Mô hình rau sạch của anh kỹ sư dân tộc Khmer

23/08/2017 16:31 GMT+7

Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, gia đình dân tộc Khmer thuộc diện đặc biệt khó khăn nhưng anh Dương Minh Trung (28 tuổi, ngụ xã Đại Tâm, H.Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) quyết tâm làm giàu từ mô hình trồng rau sạch theo công nghệ của Israel.

Anh Trung kể anh là con út trong gia đình có 3 chị em, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, lớn lên trong sự đùm bọc của gia đình hai bên nội, ngoại. Năm 2011, tốt nghiệp chuyên ngành nuôi trồng thủy sản Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, anh về quê khởi nghiệp bằng nghề nuôi tôm.
Tuy nhiên, thời gian này và vài năm sau đó người nuôi tôm khu vực ĐBSCL khốn đốn vì tôm bị dịch bệnh chết trên diện rộng, nhiều người lỗ nặng, nợ nần chồng chất. Anh Trung cũng không ngoại lệ, do nuôi tôm thất bại, anh trở lên TP.HCM lập nghiệp ròng rã 6 năm trời.
Trong thời gian bám trụ tại TP.HCM, anh Trung nhận thiết kế, thi công sân vườn cho nhiều hộ gia đình và công trình, khu dân cư. Qua đó, anh thấy được nhu cầu của trồng rau sạch tại nhà của người dân là khá lớn. Vì vậy, năm 2016, anh cùng nhóm bạn mở trang trại trồng rau sạch theo mô hình khí canh, ứng dụng công nghệ tưới của Israel. Sau một thời gian thực hiện thành công tại TP.HCM và TP.Đà Lạt (Lâm Đồng), đầu năm 2017, anh Trung quyết định trở về Sóc Trăng, trình bày ý tưởng của mình cho nhóm bạn học thời phổ thông nghe. Sau đó, cả nhóm gồm 5 người nhất trí hùn vốn gần 1 tỉ đồng thuê 3.000 m2 đất trong Khu văn hóa Hồ Nước Ngọt thuộc TP.Sóc Trăng để mở trang trại trồng rau sạch theo công nghệ hiện đại của Israel.

tin liên quan

Rau sạch loay hoay tìm đầu ra
Mất rất nhiều công chăm sóc, đầu tư tiền bạc tốn kém, tuân thủ đầy đủ các quy trình sản xuất rau sạch, an toàn… thế nhưng đầu ra cho những loại rau sạch lại luôn gặp nhiều khó khăn.
Trên mảnh đất thuê, anh Trung cùng nhóm bạn nghiên cứu, ứng dụng, gieo trồng trên diện tích 1.200 m2, với 30 loại rau, củ, quả, nấm… các gia đình thường dùng trong cuộc sống hằng ngày. Diện tích còn lại anh xây dựng 600 luống rau phục vụ cho trẻ em trải nghiệm làm nông nghiệp sạch miễn phí bằng cách liên kết với các trường tiểu học trên địa bàn TP.Sóc Trăng.
Theo anh Trung, trung bình mỗi ngày trang trại của anh cung cấp cho thị trường từ 100 - 150 kg rau, củ, nấm sạch các loại. Hình thức bán hàng qua điện thoại, online và giao hàng trực tiếp. Khách hàng đặt mua sản phẩm chủ yếu là các trường nội trú, nhà hàng, quán ăn của tỉnh Sóc Trăng và các tỉnh lân cận.
Anh Trung cho biết ưu điểm của mô hình này là tận dụng tối đa diện tích trồng. Hoàn toàn không sử dụng phân hóa học, chỉ sử dụng hợp chất hữu cơ. Cụ thể, dùng cá phân hủy lấy đạm, mật mía… cung cấp cho rau. Còn nếu bị côn trùng gây hại thì dùng chiết xuất từ cây sầu đâu để xử lý. Hiện nay, ĐBSCL đang rơi vào tình trạng suy giảm chất lượng đất, trồng cây dần không còn phù hợp nữa. Mô hình này không cần nhiều đất mà vẫn phát huy hiệu quả, đó chính là xu hướng làm nông nghiệp sạch.
Anh Nguyễn Thành Duy, Phó bí thư Tỉnh đoàn Sóc Trăng, cho biết đây là mô hình mang tính sáng tạo trong lĩnh vực sản xuất rau sạch; đồng thời giúp người dân nhận diện rau an toàn. Mô hình này sẽ có nhiều triển vọng vì tâm lý người dân muốn có thực phẩm sạch. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng chưa có mô hình trồng rau sạch nên đây là bước đi tiên phong. Hơn nữa, đây không phải là chuyện bạn trẻ tự nghĩ ra rồi tự phát làm mà có quá trình học hỏi, áp dụng thực tiễn ở nhiều nơi. Điển hình là anh Trung cùng các bạn trở về mảnh đất quê hương của mình khởi nghiệp, trồng rau sạch để phục vụ người dân.
Hiện nay trên địa bàn TP.Sóc Trăng và các huyện lân cận có nhiều vườn tạp. Tình hình hạn mặn gần đây khiến nhiều thanh niên rời quê đi làm thuê xa xứ. Vì thế, anh Trung muốn liên kết, chuyển giao công nghệ với thanh niên rồi bao tiêu đầu ra. Từ đó, sẽ giúp các bạn thanh niên bám trụ đồng quê không phải bỏ xứ đi nơi khác làm thuê làm mướn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.