Mở đường bay quốc tế: 'Cứu' giao thông, kích hoạt kinh tế

14/09/2020 08:45 GMT+7

Với nhiều người Việt Nam đang sống và làm việc tại nước ngoài có nhu cầu về nước, việc mở lại đường bay thường lệ thắp lên hy vọng được trở về.

Có kế hoạch về Việt Nam cuối tháng 4, rục rịch mua vé từ trước đó vài tháng, song anh L.T.Trung (37 tuổi, Hà Nội; đang sinh sống, làm việc tại Hachioji, Tokyo, Nhật Bản) đã phải hủy vé do dịch Covid-19 bùng phát. Gần nửa năm nay, anh luôn ngóng đợi những thông tin liên quan đến việc mở lại đường bay từ Nhật Bản về Việt Nam. “Tôi đã đăng ký danh sách về với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật, nhưng do nhu cầu người về nước rất nhiều, số lượng các chuyến bay có hạn, phải xếp theo thứ tự ưu tiên nên vẫn đang chờ đến lượt vài tháng nay. Nếu có đường bay thương mại mở lại, thì việc trở về sẽ nhanh hơn nhiều”, anh Trung nói.
Các chuyến bay thương mại thường lệ cũng sẽ giúp khơi thông các dự án đang nằm chờ... chuyên gia. Đơn cử, đối với dự án xây dựng tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) tại TP.HCM, đoàn tàu metro đã được chuyên gia, kỹ sư của nhà thầu Hitachi kiểm tra kỹ thuật lần cuối cùng tại Nhật Bản trước khi vận chuyển về Việt Nam từ đầu tháng 4. Theo dự kiến ban đầu, vào quý 2, hệ thống đầu máy, toa xe sẽ về tới TP.HCM và thời gian vận hành chạy thử đoạn Bình Thái - depot Long Bình sẽ tiến hành vào tháng 8.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, hơn 90 chuyên gia thuộc nhà thầu Hitachi (Nhật Bản) đã không thể nhập cảnh đúng hẹn để lắp đặt đường ray, vận chuyển, tiếp nhận đoàn tàu metro tại Việt Nam, thử nghiệm hệ thống thông tin, tín hiệu, kiểm tra kỹ thuật, bảo dưỡng... khiến tiến độ chạy thử tàu phải lùi lại.
Nhiều hạng mục, trong đó có ga Tân Cảng (gần cầu Sài Gòn), mấy tháng qua nỗ lực đã hoàn thành hạng mục công trình do chuyên gia trong nước thực hiện, nhưng phần mái thì lợp không được do công nghệ này của nước ngoài, phải chờ chuyên gia nước ngoài qua. Kéo theo đó là nhiều hệ lụy liên quan vấn đề giải ngân. Cụ thể, dự án đã giải ngân khoảng 4.700 tỉ đồng, cao hơn năm ngoái. Nếu không có dịch bệnh Covid-19 khiến các chuyên gia không thể nhập cảnh, ký kết phụ lục hợp đồng thì đơn vị có thể giải ngân được 7.300 tỉ đồng.

Tình hình Covid-19 tại Việt Nam chiều 13.9: Thêm 3 ca mắc mới về từ Nga

Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) thông tin mới đây, 2 chuyên gia Hàn Quốc của dự án đã nhập cảnh Việt Nam, thực hiện cách ly đủ 14 ngày và đến công trường làm việc vào ngày 24.8. Hai chuyên gia này thực hiện nhiệm vụ thi công lắp mái nhà ga trên cao Tân Cảng. Đây là nhà ga cuối cùng được lắp mái, dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 10 năm nay.
Cùng với đó, 6 chuyên gia Nhật Bản sẽ nhập cảnh Việt Nam vào ngày 18.9 tới và cách ly 14 ngày theo quy định. Các chuyên gia này phụ trách các công tác chuẩn bị cho việc vận chuyển và nhập khẩu đoàn tàu metro dự kiến cập cảng TP.HCM vào tháng 10 tới. MAUR hy vọng việc mở dần các đường bay quốc tế, tháo gỡ khó khăn trong việc cho phép chuyên gia nước ngoài nhập cảnh sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công của tuyến metro số 1 trong giai đoạn tới.
Theo các chuyên gia, xây dựng cơ sở hạ tầng là hoạt động “ngốn” nhiều lao động, tạo nhiều công ăn việc làm, kéo theo nhiều dịch vụ kích thích tiêu dùng. Khi hoạt động xây dựng được tập trung thì các ngành nghề đi theo như sản xuất sắt thép, vật liệu xây dựng cũng sẽ chuyển động. Đây là chất xúc tác, mắt xích quan trọng thay đổi cục diện, ngăn chặn sự suy thoái của thị trường.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.