Nhà đầu tư ngoại rót hơn 1.000 tỉ đồng mua cổ phiếu Việt Nam

Mai Phương
Mai Phương
11/01/2020 16:39 GMT+7

Trong tuần giao dịch từ ngày 6-10.1, các nhà đầu tư nước ngoài bất ngờ mua ròng mạnh trên thị trường chứng khoán.

Cụ thể trên sàn TP.HCM, các nhà đầu tư nước ngoài đã có 2 phiên bán ròng và 3 phiên mua ròng. Tổng cộng, khối ngoại mua ròng hơn 13,86 triệu đơn vị với tổng giá trị mua ròng tương ứng 1.029 tỉ đồng, tăng mạnh so với tuần trước đó khi giá trị mua ròng chỉ đạt 59,65 tỉ đồng.
Ngược lại nhà đầu tư ngoại đã bán ròng trên sàn Hà Nội với 800.510 đơn vị với tổng giá trị bán ròng tương ứng 15,92 tỉ đồng, tăng 7,54% về lượng và 22,27% về giá trị so với tuần trước. Tương tự trên UPCoM, khối ngoại cũng bán ròng 104.670 đơn vị với tổng giá trị bán ròng tương ứng 6,16 tỉ đồng, trong khi tuần trước mua ròng 16,17 tỉ đồng.
Tính chung trên toàn thị trường cổ phiếu, khối ngoại đã mua ròng gần 13,26 triệu đơn vị với tổng giá trị mua ròng tương ứng 1.010,9 tỉ đồng, tăng gấp hơn 3 lần về lượng và gấp hơn 15 lần về giá trị so với tuần trước đó. Như vậy tổng cộng chỉ trong 10 ngày đầu năm mới 2020, nhà đầu tư ngoại đã rót hơn 1.073 tỉ đồng mua vào các cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam. 
Trước đó trong năm 2019, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng trị giá hơn 6.560 tỉ đồng trên sàn TP.HCM nhưng chủ yếu tập trung vào một số giao dịch mua bán và sáp nhập lớn, với điểm nhấn là giao dịch mua cổ phiếu VIC của SK Group ngày 21.5.2019 có giá trị hơn 5.820 tỉ đồng, chiếm 2/3 giá trị mua ròng qua thỏa thuận của cả năm 2019.
Bên cạnh đó, dòng tiền qua kênh ETF cũng tích cực. Thống kê của Công ty chứng khoán SSI với riêng 3 quỹ VFM VN30, Van Eck ETF và DB FTSE, tổng giá trị mua ròng đạt hơn 5.000 tỉ đồng, trong đó VFMVN30 chiếm tỷ trọng 47%.
Công ty SSI cho biết dòng vốn vào cổ phiếu bắt đầu có sự phân hóa giữa thị trường phát triển và thị trường mới nổi. Vào tuần cuối tháng 12.2019, có tới 23,6 tỉ USD rút khỏi thị trường Mỹ, mức cao nhất trong 1 năm. Ngược lại, dòng vốn vào cổ phiếu tại các thị trường mới nổi ghi nhận có 21,2 tỉ USD trong 9 tuần liên tiếp trong đó điểm đến chủ yếu là các quỹ toàn cầu (GEM) và khu vực châu Á (ngoại trừ Nhật Bản).
Bên cạnh dòng vốn được phân bổ theo chiến lược đầu tư toàn cầu, thị trường Việt Nam trong năm 2020 sẽ chứng kiến nhiều ETF mới mô phỏng chỉ số VN30 cũng như bộ 3 chỉ số mới của sàn TP.HCM. Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đang được FTSE cân nhắc nâng hạng và chỉ còn một tiêu chí về thanh toán chưa thỏa mãn. Nếu có những bước đi cụ thể nhằm khơi thông điều kiện này thì các nhà đầu tư ngoại sẽ rất nhanh nhạy nắm bắt thời cơ để vào Việt nam. SSI nhận định: Đối với Việt Nam, kết hợp câu chuyện phát triển kinh tế tư nhân với nâng hạng thị trường sẽ tạo được sự khác biệt và vì vậy có thể thu hút được dòng vốn ngay cả khi bối cảnh chung không thuận lợi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.