Phá thế 'độc quyền' bán than của ông lớn nhà nước

28/11/2018 06:57 GMT+7

Câu chuyện một số nhà máy điện nguy cơ dừng hoạt động do thiếu than có một phần nguyên nhân từ cơ chế còn “ độc quyền ” trong cung cấp than cho ngành điện.

Chia sẻ với Thanh Niên, TS Nguyễn Thành Sơn, một chuyên gia về năng lượng, nguyên là Trưởng ban Chiến lược của TKV thì câu chuyện một số nhà máy điện nguy cơ dừng hoạt động do thiếu than có một phần nguyên nhân từ cơ chế còn “độc quyền” trong cung cấp than cho ngành điện.
Ông Sơn cho biết, trước đây do nguồn than trong nước còn dồi dào nên Chính phủ yêu cầu các nhà máy điện dùng than nội địa, từ TKV và Tổng công ty Đông Bắc (Bộ Quốc phòng). Tuy nhiên, do nhu cầu điện tăng cao, cần huy động lớn từ nhiệt điện than nên Chính phủ cho phép dùng than nhập khẩu. Hiện nay, một số nhà máy mới tại Trung tâm điện lực Duyên Hải, Vĩnh Tân vẫn dùng than nhập khẩu do chủ đầu tư tự tìm nguồn. Trên thực tế, từ chỗ cả nước có khoảng 10 doanh nghiệp (DN) nhập than từ 50.000 tấn/năm vào năm 2014 thì đến nay con số hiện tăng lên khoảng gấp 3.
Tuy nhiên, ông Sơn lưu ý, trong khi than bán cho các hộ như hóa chất, thép, xi măng theo thị trường thì than bán cho điện vẫn do nhà nước quản lý. Do vậy, các nhà máy điện muốn dùng than nhập khẩu cũng phải được sự đồng ý của Thủ tướng. Trong đó, Chính phủ giao TKV và Tổng công ty Đông Bắc là hai đầu mối nhập khẩu than. Tập đoàn điện lực VN (EVN), Dầu khí VN (PVN) và các doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu than thì ký hợp đồng với TKV, Tổng công ty Đông Bắc. Hiện nay hầu hết các nhà máy nhiệt điện tại miền Bắc như Quảng Ninh, Hải Phòng đều dùng than do hai DN này cung cấp.
“Việc hình thành đầu mối nhập khẩu than chỉ cần thiết khi DN sử dụng than gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nhiên liệu phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình, nhất là khi giá mua than bên ngoài cao hơn so với mua từ đầu mối. Thế nhưng, trong tình hình hiện nay, giá than cùng chủng loại được nhập về bán lại cao hơn giá thế giới và cao hơn giá than do TKV sản xuất trong nước nên khiến các nhà máy điện khó khăn”, ông Sơn đánh giá.
Các DN ngành điện đã từng kiến nghị Chính phủ cho họ tự nhập than thay vì qua hai đầu mối này. “Do vậy, việc xóa bỏ thế độc quyền nhập than của TKV và Tổng công ty Đông Bắc là điều nên làm”, ông Sơn bày tỏ và cho rằng, với sản lượng nhập khẩu ngày càng lớn, hiện đã gần bằng 1/2 lượng than trong nước sản xuất thì các DN nhập khẩu hoàn toàn có thể san sẻ, thậm chí là thay thế được.
Trong khi đó, theo các chuyên gia kinh tế, nhu cầu tiêu thụ than đơn thuần phụ thuộc vào kế hoạch sản xuất, kinh doanh của DN sử dụng than. Cho nên, việc phải có trong kho dự phòng bao nhiêu, sử dụng từ nguồn nào cũng đều nằm trong bài toán kinh doanh của họ. Vì vậy, dù ý định ban đầu của Chính phủ đối với việc tập trung đầu mối nhập khẩu than là tốt, trong hoàn cảnh nhất định song chưa hẳn là điều DN mong muốn và phù hợp với bối cảnh thị trường hiện nay. “Các DN rõ ràng có thể tự tìm đến các nhà nhập khẩu than khác nhau chứ không nhất thiết phải qua hai đầu mối được Chính phủ chỉ định. Hay nói khác đi là việc nhập khẩu qua đầu mối không nên trở thành một yêu cầu bắt buộc mà chỉ nên là sự chọn lựa nhà cung cấp của các DN”, một chuyên gia kinh tế bày tỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.