Ngoại giao kinh tế đồng hành cùng doanh nghiệp

Vũ Hân
Vũ Hân
16/08/2018 07:54 GMT+7

Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ Ngoại giao phải nâng tầm công tác ngoại giao kinh tế và lấy ngoại giao kinh tế làm tiêu chuẩn để đánh giá các cơ quan đại diện.

Ngày 15.8, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã tổ chức phiên họp toàn thể với chủ đề “Phương hướng đối ngoại: Đẩy mạnh ngoại giao phục vụ phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng”.
Đây là phiên họp quan trọng nhằm đánh giá kết quả triển khai chỉ đạo của Thủ tướng trong công tác ngoại giao phục vụ phát triển từ Hội nghị Ngoại giao 29 (2016) tới nay và xác định các nhiệm vụ của ngành ngoại giao nhằm hỗ trợ các yêu cầu phát triển của đất nước giai đoạn từ nay đến 2020. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng một số bộ và lãnh đạo nhiều địa phương đã đến dự.
Theo Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, ngành ngoại giao nói chung và công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển nói riêng đạt được những thành tích đáng kể, đóng góp thiết thực cho việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ các nguồn lực cho phát triển, nâng cao vị thế quốc tế của đất nước. Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cũng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng và thế mạnh đặc thù của ngành ngoại giao trong việc cung cấp thông tin, tham mưu và cảnh báo cho đất nước những biến động phức tạp, đa chiều của thế giới.
Ghi nhận đóng góp quan trọng của ngành ngoại giao trong việc giữ gìn và củng cố môi trường hòa bình, ổn định, Thủ tướng cho rằng ngoại giao đã mở rộng về lượng, gia tăng về chất các khuôn khổ đối tác chiến lược và toàn diện, đưa quan hệ đi vào chiều sâu, mở ra cục diện đối ngoại mới cho đất nước, củng cố và mở rộng không gian chính trị và môi trường kinh tế thuận lợi phục vụ phát triển. Đối ngoại đa phương đã nâng cao vai trò, vị thế của VN trong cộng đồng quốc tế; thể hiện tinh thần đóng góp có trách nhiệm của VN vào giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu. Công tác ngoại giao kinh tế phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế được thúc đẩy mạnh mẽ, thật sự có bước chuyển quyết liệt góp phần tìm kiếm, mở rộng thị trường và tranh thủ mọi nguồn lực để phục vụ nhu cầu phát triển đất nước.
Thủ tướng nhấn mạnh, công tác đối ngoại trước hết phải góp phần gìn giữ được môi trường hòa bình ổn định cho phát triển, bám sát lời dạy của Bác Hồ là “dĩ bất biến ứng vạn biến”, giữ vững lập trường, nguyên tắc, nhưng linh hoạt, sáng tạo trong thực tiễn. Công tác đối ngoại phải cùng quốc phòng, an ninh bảo vệ hòa bình, ổn định, giữ vững chủ quyền đất nước “từ xa”, “từ sớm.”
Ngoại giao cần phát huy vị thế địa chiến lược của VN, lấy tạo lập và củng cố vị thế này là ưu tiên của công tác đối ngoại, tạo tiền đề và nền tảng cho phát triển. Ngành ngoại giao phải chủ động, sáng tạo, thích ứng với tình hình mới, sẵn sàng đổi mới tư duy để cung cấp những quan điểm, những cách tiếp cận, những giải pháp mới, không sa vào lối mòn.
Phải nâng tầm công tác ngoại giao
Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ Ngoại giao phải nâng tầm công tác ngoại giao kinh tế và lấy ngoại giao kinh tế làm tiêu chuẩn để đánh giá các cơ quan đại diện. Ngoại giao kinh tế cần lấy doanh nghiệp làm trung tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp vươn ra thế giới, bởi tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế có thành công hay không phần lớn là nhờ vào sự năng động, sáng tạo của các doanh nghiệp. Thủ tướng yêu cầu các đại sứ, tổng lãnh sự, tham tán thương mại cần đổi mới tư duy, chủ động hỗ trợ doanh nghiệp. Doanh nghiệp vừa và nhỏ cần thông tin, giới thiệu đối tác, đến kết nối rất cụ thể; đối với các doanh nghiệp lớn là sự hỗ trợ, vận động chính trị để giành các hợp đồng kinh tế.
Một nhiệm vụ quan trọng nữa của ngoại giao kinh tế là tăng cường tìm kiếm nguồn lực, quảng bá, xúc tiến thương mại, thu hút FDI, ODA, du lịch, kiều hối, xuất khẩu lao động… để cùng cả nước phát triển nền kinh tế số, công nghệ cao. Trong quá trình này, các trưởng cơ quan đại diện “phải đóng vai trò chỉ đạo, tiên phong, lĩnh xướng, là người bán hàng, bán cơ hội đầu tư, quảng bá tiềm năng du lịch, tiếp thị các mặt hàng nông sản cho đất nước”. Các đại sứ phải trở thành cầu nối thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ, thu hút người tài, nhất là trong lĩnh vực công nghệ tương lai của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Thủ tướng đề nghị Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện nghiên cứu, mở hướng mới vận động doanh nghiệp và kiều bào ta ủng hộ đất nước một cách thiết thực, nhất là chung tay hỗ trợ giới thiệu, mở các kênh phân phối tiêu thụ hàng nông sản, thủy sản VN tại địa bàn...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.