Trên thực tế, giai đoạn các hãng ồ ạt mở bán vé kích cầu du lịch sau dịch, từng xảy ra tình trạng bán quá slot được cấp, dẫn đến phải cắt chuyến, dồn chuyến rất nhiều, ảnh hưởng đến hành khách. Đặc biệt, từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7, khi 2 đường băng tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất được cấp tập sửa chữa, tình trạng ùn ứ càng nghiêm trọng tại 2 sân bay này.
Trước những lo ngại tình trạng này sẽ tái diễn dịp tết, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết trước đó, việc xuất hiện ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng tại TP.HCM đã tác động đến tâm lý người dân, khiến tỷ lệ hành khách hủy chỗ trên các chuyến bay của các hãng từ 4% lên 8%, cá biệt có chuyến tỷ lệ khách hủy chỗ lên đến 10%. Tuy nhiên, việc kiểm soát nhanh chóng dịch tại TP.HCM, nhiều ngày không xuất hiện ca lây nhiễm mới ngoài cộng đồng đang tác động tích cực trở lại.
Khó dự báo chính xác nhu cầu đi lại dịp tết của người dân do ảnh hưởng Covid-19 tác động lớn tới thu nhập, song theo ông Thắng, kế hoạch phục vụ tết của các hãng đã được xây dựng ở mức cao với sản lượng vận chuyển dự tính tăng 10% so với năm ngoái, đạt khoảng 7,5 triệu hành khách giai đoạn tháng cao điểm Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
“Việc khai thác hạn chế các chuyến quốc tế cũng giúp các hãng có đủ nguồn lực, slot bay để khai thác các đường bay nội địa nếu nhu cầu hành khách tăng đột biến. Cục đã yêu cầu các hãng xây dựng kế hoạch bán vé sát với khả năng đáp ứng hạ tầng từng sân bay. Trường hợp nhu cầu tăng cao, các cảng hàng không quốc tế sẽ đưa nhà ga quốc tế vào khai thác để hỗ trợ cho nhà ga nội địa”, ông Thắng nói. Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cũng khẳng định, Bộ GTVT đã yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo tình hình mới, đảm bảo khai thác an toàn.
Với 2 sân bay lớn nhất là Tân Sơn Nhất và Nội Bài, ông Thắng cho hay hiện các đơn vị thi công đang hoàn thiện các công đoạn cuối sửa chữa, nâng cấp đường cất hạ cánh để đưa vào khai thác trở lại từ ngày 1.1.2021, hạn chế thấp nhất việc ùn tắc dịp cao điểm tết. Hai sân bay này cũng sẽ đảm bảo năng lực khai thác tương đương Tết Nguyên đán 2020.
Mới đây, Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long - đơn vị quản lý dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất thông báo: Dự án được đầu tư theo lệnh khẩn cấp, đến nay, hạng mục đường cất hạ cánh 25R/07L dài 3.048 m, rộng 45,72 m đã hoàn thành hạng mục chính như bê tông xi măng 350/45 và bê tông nhựa lề vật liệu, hiện đang tập trung triển khai thi công các hạng mục hoàn thiện như: sơn đường, hệ thống thiết bị, biển báo phục vụ công tác bay hiệu chuẩn từ ngày 15 - 20.12 và bàn giao khai thác bước 1 vào ngày 31.12. Việc đường băng mới có thể đưa vào khai thác, đón máy bay từ ngày 31.12 kỳ vọng sẽ giảm bớt áp lực cho sân bay Tân Sơn Nhất, đảm bảo khai thác dịp cao điểm Tết dương lịch và Tết Nguyên đán.
Song song đó, Sở GTVT TP.HCM cũng vừa có công văn yêu cầu Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất điều chỉnh phương án phân làn xe đưa/đón hành khách trước ga quốc nội. Đồng thời, đầu tư xây dựng cầu bộ hành hoặc đường hầm kết nối giữa nhà ga quốc nội và nhà giữ xe TCP để giải quyết việc giao cắt giữa người đi bộ và dòng xe di chuyển trên các làn A, B, C, D; Lắp đặt bổ sung hai thang máy tại nhà giữ xe TCP trước ngày 20 tháng chạp để phục vụ hành khách trong thời gian cao điểm Tết Nguyên đán 2021.
Bình luận (0)