Kết nối đường trên cao, giải phóng sân bay

19/06/2020 07:25 GMT+7

Hệ thống đường trên cao trong quy hoạch giao thông của TP.HCM không chỉ là biện pháp căn cơ giải quyết tình trạng ách tắc mà còn có thể “cứu” cả sân bay Tân Sơn Nhất nếu được kết nối thành đường chuyên dụng.

Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất vừa được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư với quy mô công suất 20 triệu hành khách/năm, nâng tổng công suất của sân bay này đến năm 2030 là 50 triệu hành khách/năm. Trong khi đó, Hiệp hội Hàng không quốc tế dự báo đến năm 2025, Tân Sơn Nhất sẽ phải cung ứng nhu cầu cho 79 triệu hành khách. Do đó, hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vòng ngoài là vấn đề được đặt ra hàng đầu song song với việc mở rộng sân bay.
Để kết nối giao thông, Bộ GTVT quy hoạch sử dụng đường Trường Sơn hiện hữu, quy hoạch tuyến đường trục nối từ đường Trần Quốc Hoàn đến đường Cộng Hòa với quy mô 4 - 6 làn xe; mở rộng loạt đường Hoàng Hoa Thám, Thân Nhân Trung, 18E. Đồng thời, bổ sung cầu vượt trên cao đoạn từ đường Phan Thúc Duyện qua đường Trần Quốc Hoàn, Thăng Long đến khu vực sân bóng đá Chảo Lửa để kết nối giao thông từ khu vực trung tâm TP đến nhà ga hành khách T3...
Tuy nhiên thực tế, việc mở rộng đường, xây thêm cầu vượt các khu vực này còn không đủ đáp ứng nhu cầu giao thông hiện hữu của TP, chưa nói đến “kham” thêm sân bay sau này. TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức, nhận định, nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc khu vực sân bay là do hệ thống giao thông ra vào sân bay đang chèn vào mạng lưới giao thông đô thị. Để giải quyết tận gốc, phải tách rời mạng lưới giao thông kết nối sân bay ra khỏi giao thông quá cảnh hiện hữu. “Yêu cầu bức thiết đối với sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay là phải có đường chuyên dụng vì hành khách đi máy bay cần đến đúng giờ. Đồng thời, để tăng sức cạnh tranh với các sân bay trong nước cũng như quốc tế, giao thông kết nối vào sân bay phải tin cậy để đảm bảo hoạt động trong sân bay ổn định”, ông nói.
Trong khi đó, quy hoạch các tuyến đường cao tốc trên cao của TP.HCM hiện nay đang bỏ qua sự kết nối với sân bay Tân Sơn Nhất. Cụ thể, đối với tuyến đường trên cao số 1 và số 2 sau khi hoàn thành sẽ hỗ trợ kết nối giao thông liên vùng trong TP. Những chuyến đi dài từ phía đông qua phía tây sẽ đi đường trên cao thay vì phải qua đường Hoàng Văn Thụ, giúp giảm lưu lượng xe trên đường này cùng đường Trường Sơn, Hồng Hà, góp phần giảm tải khu vực đường vào sân bay. Nhưng nếu không kết nối 2 tuyến này trực tiếp với sân bay thì không thể giải quyết tận gốc tình trạng ách tắc khu vực này.
Do đó, TS Vũ Anh Tuấn đề xuất kéo dài tuyến đường trên cao số 1 thêm khoảng 500 m, kết nối trực tiếp với nhà ga T1 và T2 của sân bay. Sau khi tuyến số 2 hoàn thành, cùng kết nối với tuyến số 1, đồng thời kết nối với sân bay về hướng đông, tạo thành một mạng lưới đường trên cao chuyên dụng cho sân bay. “Trong tương lai, khi nhà ga T3 và T4 được xây dựng, sẽ tiếp tục kéo dài thêm các tuyến này để tạo kết nối. Hệ thống đường trên cao đã có trong quy hoạch, chỉ cần điều chỉnh lại thiết kế một chút sẽ hình thành hệ thống đường chuyên dụng cho cả sân bay Tân Sơn Nhất, không cần thực hiện đề án riêng”, ông Tuấn nêu ý kiến.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.