Gắn mào xe công nghệ: Tài xế và người dùng chịu thiệt

17/04/2019 11:42 GMT+7

Quy định xe công nghệ phải gắn mào như taxi truyền thống sẽ làm tăng chi phí vận hành của doanh nghiệp, chịu thiệt lớn nhất là người dùng và tài xế.

Tài xế than "phiền"!

Trong bản dự thảo sửa đổi Nghị định 86 lần thứ 8 vừa trình Chính phủ, Bộ GTVT tiếp tục giữ quan điểm sẽ quản lý xe hợp đồng (Grab, Go-viet, Be…) như xe taxi, theo đó yêu cầu xe hợp đồng hay xe taxi tới đây đều phải có phù hiệu “xe taxi” dán cố định, đặc biệt có hộp đèn với chữ “TAXI”, “XE HỢP ĐỒNG” gắn cố định trên nóc xe, kích thước tối thiểu 12 x 30 cm.
Thông tin này ngay lập tức nhận được sự quan tâm của đông đảo giới tài xế chạy xe công nghệ. Đón chúng tôi sau khi vừa trả 1 khách tại đường Hoàng Diệu, quận 4 (TP.HCM), anh L.S.Hiếu tận tình gọi điện hỏi điểm đón, thông báo màu và biển số xe dù các thông tin này đã được ghi rõ ràng tại ứng dụng (app) Grab khi chúng tôi đặt xe. Trên đường di chuyển, anh Hiếu vui vẻ trò chuyện và cho biết anh mới chạy Grab được hơn 3 tháng nhưng không thường xuyên vì hằng ngày làm văn phòng, lúc nào rảnh rỗi mới lấy xe nhà ra chạy. 
Khi được hỏi ý kiến về việc sẽ phải gắn mào khi chạy xe, anh Hiếu giật mình: "Có phải taxi bắt khách dọc đường đâu mà phải gắn biển trên nóc cho người ta nhận ra. Biển số xe, loại xe, màu xe, thông tin của tôi khách hàng có hết, trước khi đến đón chúng tôi cũng đã gọi điện trao đổi vị trí rồi. Xe nhà mình mà bắt gắn biển kỳ lắm, không chạy nữa thì thôi chứ phải tháo ra, gắn vào suốt ngày, phiền!".
Cũng theo anh Hiếu, hiện các xe chạy Grab đều có gắn logo 2 bên cửa xe và có bảng xe hợp đồng bên trong, cả khách hàng và cơ quan quản lý đều dễ nhận diện.
Không chỉ thấy phiền, anh H.T.Thiên, tài xế một hãng xe công nghệ khác còn cho rằng việc bắt gắn mào sẽ vô tình "vẽ đường" cho tài xế công nghệ bắt khách dọc đường. "Gắn mào vậy khách hàng không cần đặt qua app cũng nhận ra đâu là xe chở khách. Tài xế sẽ tắt ứng dụng và đón khách dọc đường. Gặp người đàng hoàng không sao, gặp người nào lanh ma một tí là chặt chém khách như chơi" - anh Thiên nói.
Xe chạy Grab có gắn logo nhận diện 2 bên cửa xe H.Mai

Người dùng chịu thiệt

Thực tế, điểm ưu việt của mô hình gọi xe công nghệ chính là giá cả. Kết nối tài xế và hành khách có nhu cầu thông qua ứng dụng, các doanh nghiệp này không phải chịu nhiều chi phí như mô hình của taxi truyền thống và phần chi phí tiết kiệm này được giảm trực tiếp vào giá thành, khiến người tiêu dùng có được mức giá tốt nhất.
Do đó, chuyên gia chiến lược Đỗ Hòa cảnh báo nếu “ép” Grab vào mô hình của một doanh nghiệp vận tải, trở về đúng bản chất của mô hình taxi truyền thống thì người dân sẽ hết thời đi giá rẻ. Khi đó, buộc Grab phải phình bộ máy, tăng chi phí thuê mặt bằng, chi phí quản lý, sửa chữa, bảo dưỡng xe, chi phí lương thưởng, chế độ đãi ngộ cho nhân viên… Tất cả chi phí sẽ được doanh nghiệp áp vào giá thành, bao nhiêu cái mới, cái hay, cái tiến bộ sẽ trở nên vô nghĩa.
Không chỉ có vậy, điểm đặc biệt của Grab chính là phương thức tính giá cước hoàn toàn phụ thuộc vào cung - cầu của thị trường thông qua phần mềm điện tử. Điều này thể hiện rất rõ khi vào giờ cao điểm, cầu vượt quá cao so với cung, giá cước Grab đẩy lên cao. Đợt trước Tết Nguyên đán vừa qua, nhiều tài xế nghỉ sớm về quê, số lượng tài xế giảm khiến nhiều khách hàng "than trời" vì vừa khó đặt xe, giá lại cao.
LS Trương Thanh Đức, Công ty Luật BASICO phân tích mục đích của việc nhận diện phương tiện nhằm đáp ứng nhu cầu của 3 đối tượng: khách hàng, đơn vị quản lý thuế và lực lượng thanh tra, kiểm tra, cảnh sát giao thông. Về phía khách hàng, họ không có nhu cầu nhận diện xe vì mọi thông tin đã được minh bạch qua ứng dụng. Việc gắn phù hiệu, mào xe hay không cũng không có ý nghĩa gì đối với các đơn vị quản lý thuế vì công tác truy thu thuế phải xử lý tại nguồn là doanh nghiệp.
“Đối với thanh tra, kiểm tra, cảnh sát giao thông thì nhận diện xe để làm gì? Không có quốc gia nào lại đi cấm đoán, siết chặt quản lý với các phương tiện vận tải công cộng. Quy định này có thể dẫn đến nghi ngờ về tiêu cực, mãi lộ”, ông Đức đặt vấn đề.

Gắn đèn LED nhận diện

Không phản đối việc "về chung nhà" với taxi truyền thống, tuy nhiên phía Grab đề xuất cần có quy chế riêng với taxi công nghệ. Cụ thể, loại phương tiện này sẽ không bị yêu cầu có đồng hồ tính tiền (taxi meter) và niêm yết bảng giá cước; không yêu cầu có sơn logo và hộp đèn taxi gắn cố định trên nóc xe. Thay vào đó, phải lắp đặt bảng đèn LED gắn trong xe, ngay phía sau kính chắn gió. Các bảng đèn LED này phải được bật khi xe đang kinh doanh và có thể tắt đi khi xe không phục vụ; Không được đón khách vãng lai trên đường mà không thông qua dịch vụ kết nối vận tải.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.