trong vòng 7 năm.
“Ngay năm sau thôi, năm 2020, hơn 85% dòng thuế sẽ về 0 - chiếm tới 70% kim ngạch xuất khẩu của VN sang EU”, ông dẫn chứng. Cùng với đó, do châu Âu là đối tác quan trọng cả vốn, công nghệ nên theo vị này, hiệp định không chỉ là điều kiện giúp nâng cao kim ngạch hai chiều mà còn có điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, giúp chúng ta tham gia vào chuỗi giá trị mới cũng như giúp chúng ta hoàn thiện khung khổ luật pháp, thể chế.

Hầu hết sản phẩm xuất khẩu chính được lợi

Đi vào chi tiết các ngành hàng được hưởng lợi, theo ông Tuấn Anh, hầu hết các ngành, sản phẩm xuất khẩu chính của chúng ta sẽ được hưởng ưu đãi thuế, thuận lợi hóa thương mại như nông sản với gạo, cà phê, mật ong, hoa quả, thủy sản…
“Đây là những mặt hàng đều hưởng ưu đãi từ năm đầu. Tiếp đó sẽ là dệt may, da giày, đồ gỗ, sản phẩm tin học và các ngành mới như ô tô, hóa dầu”, Bộ trưởng Công thương nói. Dẫn báo cáo sơ bộ của Bộ KH-ĐT, theo ông, ngay năm đầu thực thi (2020), tăng trưởng xuất khẩu của VN vào châu Âu dự kiến là 20%. 10 năm sau, con số thậm chí có thể tăng trưởng 80%, thúc đẩy tăng trưởng GDP mạnh mẽ.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa điều này, tư lệnh ngành công thương cho hay sẽ phải có một lộ trình triển khai, từ việc Thủ tướng phê duyệt chương trình hành động tổng thể và toàn diện để cung cấp thông tin cho doanh nghiệp (DN), người dân, bộ máy nắm bắt các nội dung, cam kết... đến việc cần tập trung làm rõ cho các cơ hội, thách thức và xây dựng kế hoạch tổ chức thực thi, luật hóa cho phù hợp các cam kết đã ký.
“Trong quá trình quản trị, điều hành cũng luôn phải có những cải cách để quản lý nhà nước gắn với cam kết hội nhập, hướng vào tạo thuận lợi cho DN; tạo ra các cơ chế, mô hình liên kết để quản lý nhà nước gắn với DN, người dân để tạo thuận lợi cho quá trình thực thi, điều chỉnh chính sách, đảm bảo mang lại hiệu quả cho nền kinh tế”, ông Tuấn Anh nói.
 
Bộ trưởng Công thương cũng lưu ý không chỉ thuận lợi mà có những thách thức lớn, như việc cạnh tranh khi mở cửa thị trường cho hàng hóa và dịch vụ các nước, trong bối cảnh DN ta phần lớn nhỏ và vừa. “Cho nên cách tổ chức, vận dụng làm sao để đảm bảo vượt qua khó khăn. Đó là đòi hỏi và yêu cầu mà chương trình hành động cần đặt ra”. Dù vậy, Bộ trưởng Công thương tin rằng, sau khi chính thức ký kết, sẽ có một làn sóng các nhà đầu tư châu Âu quan tâm nghiêm túc và sẽ có sự tăng trưởng đột biến trong đầu tư ở VN.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.