'Nóng' hàng hóa ngày tết

08/01/2020 06:29 GMT+7

Loạt sản phẩm phục vụ tết đang được các doanh nghiệp chạy đua tung ra thị trường, chen nhau lên các quầy kệ để hút khách 2 tuần trước tết.

9 giờ ngày 7.1, bà Lan, chủ tiệm tạp hóa trong hẻm 243 Tô Hiến Thành (Q.10, TP.HCM) đã chở về đến cửa hàng 5 thùng bia để trữ dần bán tết. “Mới mua trong siêu thị ra đó. Dịp này Tiger có vỏ thùng tết rồi, Heineken chưa có hàng tết, mua tạm 2 vì đang khuyến mãi giảm giá, mua về bán lấy lời đã”, bà Lan cho biết. Bia Tiger xanh mua trong siêu thị giá 323.000 đồng/thùng, bà Lan bán lẻ 350.000 đồng/thùng; giá siêu thị Heineken 391.500 đồng/thùng, bán lẻ 420.000 đồng/thùng.

“Lúc này mà không giảm giá, ai mua”

Có thể họ chờ sang tuần sau mới sắm. Hàng hóa không thiếu, không có sự tăng đột biến, nên chắc không ai sợ hết hàng

Bà Nhung, chủ đại lý Nhung (Lạc Long Quân, Q.Tân Bình, TP.HCM)

Tại siêu thị BigC cùng nằm trên đường Tô Hiến Thành, không khí tết có vẻ rộn ràng hơn hẳn khi từ ngoài cổng, các bảng quảng cáo lớn màu đỏ với dòng chữ “Quà Tết trao tay khai xuân như ý”, in đậm dòng chữ “chiết khấu hấp dẫn” từ 6 - 7% gây chú ý cho khách đi đường. Bên trong siêu thị, ấn tượng nhất vẫn là khu vực trưng bày bán hàng tết, chiếm hơn một nửa không gian siêu thị.

Hàng hóa tết bày bán đầy chợ và siêu thị, sức mua còn chưa mạnh

Ảnh: Ngọc Dương

“Năm nay không có nhuận, nên tết nhanh đến quá!”. Câu cảm thán này được bà Huỳnh Thị Mai (Q.10, TP.HCM) nói đi nói lại đến 3 lần khi đang săm soi coi thời hạn hộp ô mai đào trong siêu thị BigC để mua về đãi khách 3 ngày tết. Bà Mai cho biết, bà gốc người Bắc, con cháu thích món Bắc, hằng năm những món ăn vặt ba ngày tết phải có món ô mai các loại. Tuy nhiên, thương hiệu ô mai này thấy lạ lạ nên xem kỹ thành phần và hạn sử dụng thế nào. Ô mai đào, ô mai sấu giòn, ô mai mận cơm... mỗi hộp chỉ 150 gr, mất hơn 10 phút đọc các thành phần, bà Mai lấy mỗi loại 1 hộp cho vào xe đẩy, đi sang quầy bán các loại mứt. Ngoài mứt dừa, gừng, mãng cầu... truyền thống, năm nay có vài món đổi vị chua cay như: mứt me Thái, mứt cóc vị muối ớt, mứt me chua cay. Tại quầy bánh kẹo, ngoài các loại bánh hộp trong nước đã được khuyến mãi có giá từ 70.000 - 180.000 đồng/hộp, rất nhiều loại bánh kẹo ngoại được bày bán có giá từ 70.000 đồng đến hơn 300.000 đồng/hộp.
Tuy nhiên, quầy đông khách tìm đến nhất vẫn là bia, rượu và nước ngọt. Đa số đều được khuyến mãi giảm giá. Bia Mỹ hiệu Budweiser thùng 12 lon (loại 1 lít) giá từ 327.000 đồng giảm 32% xuống 220.000 đồng/thùng. Bia Sapporo từ 379.000 đồng giảm còn 335.000 đồng/thùng, Tiger bạc từ 353.000 đồng xuống 346.000 đồng/thùng... Ngoài ra, các loại rượu cũng được bán trong các siêu thị ngoại với số lượng lớn như tại Aeon, Lotte Mart, BigC...
“Phải khuyến mãi, giảm giá mới hút được khách mua. Nay không chạy chương trình giảm giá, ai mà thèm mua”, nhân viên đứng tại quầy nước giải khát nói. Hầu hết các loại đều có chương trình giảm giá mạnh. Không chỉ giảm giá, chương trình bốc thăm trúng thưởng cũng được tung ra. Tại các siêu thị, các sản phẩm Coca-Cola hay Sprite, Fanta... khuyến mãi có hóa đơn từ 199.000 đồng sẽ được tham gia rút thăm trúng thưởng với giải đặc biệt là 1 lượng vàng, giải nhất là 3 chỉ vàng...

Hàng hóa tăng từ 20 - 30%

Riêng mặt hàng bia rượu, theo dự báo của nhiều người, giá bán tết năm nay có thể giảm do ảnh hưởng của nghị định mới quy định về nồng độ cồn, phạt nặng người điều khiển xe lại uống bia rượu. Anh Thắng, phụ trách kinh doanh các đại lý bia S. tại khu vực quận Tân Phú, Tân Bình, Bình Tân nhận xét: “Lượng bia bán ra so với cùng thời điểm năm ngoái giảm 10 - 20% tùy mặt hàng. Ngay các bữa tiệc liên hoan cuối năm các cơ quan, lượng bia tiêu thụ giảm hẳn. Có bữa tiệc, chừng đó người năm ngoái uống hết 25 thùng, năm nay chỉ uống hết 15 thùng, trả lại 10 thùng”.
Theo dự báo từ Sở Công thương TP.HCM, các mặt hàng thiết yếu dịp Tết Canh Tý 2020 như bia, nước giải khát sẽ tăng 30% so với ngày thường. Theo đó, bia sẽ đạt lượng tiêu thụ khoảng 45 triệu lít và nước giải khát khoảng 50 triệu lít/tháng. Các mặt hàng bánh, mứt cũng được dự báo nhu cầu tiêu thụ lên đến 19.000 tấn. Đối với mặt hàng hoa, dự kiến thị trường tiêu thụ khoảng 600.000 - 700.000 chậu mai, 250.000 - 300.000 chậu bonsai, 135 triệu cành các loại hoa cúc, hồng, cát tường, ly, cẩm chướng... Lượng hàng chuẩn bị cho mùa tết năm nay tăng 21 - 28% so kết quả thực hiện Tết Kỷ Hợi 2019. Nhiều nhóm hàng đã được các doanh nghiệp (DN) chuẩn bị số lượng lớn, chi phối từ 20 - 53,2% nhu cầu thị trường như thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, dầu ăn, gạo...
Về giá cả các mặt hàng dịp tết, có 79 DN tham gia 4 chương trình bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong một tháng trước tết và một tháng sau tết. Theo Sở Công thương TP.HCM, Tết Nguyên đán năm nay, TP.HCM sẽ tiếp tục thực hiện chương trình bình ổn thị trường theo hướng xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách.

Mãi lực sẽ tăng sau cúng đưa ông Táo?

Sức mua ở các chợ và siêu thị đang dần gia tăng. Bà Thái Kiều Linh, chủ đại lý bánh kẹo trên đường Tháp Mười (Q.6, TP.HCM), cho hay lượng hàng hóa về nhiều, hàng trong nước là đa số, sức mua so với tuần trước tăng hơn nhiều. “Nhưng nếu so với cùng thời điểm này năm ngoái, sức mua yếu hơn hẳn. Ví dụ, dịp rằm tháng chạp năm ngoái, mỗi ngày tui bán hàng đóng đi tỉnh thu về 30 triệu đồng, nay sáng giờ ngồi chỉ thu được 6 triệu. Người mua giảm hoặc tết đến “bất ngờ” quá hay sao không ai chịu mua sắm tết hết”, bà Linh cho biết và vẫn hy vọng đến cuối tuần này tình hình sẽ “khởi sắc” hơn.
Bà Nhung, chủ đại lý Nhung (Lạc Long Quân, Q.Tân Bình, TP.HCM) cũng cho biết, lượng khách mua hàng ăn tết chưa mạnh. “Có thể họ chờ sang tuần sau mới sắm. Hàng hóa không thiếu, không có sự tăng đột biến, nên chắc không ai sợ hết hàng”, bà Nhung cho biết.
Theo ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, chương trình bình ổn giá thị trường của TP.HCM hay Hà Nội không phát huy tác dụng trong các thời điểm như cận Tết âm lịch. Bởi trước đó khi giá thịt heo liên tục gia tăng, Công ty Vissan cũng đã hai lần tăng giá bán và cuối tháng 12.2019 cũng tiếp tục xin tăng giá thịt heo. Như vậy chính các DN tham gia bình ổn thị trường cũng chạy theo giá như tiểu thương bên ngoài. Do đó theo ông Phú, các sở công thương nếu muốn bình ổn giá thật sự thì phải có nguồn cung lớn trong tay, chí ít nắm được hơn 50% nguồn cung sản phẩm đó trên thị trường. “Vì đối với các DN tham gia bình ổn thì cơ quan quản lý nhà nước cũng không nắm được chính xác giá gốc mua vào của DN đó mà chỉ biết giá công bố bán ra tùy thời điểm. Tương tự, hiện nay giá thịt heo ở các chợ truyền thống lại giảm mạnh hơn và xuống thấp hơn giá bán ở các siêu thị”, ông Phú nói.
Chính vì vậy, việc một số siêu thị tuyên bố tham gia bán giá bình ổn thị trường cũng không được người tiêu dùng tin tưởng. Vị chuyên gia bán lẻ này nhận định, hiện nay các mặt hàng khô như bánh kẹo, mứt, các loại hạt... thì đa dạng về chủng loại và sản phẩm trong, ngoài nước đều đầy đủ. Do đó sẽ không có tình trạng tăng giá trong dịp tết mà thậm chí nhiều nơi còn phải tăng khuyến mãi để cạnh tranh hút khách hàng. Tuy nhiên với hàng tươi sống như hải sản, thịt heo để làm các món ăn truyền thống ngày tết, gà ta, trái cây... thì từ ngày cúng ông Táo (23 tháng chạp) đến ngày 30 tết sẽ có thể tăng giá cao hơn vì nhu cầu của người dân bắt đầu tăng mạnh.
“Tôi theo dõi ít nhất cũng đã 30 cái tết thì hầu như năm nào cũng vậy, những sản phẩm thịt tươi sống, nhất là thịt heo để làm giò chả, gói bánh chưng, nấu món thịt đông hay con gà để cúng... sẽ tăng giá từ 15 - 30%. Những mặt hàng đó trong siêu thị cũng có rất ít nên lượng cung không đủ cầu. Theo tôi, để thật sự bình ổn giá thị trường, tránh chuyện găm hàng đầu cơ trục lợi thì cơ quan quản lý nhà nước phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người bán để cung - cầu gặp nhau. Ví dụ có thể mở các gian hàng miễn phí ở các chợ truyền thống và ai có hàng hóa đưa vào bán cũng được. Từ đó sẽ góp phần làm tăng nguồn cung hàng hóa để phục vụ nhu cầu tăng cao dịp Tết Nguyên đán”, ông Phú chia sẻ thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.