Nhiều hãng hàng không Việt đặt hàng Boeing 787

25/02/2019 16:41 GMT+7

Ngay trước thềm thượng đỉnh Mỹ - Triều, lãnh đạo các hãng hàng không Việt Nam đã có chia sẻ với báo chí quốc tế về kế hoạch đặt hàng hàng trăm chiếc máy bay từ nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới của Mỹ - Boeing.

Những "cái bắt tay" tỉ USD

Cụ thể, trong buổi chia sẻ với phóng viên Bloomberg tại Hà Nội vừa được tạp chí này đăng tải sáng nay (25.2), ông Dương Trí Thành, CEO của Vietnam Airlines (VNA) cho biết doanh nghiệp (DN) này đang xem xét đơn đặt hàng từ 50 - 100 máy bay Boeing 737 Max của Boeing trong năm nay để thay thế phi đội cũ hiện tại (hiện đội tàu thân hẹp của VNA đang chỉ là A321 của Arbus) và có thể thêm máy bay đường dài để chuẩn bị cho các chuyến bay thẳng từ Việt Nam đến California (Mỹ). Đội ngũ máy bay mới này sẽ được giao cho VNA trong khoảng thời gian từ 2020 - 2030.
Ông Thành không đề cập cụ thể dòng Boeing 737 Max nào đang được Vietnam Airlines nhắm tới, tuy nhiên nếu tính theo giá niêm yết của mẫu 737 Max 8 phổ biến hiện nay, Bloomberg ước tính đơn hàng này sẽ có trị giá từ 6,1 - 12,2 tỉ USD.
Nắm bắt cơ hội từ việc kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển cũng như phía Mỹ đã cấp chứng nhận an toàn bay CAT1 cho Việt Nam, đồng nghĩa với việc các hãng bay Việt có thể lập đường bay thẳng tới Mỹ, Tổng giám đốc VNA thông tin hãng này đang cân nhắc mua thêm ít nhất 2 máy bay thân rộng, có thể là Boeing 777x hoặc Airbus A350-1000 để kế hoạch bay thương mại thẳng tới Mỹ khả thi hơn về mặt kinh tế
CEO VNA Dương Trí Thành chia sẻ với phóng viên Bloomberg về dự tính đặt hàng 50 - 100 chiếc Boeing 737 Max của Boeing NVCC
"Đây sẽ là cơ hội để Vietnam Airlines chào đón sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất máy bay, chủ yếu là Airbus và Boeing. Kế hoạch cuối cùng sẽ được đệ trình lên chính phủ. Chúng tôi hy vọng một sự hợp tác nào đó sẽ diễn ra trong năm nay" - ông Thành nói.
Trước đó, Reuters dẫn lời một lãnh đạo của FLC Group - đơn vị sở hữu Bamboo Airways, cho hay năm ngoái Bamboo Airways đã đặt hàng 20 chiếc máy bay thân rộng Boeing 787, với tổng trị giá 5,6 tỉ USD theo giá niêm yết. "Tay chơi" mới này dự kiến sẽ ký thỏa thuận mua 10 chiếc Boeing 787 với trị giá đơn hàng gần 3 tỉ USD trong thời gian diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều. Như vậy, đơn hàng Bamboo Airways sẽ mua tổng cộng 30 chiếc Boeing 787.

Cuộc đua bay thẳng tới Mỹ

Có thể thấy, việc đầu tư lớn của các hãng hàng không Việt nhằm nâng cấp đội hình phi cơ đều hướng tới mục tiêu bay thẳng tới Mỹ.
Theo dự định được CEO VNA Dương Trí Thành chia sẻ với Bloomberg, Vietnam Airlines dự kiến sẽ bắt đầu có đường bay từ TP.HCM tới Los Angeles hoặc San Francisco trong năm 2020. Đây là 2 thành phố có số lượng người Mỹ gốc Việt lớn. Đường bay này sẽ quá cảnh 1 lần tại Nhật Bản, Đài Loan hoặc Hàn Quốc trước khi bay thẳng từ năm 2022. Với quãng đường bay dài và thị trường cạnh tranh gay gắt, lãnh đạo Vietnam Airlines dự đoán đường bay này của hãng sẽ lỗ trong khoảng 5-10 năm và sẽ cần trợ cấp từ Chính phủ.
Chủ tịch của Bamboo Airways, ông Trịnh Văn Quyết, trong buổi trả lời phỏng vấn của Reuters mới đây cũng cho hay chiếc Boeing 787 đầu tiên của hãng dự kiến sẽ được tiếp nhận vào quý 3/2020 và hãng này đang chuẩn bị khai thác các chuyến bay tới Mỹ từ cuối năm 2019 hoặc đầu năm 2020 với các máy bay thuê lại. Hãng có thể sẽ sử dụng các máy bay Boeing nếu được chuyển đến Việt Nam sớm hơn thời gian trên.
Trong khi đó, nhiều kênh truyền thông quốc tế đưa tin hãng hàng không VietJet Air cũng đang có tham vọng phát triển đường bay thẳng tới Mỹ và dự kiến sẽ ký một thỏa thuận mua máy bay lớn với Mỹ trong sự kiện thượng đỉnh diễn ra nhưng đại diện Vietjet vẫn từ chối xác nhận thông tin này.
Hiện nay, từ Việt Nam bay đi Mỹ phải quá cảnh (transit) qua một nước thứ ba, nên mất từ 18 giờ trở lên nếu đến bờ tây và từ 21 giờ trở lên nếu đến bờ đông (tính cả thời gian quá cảnh) tùy hãng hàng không. Nếu bay thẳng đi Mỹ (hoặc qua một điểm dừng kỹ thuật), thời gian sẽ rút ngắn xuống còn 13 tiếng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.