Đặc biệt là việc có chỉ định thầu cho AVC làm hay mang ra đấu thầu công khai.
Ngoài ACV thì không DN nào làm được?
Cảng hàng không quốc tế Long Thành (H.Long Thành, Đồng Nai) được Quốc hội (QH) thông qua chủ trương năm 2015 bằng Nghị quyết 94. Năm 2017, QH tiếp tục chấp thuận tại Nghị quyết 38 tách riêng dự án giải phóng mặt bằng giao cho Đồng Nai. Phần cảng và hạng mục khác giao cho Chính phủ đứng ra chủ trì.
Theo chủ trương, dự án sẽ được xây dựng với công suất thiết kế 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Tổng mức đầu tư khái toán cho toàn bộ 3 giai đoạn là 336.600 tỉ đồng (tương đương 16,03 tỉ USD).
Chiều 24.10, Chính phủ trình QH lần thứ 3 với nội dung: “Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án giai đoạn 1”. Theo tờ trình, giai đoạn 1 của dự án sẽ đầu tư 1 đường băng và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Tổng mức đầu tư theo phương án kiến nghị 111.689 tỉ đồng (tương đương 4,779 tỉ USD). Chậm nhất đến năm 2025 sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác.
Lần trình này, Chính phủ đề nghị QH ban hành nghị quyết cho phép điều chỉnh thêm diện tích đất giai đoạn 1 từ 1.165 ha lên 1.810 ha; chấp thuận mở thêm 2 tuyến đường bộ kết nối vào sân bay với tổng vốn 4.802 tỉ đồng và một nội dung đặc biệt quan trọng là xin QH cho ý kiến “chỉ định thầu” Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) và Tổng công ty quản lý bay VN (VATM) trực tiếp đầu tư dự án.
Cụ thể, ACV sẽ lo các hạng mục thiết yếu của cảng, công trình phụ trợ... với tổng mức đầu tư hơn 4,6 tỉ USD (khoảng 108.233 tỉ đồng). Còn VATM lo các công trình quản lý bay (đài chỉ huy, nhà điều hành bay...) tổng mức đầu tư 147,9 triệu USD (tương đương 3.457 tỉ đồng).
Lý do “chọn mặt gửi vàng” cho 2 doanh nghiệp (DN) nhà nước này, theo Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, thì VATM là DN duy nhất được cung cấp dịch vụ quản lý, điều hành hoạt động bay tại VN. Trong khi ACV hiện quản lý 21 sân bay, có đủ kinh nghiệm quản lý. “Ngoài ACV ra thì không DN nào đủ điều kiện quản lý sân bay để tổ chức đấu thầu”, ông Thể nói thêm khi thảo luận tại tổ chiều 24.10.
Làm cảng quốc tế không bao giờ lỗ?
Chọn hay không chọn ACV làm chủ đầu tư giai đoạn 1 là vấn đề làm “đau đầu” các đại biểu (ĐB) cũng như Ủy ban (UB) Kinh tế của QH. Trong báo cáo thẩm tra ngay sau đó, UB này khẳng định, QH không có thẩm quyền chỉ định thầu cho bất cứ DN nào mà theo luật hiện hành về đấu thầu thì việc lựa chọn nhà đầu tư thuộc thẩm quyền của Thủ tướng.
Trong tổng số hơn 4 tỉ USD vốn của ACV đầu tư vào dự án, dự kiến ACV phải đi vay khoảng 2,628 tỉ USD. Chính phủ cho rằng khoản này không làm tăng nợ công do không sử dụng vốn ODA. Tuy nhiên, UB Kinh tế lo ngại, dự án này thuộc đối tượng được bảo lãnh Chính phủ. Nếu được Chính phủ bảo lãnh thì khoản vay này sẽ được tính vào nợ công. Mặt khác, ACV là DN do nhà nước chi phối, nên dù huy động vốn dưới hình thức nào thì nhà nước vẫn có trách nhiệm trong việc xử lý khi có rủi ro đối với phần vốn nhà nước tại DN.
Bên cạnh đó, UB Kinh tế đặt vấn đề về khả năng huy động vốn của ACV vì DN này phải đồng thời thực hiện đầu tư mở rộng Cảng hàng không Tân Sơn Nhất cũng như các cảng hàng không khác trên cả nước.
Giải trình thêm khi thảo luận tổ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết ACV hiện có 25.000 tỉ đồng tiền mặt đang gửi ngân hàng, năm 2018 lãi 7.000 tỉ đồng, cộng với tài sản 3.000 tỉ đồng tại 24 sân bay cả nước... Tổng thu của ACV vào khoảng 75.000 tỉ đồng. Trong 2,6 tỉ USD vốn vay, theo ông Thể đã có một số quỹ ngoại sẵn sàng cho vay, không cần Chính phủ bảo lãnh. Ngoài ra, ngân hàng cũng sẵn sàng cho vay lãi suất thấp 1 - 2%/năm.
“Các cảng hàng không quốc tế lớn không bao giờ lỗ, nên họ sẵn sàng cho vay”, Bộ trưởng Thể khẳng định và trăn trở nếu không chỉ định thầu cho ACV mà phải đấu thầu sẽ bị chậm thêm 1 năm rưỡi, tức sau 2022 mới có thể khởi công thay vì 2021 như kế hoạch, trong khi sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải nghiêm trọng.
Thảo luận tại tổ, các ĐB bày tỏ băn khoăn khi báo cáo khả thi giai đoạn 1 trình lên còn khá chung chung, không rõ ràng. ĐB Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) dẫn chứng tổng mức đầu tư đưa ra như vậy nhưng không thấy đánh giá hiệu quả đầu tư của dự án. “ACV là DN nhà nước rất lớn, nhưng đang đầu tư hàng chục sân bay lại mở rộng Tân Sơn Nhất, làm Cát Bi giai đoạn 2. Vậy huy động như thế nào, nếu không đủ năng lực nguy cơ kéo dài tiến độ rất nguy hiểm”, ĐB Tùng lo ngại.
ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cũng cảm thấy khó hiểu khi dự án trình đi trình lại, lần này báo cáo khả thi cũng không hoàn chỉnh. “Phải xem xét bao nhiêu lần nữa với cái kiểu trình như thế này. Mà theo nghị quyết chỉ là báo cáo khả thi thôi, cứ bàn như vậy thì rất mất thời gian”, ĐB Thành thẳng thắn bày tỏ.
Tại đoàn Đồng Nai, nhiều ý kiến mong muốn Chính phủ cần tập trung hỗ trợ Đồng Nai tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng.
Đặc biệt, thống nhất trong chính sách hỗ trợ đền bù cho người dân, Hội đồng thẩm định quốc gia nhanh chóng phê duyệt xây dựng các khu tái định cư.
|
Bình luận (0)