'Nhanh nhất 2 năm nữa Vietnam Airlines mới bay thẳng tới Mỹ’

Mai Hà
Mai Hà
10/05/2019 17:08 GMT+7

Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành cho biết, dù đã được cấp chứng chỉ CAT1, nhưng để đủ điều kiện mở đường bay thẳng tới Mỹ cần thêm rất nhiều điều kiện, đặc biệt là yếu tố tài chính.

Sáng 10.5, tại Đại hội cổ đông thường niên, Tổng giám đốc Vietnam Airlines (VNA) Dương Trí Thành cho biết, chứng chỉ an toàn hàng không CAT1 do Cục Hàng không Liên bang Mỹ cấp cho Cục Hàng không Việt Nam là điều kiện để các hãng hàng không được bay thẳng tới Mỹ. Nhưng để đáp ứng đầy đủ các điều kiện để mở đường bay này, nhanh nhất cũng mất 1 - 2 năm tới.
Trước đó, “giấc mơ Mỹ” đã được hãng này lên kế hoạch từ những năm 2008, để chuẩn bị cho đường bay thẳng Việt - Mỹ, Vietnam Airlines đã đặt mua máy bay B787, lập tổ xúc tiến mở đường bay.
Tổ xúc tiến đầu tiên do ông Phạm Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị VNA, khi đó còn là Phó tổng giám đốc VNA, làm tổ trưởng, tới nay đã trải qua 6 nhiệm kỳ tổ trưởng (hiện do ông Lê Hồng Hà, Phó tổng giám đốc làm tổ trưởng). “Hy vọng lần này sẽ bay được, cộng đồng người Việt ở Mỹ cũng rất kỳ vọng mở đường bay này. Tuy nhiên, dù có CAT1, VNA vẫn phải chuẩn bị vấn đề thương mại, thị trường, pháp chế, những việc này không phải dễ”, ông Thành chia sẻ.
Dẫn chứng tiêu chuẩn khó khăn để vào thị trường Mỹ, ông Thành cho biết, website bán vé của VNA phải có mục đặt chỗ cho người khiếm thị, khiếm thính. Riêng việc bổ sung thiết kế cũng mất khoảng 2 năm, chưa kể phải chuẩn bị các công tác an ninh, chống khủng bố...
Một nỗi lo khác của các hãng khi mở đường bay tới Mỹ là khó khăn về tài chính. Theo ông Thành, năm 2004 - 2007, đã có 2 hãng hàng không Mỹ bay thẳng tới Việt Nam là Delta và United Airlines nhưng đều bỏ cuộc vì thua lỗ.
“Mỹ không phải là thị trường tiềm năng về lợi nhuận của hàng không, nhưng trong xu thế Việt Nam hội nhập, đường bay thẳng sẽ là cây cầu kết nối du lịch, công nghệ, xuất khẩu. VNA sẽ như cây cầu kết nối 2 thị trường, để Việt Nam thâm nhập tốt hơn thị trường Mỹ, không hẳn mục tiêu là vì lợi nhuận”, ông Thành khẳng định.
Ngoài những chuẩn bị về thương mại, kỹ thuật, VNA cũng đang chờ đợi công nghệ sản xuất máy bay trong vài năm tới có thể đáp ứng được vấn đề hiệu quả về khai thác. Cụ thể, những máy bay đời mới hơn, như B777max, A350-1000, với thông tin từ nhà sản xuất là tiết kiệm nhiên liệu, sẽ đáp ứng được đòi hỏi về mặt kỹ thuật khi bay thẳng tới Mỹ.
Bên lề Đại hội cổ đông, Chủ tịch Hội đồng quản trị VNA Phạm Ngọc Minh cho biết, hãng đang kiến nghị phương án được chủ động về chính sách tiền lương cho lao động kỹ thuật, chuyên môn cao như phi công. Dù chưa được thông qua, hãng vẫn tận dụng mọi khả năng hiện có để tiếp tục điều chỉnh lương, thu nhập, chế độ phúc lợi cho người lao động ở lĩnh vực đặc thù này.
Vừa qua, VNA đã công bố mức điều chỉnh lương cho phi công, đáp ứng được 80 - 85% mặt bằng khu vực Đông Nam Á, lộ trình sang năm nâng lên 85 - 90%.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.