Nhập khẩu thịt đông lạnh từ Brazil tăng gần gấp đôi

23/01/2020 12:31 GMT+7

Số liệu của Bộ Kinh tế Brazil tổng kết hết năm 2019 cho thấy, giá trị xuất khẩu thịt heo của Brazil sang Việt Nam năm qua đạt 24,2 triệu USD, tăng 87%.

Không chỉ có thịt heo, xuất khẩu thịt gà từ quốc gia này vào Việt Nam cũng tăng 16%, đạt 24,5 triệu USD trong năm qua. Mới đây, Thương vụ Việt Nam tại Brazil đã có buổi làm việc với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu uy tín của Brazil. Trao đổi với Thương vụ Việt Nam, các doanh nghiệp này cũng nói rõ muốn đẩy mạnh xuất khẩu thịt heo và gà sang Việt Nam. Con số nhập khẩu thịt từ thị trường này không dừng lại mức 24,2 triệu USD trong năm qua, nhất là trước thông tin Việt Nam đã và đang có kế hoạch nhập khẩu 100.000 tấn thịt trong quý 1/2020.
Năm 2019, TP.HCM nhập khẩu 13.231 tấn thịt heo, tăng hơn gấp đôi (117%) so năm trước. Trong đó, thị trường cung cấp thịt heo đông lạnh lớn nhất cho TP.HCM lần lượt là Brazil (hơn 6.000 tấn), Ba Lan, Canada, Mỹ, Đức, Úc… Số liệu từ Cục Hải quan TP.HCM cũng cho thấy, giá thịt heo nhập dao động từ 44.000 - 48.000 đồng/kg, bằng gần 1/3 so với giá heo mảnh trong nước. Giá thịt heo nhập từ Brazil theo mức tính bình quân của Cục Hải quan TP.HCM năm 2019 khoảng 46.000 - 47.000 đồng/kg.

Thịt nhập được đưa vào hệ thống bán lẻ hiện đại ngày một nhiều hơn

Ảnh: Ng.Nga

Thông tin từ Hiệp hội thịt Brazil, do Trung Quốc tăng nhập khẩu tất cả các loại thịt từ quốc gia này nên khiến nguồn nguồn cung xuất khẩu thịt Brazil giảm mạnh, kéo theo giá tăng trên 20% so với trước. Hiện Brazil có 66 nhà máy chế biến thịt các loại đã được cấp mã số đủ điều kiện xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt động vật vào Việt Nam nhưng chỉ có 18 nhà máy chế biến thịt heo. Trong buổi làm việc, các doanh nghiệp Brazil cũng đề nghị phía Thương vụ Việt Nam tại Brazil hỗ trợ đẩy nhanh thủ tục phê duyệt giấy phép xuất khẩu vào Việt Nam của các doanh nghiệp đủ điều kiện.
Hiệp hội thịt Brazil cũng cảnh báo các nhà nhập khẩu thịt heo cảnh giác với hiện tượng lừa bán thịt heo qua mạng, giá xuất khẩu được chào chỉ rẻ bằng 1/3 thị trường. Chất lượng không bảo đảm đã đành, nhưng quan trọng hơn là lừa tiền cọc doanh nghiệp đặt cọc qua đối tác thứ 3 có tài khoản tại châu Phi hay Mỹ. Rồi sau đó cắt đứt liên lạc… Thương vụ Việt Nam tại Brazil cảnh báo các doanh nghiệp khi giao dịch với các đối tượng có các thông tin như kể trên, hoặc các dấu hiệu không minh bạch, khác biệt với thị trường khác thì cẩn thẩm tra kỹ về các đối tượng giao dịch, tuyệt đối không nên chấp nhận điều khoản thanh toán đặt cọc trả trước trong các hợp đồng mua bán hàng hóa.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.