Nuôi lợn tăng cân để bù đắp thiếu thịt lợn dịp tết Nguyên đán Canh Tý

23/12/2019 10:45 GMT+7

Nguồn cung thịt lợn từ nay đến dịp tết Nguyên đán Canh Tý đang gia tăng khi người chăn nuôi đang tích cực tái đàn và nuôi tăng cân để bù đắp lượng thịt thiếu hụt.

Nuôi tăng cân không phải "găm hàng"
Khảo sát nguồn cung lợn hơi tại Phú Thọ, nhiều trang trại, gia trại nhờ áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học nên vẫn giữ được đàn lợn để xuất bán ra thị trường dịp cận tết.
Có trang trại với hơn 200 con lợn thịt, ông Lê Tiến Dũng (khu 1, xã Đỗ Sơn, huyện Thanh Ba, Phú Thọ) cho biết, giá lợn hơi trong ngày 22.12 thương lái đặt mua là 93.000 - 94.000 đồng/kg, gần như ngày nào ông cũng nhận vài cuộc điện thoại hỏi mua lợn. Nhưng theo ông Dũng, để lợn đạt năng suất, chất lượng thịt tốt nhất và góp phần bù đắp lượng lợn thịt lợn đang thiếu hụt hiện nay thì lợn xuất bán phải đạt biểu cân mỗi con từ 110 - 125 kg. Dịp tết này, trang trại gia đình ông Dũng xuất chuồng từ 170 - 180 con.
Bà Hoàng Thị Thái (thôn Khánh Linh, xã Ngọc Châu, H.Tân Yên, Bắc Giang) cũng cho biết, để bù đắp thịt lợn thiếu hụt hiện nay, chỉ còn cách tăng trọng lượng của đàn lợn thịt hiện có tại các trại chứ không cách tái đàn nào đáp ứng kịp. Tuy nhiên, theo bà Thái, giữ lợn để “nuôi tăng cân” không phải là người chăn nuôi muốn “găm giữ hàng”, bởi để lợn quá to cân sẽ mất thời gian bảo hộ hiệu lực vắc xin thì khi ấy rủi ro dịch bệnh là rất lớn.
Nắm trong tay đàn lợn số lượng lớn nhất xã Ngọc Châu, trang trại gia đình bà Thái có khoảng 14.000 con lợn thịt và dự kiến trên 2.000 con lợn được xuất chuồng trong dịp tết, tổng trọng lượng không dưới 300 tấn.
“Giá lợn giữ ở mức cao nhưng nhiều hộ chăn nuôi như chúng tôi rất lo lắng, bởi tới đây sẽ có tình trạng ồ ạt nuôi lợn nguy cơ lặp lại khủng hoảng thừa lợn đã xảy ra trong năm 2017. Giá lợn lại lao xuống đến 15.000 - 18.000 đồng/kg là tất cả người nuôi lợn “cùng chết”, bà Thái nói.

Tăng tốc tái đàn sau dịch

Trong ngày 22.12, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã trực tiếp đi kiểm tra nguồn cung thịt lợn và tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi tại tỉnh Bắc Giang.
Trước đó, dịch tả lợn châu Phi khiến địa phương này phải tiêu hủy gần 279.000 con lợn, chiếm 25% tổng đàn lợn trước khi có dịch là 1,1 triệu con. Nhưng theo ông Dương Văn Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, sau 4 tháng tái đàn trở lại đây, đàn lợn xấp xỉ đạt gần 900.000 con. Trong đó, Bắc Giang có khoảng 600.000 lợn thịt xuất chuồng phục vụ thị trường cuối năm. Đến nay, toàn tỉnh không còn ghi nhận có lợn chết dịch, dự kiến đến tháng 6.2020 sẽ tái đàn ổn định về mức 1,1 triệu so với trước dịch.
Ông Dương Văn Thái cũng khẳng định, với sản lượng lợn thịt hiện tại không chỉ đảm bảo nhu cầu trong tỉnh mà cung cấp một phần cho tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh.
thit-heo

Sau 4 tháng tái đàn, Bắc Giang hiện có gần 600.000 con lợn thịt cung cấp cho thị trường dịp tết

Ảnh Bình An

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, sau khi có dịch, Bộ NN-PTNT chủ động tái cơ cấu chăn nuôi ngay từ đầu năm. Đến cuối năm nay, các loại thực phẩm gia cầm tăng trưởng đến 15%, đại gia súc tăng tăng 4,5% và thủy sản tăng hơn 6%.
Theo đó, ông Cường khẳng định, tổng lượng thực phẩm nói chung cho nhu cầu cuối năm và đầu năm tới rất dồi dào cho người tiêu dùng lựa chọn thay thế thịt lợn.
Riêng về đàn lợn, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết, sau khi dịch đã giảm xuống mức khống chế được thì hiện tại các địa phương đang tăng tốc tái đàn. Qua kiểm tra tại các địa phương, nguồn cung thịt lợn từ nay đến tết đang gia tăng. Bên cạnh đó, các cơ sở chăn nuôi ở gia trại, trang trại và doanh nghiệp thực hiện nghiêm ngặt quy trình an toàn sinh học. Đây là tín hiệu để công tác tái đàn sẽ giảm thiểu nguy cơ thấp nhất dịch quay trở lại, góp phần tích cực vào giảm thiếu hụt thực phẩm thịt lợn dịp cuối năm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.