Hà Nội: Bệnh viện giữa nội đô người xe kẹt cứng, nguy cơ lây nhiễm

22/04/2021 14:46 GMT+7

Việc chậm di dời các bệnh viện trong nội đô đang đe dọa sức khỏe của người dân, gây ùn tắc nghiêm trọng tại nhiều tuyến phố. Đáng nói, chủ trương di dời đã có từ lâu nhưng thực hiện thì gần như gẫn giậm chân tại chỗ.

Nguy cơ lây nhiễm quá cao

Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23.1.2015 về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội nhưng tiến độ di dời một số bệnh viện vẫn vô cùng ì ạch.
Nhằm giảm áp lực về hạ tầng, giao thông cho khu vực trung tâm, trong đồ án quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng phê duyệt, đến năm 2030 sẽ phải di dời hàng loạt bệnh viện, trường đại học, cao đẳng ra ngoại thành. Địa bàn TP. Hà Nội là nơi tập trung phần lớn bệnh viện tuyến trung ương khu vực phía Bắc. Các bệnh viện được đề xuất di dời chủ yếu là các bệnh viện truyền nhiễm nằm trong khu vực mật độ dân cư quá dày đặc, bệnh viên có lượng chất thải y tế lớn không có khả năng xử lý, bệnh viện đa khoa có khoa lây không đủ điều kiện cách ly theo quy định.
Văn kiện đại hội lần thứ XVII của Đảng bộ TP.Hà Nội cũng đặt ra vấn đề đẩy nhanh việc di dời trụ sở một số cơ quan trung ương, trường đại học, bệnh viện và cơ sở công nghiệp, kho tàng, bến bãi gây ô nhiễm… Tuy nhiên, tại một số bệnh viện việc di dời vẫn “chưa có kế hoạch”.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại đường Hoàng Hoa Thám (Q.Ba Đình, Hà Nội), nơi “đóng đô” của Bệnh viện Phổi T.Ư. Đây là một trong những bệnh viện đi đầu trong việc khám, phát hiện, quản lý, điều trị người bệnh lao - bệnh dễ truyền nhiễm nhưng lại được đặt giữa trung tâm. Không chỉ vậy, khu vực trước cổng bệnh viện, hiện không có vỉa hè cho người đi bộ mà đã biến thành các bãi gửi xe. Nhiều phương tiện di chuyển ngược chiều càng làm tình trạng giao thông trở nên khó khăn. Điều này gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động xe cấp cứu đưa người bệnh ra vào viện. Do không được cứu chữa kịp thời vì ảnh hưởng của việc ùn tắc, những bệnh nhân này cũng gặp mối đe doạ lớn tới tính mạng của mình. Tương tự, tại nhiều cổng bệnh viện khác như Bệnh viện K, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội,... cũng diễn ra tình trạng tương tự.
Một trong những nguyên nhân diễn ra tình trạng trên là các lái xe, đặc biệt là xe taxi vẫn ngang nhiên dừng, đỗ để đón trả khách mặc dù đã có biển cấm dừng đỗ xe, hoặc khi không có lực lượng cảnh sát giao thông.
Bà Hương Lan, người dân thường xuyên di chuyển trên phố Hoàng Hoa Thám chia sẻ: “Khu vực ngã ba trước cổng Bệnh viện Phổi T.Ư thường xuyên tắc đường nhưng ít khi thấy có công an tới đây để phân làn, đôi lúc tôi cũng có thấy nhưng chủ yếu là vào các dịp quan trọng như có họp quốc hội... Không chỉ ùn tắc giao thông mà việc nhiều xe qua lại đây cũng gây nguy hiểm cho người dân khu vực.
Trong khi đó, anh N.X.V, thường trú tại phường Vĩnh Phúc, Q.Ba Đình cũng cho biết, sáng nào từ 7h-8h30 tuyến đường qua cổng Bệnh viện Phổi T.Ư cũng kẹt cứng. Xe cứu thương được đi ngược chiều cũng không thể nhích nổi thì làm sao kịp để cứu người. “Lao phổi là căn bệnh rất dễ lây nhiễm, bệnh viên thì nằm giữ khu trung tâm, dân cư đông đúc là quá nguy hiểm”, anh N.X.V nói.

Bệnh viện, trường học trong nội đô là 1 trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông

Ảnh Ngọc Thắng

“Bệnh viện chưa có kế hoạch di dời”

Trao đổi với Thanh Niên, ông Phạm Tuấn Phương, Trưởng phòng Hành chính quản trị Bệnh viện Phổi T.Ư cho biết: “Việc tắc đường đã xảy ra nhiều năm nay một phần do đường Hoàng Hoa Thám là đường một chiều và xe cứu thương được phép đi ngược chiều. Ngoài ra, về công tác đảm bảo an ninh quanh bệnh viện, chúng tôi đã có công văn đề nghị chính quyền về vấn đề này. Bên cạnh đó, sau khi hoàn tất xây dựng, bệnh viện sẽ mở cổng số 2, lắp các biển chỉ dẫn và xe cấp cứu sẽ chủ yếu đi cổng này giúp giải toả bớt việc ách tắc tại cổng Hoàng Hoa Thám.”
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Y tế chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng, Hà Nội để lập kế hoạch di dời các bệnh viện trong nội đô, đồng thời xây dựng phương án sử dụng đất sau di dời… Tuy nhiên, đến nay Bộ Y tế vẫn chưa công bố lộ trình, phương án cụ thể. Trong khi đó, trả lời Thanh Niên ông Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi T.Ư nói: “Bệnh viện không có kế hoạch di dời, và chưa có định hướng về việc này.”
Hiện tại, người dân đang sống xung quanh các bệnh viện tỏ ra vô cùng lo lắng. Đồng thời, kiến nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để thực hiện di dời bệnh viện, đảm bảo sức khỏe, tránh ùn tắc giao thông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.