Khách hàng cá nhân 'ngóng' ngân hàng giảm lãi, cơ cấu nợ

Thanh Xuân
Thanh Xuân
28/08/2021 17:17 GMT+7

Trước thông tin ngân hàng giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, một số khách hàng cá nhân vay nợ mừng rỡ liên hệ với ngân hàng, công ty tài chính nhưng chỉ nhận được thông báo... chờ.

Khách hàng dồn dập hỏi ngân hàng hỗ trợ

Khoảng 2 tuần trở lại đây, anh Nguyễn Thành Sang (Q.5, TP.HCM) thấp thỏm chờ đợi Công ty tài chính Mirae Asset có giải pháp hỗ trợ cho khoản vay của mình do thu nhập sụt giảm mạnh, lại phải gánh thêm một người thất nghiệp trong gia đình nên không kham nổi khoản lãi vay trước đó.
Anh Sang kể, tháng 8.2020, anh Sang vay công ty tài chính 60 triệu đồng, trong vòng 3 năm, lãi suất trả tính theo năm là 45,63%/năm, tính theo tháng là 3,75%/năm. Mới đây, anh Sang điện cho công ty tài chính xin được giảm lãi hoặc cơ cấu lại nợ nhưng phía công ty cho hay không thuộc đối tượng được giảm lãi suất vì quy định những khoản vay trước ngày 10.6.2020 mới được giảm, khoản vay của anh Sang bắt đầu từ tháng 8.2020 nên không được hỗ trợ. Nhân viên công ty tài chính tư vấn anh Sang nên mượn tiền của người thân để trả nợ chứ chậm trả sẽ ảnh hưởng đến tín nhiệm cá nhân sau này.
Làm nhân viên siêu thị với mức lương 6 triệu đồng/tháng. Mấy tháng nay, thu nhập giảm do siêu thị có ca FO nên đóng - mở liên tục. Anh Sang chia sẻ, chỉ mong công ty giảm phần trả góp hằng tháng xuống còn 2 triệu đồng để bớt gánh nặng và gia hạn lại nợ thêm thời gian.
Cũng trong tình trạng tương tự, anh Võ Đạt (Q.12, TP.HCM) đã nhiều lần liên hệ Techcombank xin giãn đóng nợ vay mua nhà hơn 1 tỉ đồng nhưng chưa thấy ngân hàng trả lời. Mấy nay thấy các ngân hàng công bố giảm lãi cho người vay nên anh càng khấp khởi hy vọng và cố gắng liên hệ xin giảm lãi hay cơ cấu lại khoản vay nhưng nhân viên phụ trách bảo “đang chờ bên ngân hàng phản hồi”. “Đành ngồi chờ chứ cũng không biết phải làm gì lúc này”, anh Đạt cho hay.
Dịch Covid-19 kéo dài khiến thu nhập giảm mạnh, nhiều người rơi vào cảnh thất nghiệp khiến các khoản vay trước đó trở thành gánh nặng đè lên cuộc sống của họ. Vì thế, nghe thông tin ngân hàng sẽ có giải pháp cho khách hàng cá nhân, rất nhiều người lập tức liên hệ để mong được hỗ trợ.
Chị Lê Phương (nhân viên công ty tài chính) phụ trách 250 hồ sơ vay khách hàng cá nhân cho biết, ngày nào cũng nhận rất nhiều cuộc gọi của khách hàng hỏi có được giảm lãi, cho trả chậm không. Có nhiệm vụ điện cho khách nhắc nợ nhưng chị Lê Phương cho biết: “Thu nhập mọi người sụt giảm mà nhắc nợ họ lúc này cũng thấy ái ngại nhưng công việc hằng ngày của mình phải điện cho khách vì tính vào KPI, không điện thì không làm báo cáo gửi cho công ty được. Đó là chưa kể đến nguy cơ bị thôi việc. Bởi một hồ sơ cho vay mà khách không trả được nợ thì thu nhập bị trừ đi 200.000 đồng/tháng gọi là tiền rủi ro. Nếu hồ sơ đó liên tục 3 tháng không trả được nợ thì nhân viên bị cho thôi việc nên có những tháng nhân viên phải cắn răng đóng cho khách rồi đòi nợ sau. Hầu hết khách hàng hiện nay trông chờ vào việc được giãn nợ, cơ cấu lại khoản nợ đóng thêm vài tháng để qua dịch đi làm có thu nhập, chứ ngay cả phần lãi vay có người còn không trả nổi. Khách hàng được hỗ trợ giai đoạn này thì nhân viên như mình cũng đỡ khó xử mà chờ đợi chưa thấy công ty có chính sách như hồi năm 2020”, chị Lê Phương cho hay.

Giãn cách xã hội, ngân hàng chủ động giảm trên hệ thống

Ông Phan Viết Cường - Giám đốc khối khách hàng cá nhân Ngân hàng TMCP Bản Việt cho hay số lượng khách hàng cá nhân điện thoại hay gửi thư đến ngân hàng hỏi hỗ trợ hiện nay đã giảm bởi từ đầu tháng 8, ngân hàng đã chủ động giảm lãi suất tối đa lên 2%/năm ngay trên hệ thống cho những khách hàng đáp ứng được các điều kiện theo quy định. Nhân viên ngân hàng liên hệ với khách hàng nắm bắt nhu cầu hỗ trợ, riêng những khách hàng bị nhiễm virus Covid-19 hay ở trong khu vực bị phong tỏa tại các tỉnh thành như TP.HCM, Bình Dương, Đà Nẵng… được ưu tiên giải quyết. Việc giảm lãi suất được ngân hàng thực hiện thông qua việc chủ động liên hệ khách hàng và rà soát để kịp thời hỗ trợ cho khách hàng trong giai đoạn ảnh hưởng dịch bệnh, khách hàng được giảm lãi suất trong thời gian này cũng chỉ thực hiện một số thủ tục đơn giản để đảm bảo các quy định cơ bản trong quy định về điều chỉnh lãi suất đã được thỏa thuận giữa khách hàng và ngân hàng. Còn đối với những khoản vay cơ cấu lại nợ hoặc vay thêm, ngân hàng linh động thông qua các kênh không tiếp xúc để xác định nhu cầu và giải quyết kịp thời cho khách hàng, các thủ tục cấp tín dụng vẫn đảm bảo theo quy định. Theo như đánh giá ban đầu của ngân hàng, việc giảm lãi suất cũng như các giải pháp khác triển khai từ đầu tháng 8 đến nay sẽ có khoảng 2.000 khách hàng với dư nợ khoảng 1.500 tỉ đồng được hỗ trợ. Ngoài việc giảm lãi, phía ngân hàng cũng tự động điều chỉnh mức đóng tối thiểu 5% đối với khách hàng cá nhân sử dụng thẻ tín dụng xuống còn 1%.
Một số nhà băng khác cũng tự động điều chỉnh lãi suất vay trên hệ thống cho khách hàng cá nhân khi đến hạn. Với chương trình giảm lãi suất từ 0,5 - 1,5%/năm, tùy theo nhóm khách hàng và mức độ khách hàng chịu ảnh hưởng của đại dịch, ông Phạm Như Ánh, Thành viên Ban điều hành MB cho biết, ngân hàng dự kiến giảm 1.000 tỉ đồng tiền lãi cho các khách hàng chịu ảnh hưởng của Covid-19. Tại mức lãi suất này, có khoảng 70.000 tỉ đồng dư nợ đối với khách hàng cá nhân và 50.000 tỉ đồng dư nợ doanh nghiệp được giảm lãi. MB xem xét giảm lãi suất cho nhóm khách hàng được ưu tiên và thông báo đến những khách hàng được giảm lãi suất bằng văn bản cùng với việc nhắn tin. Khách hàng không cần ký kết các văn bản và đề nghị gì với MB. Tuy nhiên do mỗi khách hàng gặp những hoàn cảnh khó khăn và cần hỗ trợ khác nhau nên khách hàng có thể chủ động liên hệ với ngân hàng để được hướng dẫn thêm.
Đứng trước nhu cầu cần sự hỗ trợ của các khách hàng khá lớn, đại diện Vietcombank cho biết đối tượng giảm lãi cần đáp ứng các điều kiện mà quy định đưa ra nên nhân viên ngân hàng sẽ xem trên hệ thống thông tin khách hàng và chủ động liên hệ qua điện thoại, email khi đáp ứng đầy đủ điều kiện. Lãi suất mà Vietcombank giảm cho khách hàng các tỉnh phía nam từ 0,3 - 0,5%/năm, con số tính toán giảm lãi mà nhà băng này hỗ trợ cho khách hàng các tỉnh phía nam khoảng 1.000 tỉ đồng (nâng tổng mức hỗ trợ cho khách hàng trong năm 2021 lên 7.100 tỉ đồng) thì số lượng khách hàng được hỗ trợ khá lớn. Do đó ngân hàng chủ động giảm lãi suất trên hệ thống, không thể chờ khách hàng liên hệ mới giảm lãi.
Một số ngân hàng mới triển khai chương trình hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 gây ra ngay thời điểm các tỉnh thành bùng phát dịch phải thực hiện giãn cách, người dân không được ra đường, nhân viên làm việc tại ngân hàng cũng giảm để đáp ứng các quy định chống dịch… dẫn đến việc triển khai cũng bị chậm hơn. Ngoài ra, quy định về cơ cấu nợ hiện nay đang vướng, chỉ xử lý cho những khoản nợ trước ngày 10.6.2020 nên các tổ chức cũng đang chờ quy định hướng dẫn mới từ Ngân hàng Nhà nước để thực hiện cơ cấu nợ cho những khách hàng vay sau thời gian này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.