Hết lo chóng mặt "chạy" theo chính sách
Bộ GTVT vừa ban hành quyết định số 146 về việc dừng Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (theo Quyết định số 24 ngày 7.1.2016) kể từ ngày 1.4 để thực hiện theo quy định tại Nghị định số 10/2020 ban hành ngày 17.1 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Cụ thể, tất cả xe kinh doanh vận tải hành khách dưới 9 chỗ được xác định là taxi. Những xe này có quyền lựa chọn gắn “mào” taxi trên nóc xe; hoặc phải dán chữ “XE TAXI” bằng vật liệu phản quang trên kính trước và kính sau xe. Trường hợp xe dưới 9 chỗ đang thí điểm là xe hợp đồng, kể từ 1.4, nếu tiếp tục hoạt động là xe hợp đồng phải cấp lại phù hiệu và dán lên kính xe, thực hiện xong trước ngày 1.7. Trường hợp có nhu cầu chuyển sang xe taxi, phải thực hiện cấp lại phù hiệu theo Nghị định 10/2020.
Theo Bộ GTVT, trước đây thị trường kinh doanh vận tải xuất hiện loại hình xe kết nối vận tải hành khách thông qua phần mềm ứng dụng nên Bộ đã có Quyết định 24 cho phép thí điểm. Sau thời gian thí điểm đã có hành lang pháp lý mới là Nghị định 10/2020 thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải. Vì vậy, việc dừng thí điểm là để thực hiện theo quy định mới tại Nghị định 10/2020.
Như vậy, sau 4 năm thí điểm với 11 lần dự thảo, taxi công nghệ đã chính thức có hành lang pháp lý "cứng". Việc dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 loay hoay "cân lên đặt xuống" quá nhiều lần đã khiến cho thị trường gọi xe công nghệ không ít lần lao đao trong 4 năm thí điểm. Từ đề xuất gắn mào xe công nghệ tới kiến nghị đổi màu biển số, mỗi lần dự thảo thay đổi là 1 lần tài xế công nghệ hoang mang.
Trao đổi với chúng tôi chiều 20.2, anh Huỳnh Duy Tân, một tài xế đang chạy cho ứng dụng Grab cho hay tuy là tài xế, không quá quan tâm nhiều tới các chính sách vĩ mô nhưng anh theo dõi rất sát tin tức về Nghị định 86 vì ảnh hưởng trực tiếp tới công việc của mình. Theo anh Tân, khi Bộ GTVT đề xuất xe công nghệ phải gắn mào (biển hiệu có chữ "TAXI" trên nóc xe), anh đã suy nghĩ đến việc ngưng chạy xe vì đây là xe mượn nhà chị gái, chỉ chạy lúc rảnh rỗi kiếm thêm thu nhập.
"Nếu phải gắn mào thì rất bất tiện, cứ cuối tuần mang xe về Hóc Môn cho chị lại phải tìm cách tháo mào ra, phiền. Chắc thấy quy định này bất hợp lý nên cơ quan chức năng đã thay đổi. Nhưng chưa kịp thở phào, đợt vừa rồi chúng tôi lại nghe Bộ Công an yêu cầu đổi màu biển số các xe công nghê, xe taxi cho dễ quản lý. Quy định này cũng phiền không khác gì việc bắt gắn mào. Nói chung cứ mỗi lúc một kiểu, mỗi lúc thêm 1 - 2 quy định mới, tài xế quay chóng cả mặt. Bây giờ có quy định cứng là tốt rồi. Điều chỉnh gì thì làm 1 lần thôi cho chúng tôi yên tâm chạy xe" - anh Tân chia sẻ.
Lan toả kinh tế chia sẻ
Nhìn lại, trong mấy năm qua, sự xuất hiện của các ứng dụng gọi xe công nghệ đã mang đến bước chuyển mình ngoạn mục cho ngành vận tải Việt Nam. Minh bạch thông tin, giá cước, người tiêu dùng không còn khốn khổ chịu cảnh không ít taxi đi lòng vòng "ăn tiền", nhiều tài xế thái độ thiếu văn minh như trước. Quan trọng nhất là giá cước đặt xe qua các ứng dụng công nghệ thấp hơn nhiều so với taxi truyền thống do kết nối tài xế và hành khách có nhu cầu thông qua ứng dụng, các doanh nghiệp này không phải chịu nhiều chi phí như mô hình của taxi truyền thống. Phần chi phí tiết kiệm này được giảm trực tiếp vào giá thành, khiến người tiêu dùng có được mức giá tốt nhất.
Tuy nhiên Quyết định 24 chỉ cho phép taxi công nghệ hoạt động tại 5 tỉnh, thành lớn đã hạn chế rất nhiều sự lan tỏa của mô hình này. Nhiều người dùng sinh sống tại Hà Nội, TP.HCM đã quá quen việc sử dụng các ứng dụng gọi xe cảm thấy khá bất tiện khi sang tận nước ngoài vẫn gọi được Grab nhưng đi du lịch ngay tại các tỉnh, thành khác trong nước lại không có dịch vụ.
LS Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM nhận định việc cho ra đời Nghị định 10/2020 thay thế Nghị định 86, xóa bỏ Quyết định thí điểm 24 là bước hợp pháp hóa xe công nghệ, một bước tiến hướng đến xây dựng Chính phủ điện tử theo đúng chủ trương của Thủ tướng. Theo ông Hậu, ngưng thí điểm 24 nghĩa là xe công nghệ không còn là loại hình vận tải thí điểm nữa mà đã chính thực được công nhận tại Việt Nam. Mô hình này sẽ được thoải mái triển khai, mở rộng ở bất cứ tỉnh, thành nào có đủ điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, thay vì chỉ giới hạn tại 5 tỉnh, thành lớn như trước đây. Điều này không chỉ mở ra cơ hội cho người dân khắp cả nước được tiếp cận với loại hình dịch vụ tiên tiến, được phục vụ tốt hơn mà còn là cơ hội để các tỉnh, thành nhỏ phát triển kinh tế.
"Việc mở rộng mô hình giao thông công nghệ, giao thông điện tử tới các tỉnh, thành mang tác động phát triển rất hay. Đại phương muốn làm công nghệ phải có nền tảng hạ tầng kỹ thuật tốt. Như vậy họ sẽ tự động phát triển, tự động cạnh tranh, dần hoàn thiện cơ sở hạ tầng theo hướng công nghệ và lan dần sang nhiều lĩnh vực khác, sau giao thông. Từ đó, năng lực quản lý, năng lực của cán bộ cũng sẽ tăng lên. Nếu biết tận dụng tốt, đây có thể được coi là cú hích để nâng cao phát triển kinh tế, xã hội tại các địa phương" - LS Nguyễn Văn Hậu đánh giá
Bình luận (0)