Vùng than thiếu than
|
Đáng nói là Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh đang sử dụng công nghệ lò than phun, sử dụng toàn bộ than nhiên liệu nội địa. Chuyên gia môi trường Phan Văn Hiện, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ, cho rằng việc một nhà máy nhiệt điện nằm ngay trong “cái nôi” khai thác than lại thiếu than để vận hành là điều hết sức khó hiểu. Bởi cách đây 1 năm, chính TKV báo cáo còn tồn kho đến 10 triệu tấn than do việc bán ra chậm. “Các nhà máy nhiệt điện than Quảng Ninh được xây dựng tại đây do xuất phát đây là mỏ than lớn nhất nước. Nay, chính nơi này than thiếu than thì gần 20 nhà máy nhiệt điện còn lại rải đều trên cả nước lấy than đâu mà vận hành?”, ông Hiện nói và bày tỏ lo ngại cho tình trạng phát triển ồ ạt các nhà máy nhiệt điện than trải dài các cùng duyên hải từ bắc vào nam theo quy hoạch của Bộ Công thương.
Đáng nói, số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, sản lượng than xuất khẩu 10 tháng đầu năm nay đạt trên 2 triệu tấn, trị giá hơn 274 triệu USD, giá trung bình 3,2 triệu đồng/tấn, chủ yếu dòng than antraxit. Cũng trong thời gian đó, VN đã nhập 17,3 triệu tấn than từ các nước với giá trung bình 2,7 triệu đồng/tấn, cao hơn giá trung bình cùng kỳ năm ngoái 400.000 đồng/tấn và đắt hơn 1,2 triệu đồng/tấn cùng kỳ năm 2016. Như vậy, giá than xuất khẩu đang cao hơn giá than nhập khẩu. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là một trong những lý do khiến TKV không “mặn mà” bán than theo giá bao cấp cho các nhà máy nhiệt điện trong nước.
Ông Phan Văn Hiện cho rằng, việc bán giá cao, mua về giá thấp nếu đúng thực sự như vậy thì hoàn toàn có lợi. Tuy nhiên, để xảy ra tình trạng thiếu than trong bối cảnh vẫn quy hoạch phát triển, cấp phép cho nhà máy than đầu tư vào VN là điều hết sức mâu thuẫn. “Khi chưa có các nhà máy nhiệt điện ồ ạt như bây giờ, than VN khai thác ra toàn bán rẻ như cho và năm nào cũng tồn đọng số lượng lớn. TKV đã từng xin Chính phủ giảm thuế xuất khẩu... Nay thiếu hụt cũng là điều dễ hiểu do chúng ta đẩy mạnh phát triển nhà máy nhiệt điện quá nhanh”, ông Hiện nêu quan điểm.
|
“Cái giá phải trả quá đắt”
Theo quy hoạch của ngành điện, đến năm 2019 nhiệt điện chiếm hơn 48% lượng điện quốc gia. Dự báo nhu cầu than trong "Quy hoạch phát triển ngành than VN đến 2020, có xét triển vọng đến 2030" đã được phê duyệt, nhu cầu sử dụng than của nhiệt điện là lớn nhất trong tổng nhu cầu than tại VN. Tổng nhu cầu than của cả nước năm 2020 cần hơn 86.000 triệu tấn, năm 2030 hơn 156.000 triệu tấn. Trong khi đó, năng lực của TKV theo giấy phép khai thác chỉ đạt 36 - 37 triệu tấn/năm than sạch, dự kiến nhập khẩu đến năm 2020 khoảng 9 triệu tấn, năm 2030 là 16 triệu tấn than pha trộn để đáp ứng nhu cầu về than cho nền kinh tế đặc biệt cung cấp cho nhà máy nhiệt điện.
Như vậy, ước tính lượng than trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 1/3 nhu cầu của các nhà máy nhiệt điện. PGS-TS Hồ Quốc Bằng ủng hộ quan điểm không thể để thiếu điện nhưng cho rằng, VN quá chú trọng phát triển điện than do giá thành rẻ trong khi xu hướng thế giới đang đi ngược lại điều này. “Giá nhiệt điện than hiện thấp hơn giá thành điện khai thác từ thủy điện, điện gió, điện mặt trời, điện hạt nhân... Tuy nhiên, cái giá chúng ta đang trả quá đắt, nguồn chất thải lớn từ nhiệt điện thải ra môi trường quá lớn, cả chất thải rắn và khí đều nguy hại. Trong bán kính từ 20 - 50 km, khói từ nhà máy nhiệt điện có thể lan đủ để ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân về lâu dài”, PGS Bằng nhận xét.
tin liên quan
Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh có nguy cơ dừng hoạt động vì thiếu thanRõ ràng, thế giới đang có xu hướng giảm thiểu khai thác điện từ than. Trong khi quy hoạch phát triển nhiệt điện than VN tăng qua từng giai đoạn. Hiện tại, cả nước có 21 nhà máy nhiệt điện đang hoạt động. Theo Quy hoạch điện II (điều chỉnh), dự kiến, đến năm 2020 cả nước sẽ có 31 nhà máy nhiệt điện, tiếp tục tăng lên 51 nhà máy vào năm 2030.
Điện than không hề rẻ
Báo cáo nghiên cứu của Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (GreenID) phối hợp với Liên minh Năng lượng bền vững VN (VSEA) chỉ ra rằng sau năm 2020, VN có khả năng không cần xây dựng nhà máy nhiệt điện than mới mà vẫn duy trì hệ thống năng lượng an toàn với giá cả hợp lý.
Theo nghiên cứu này, VN cần cắt giảm 30.000 MW điện than, tương đương với đưa ra khỏi quy hoạch 25 nhà máy điện than. Việc này sẽ giúp VN tránh đốt khoảng 70 triệu tấn than mỗi năm, tương ứng với 7 tỉ USD/năm cho việc nhập khẩu than. Ngoài ra, VN cũng không cần phải huy động khoảng 60 tỉ USD vốn đầu tư cho các nhà máy nhiệt điện than như hiện nay.
TS Ngụy Thị Khanh, Giám đốc GreenID, cho rằng: “Hiện chi phí sản xuất điện than được tính toán cho thấy rẻ hơn năng lượng tái tạo là do chưa tính các chi phí ngoại biên. Nếu tính thêm chi phí môi trường, sức khỏe thì đây là nguồn điện quá đắt cho xã hội. Chi phí này người dân sẽ phải gánh chịu chứ không phải các nhà đầu tư. Nếu như cộng thêm các chi phí ngoại biên này thì hiện nay công nghệ nhiệt điện than đã trở nên cao hơn các công nghệ năng lượng tái tạo khác”. Theo ước tính, thiệt hại về môi trường và xã hội trên mỗi kWh điện tiêu thụ khi sản xuất bằng công nghệ điện than tương đương từ 2,8 xu Mỹ vào năm 2015 sẽ tăng lên 4,5 xu Mỹ vào năm 2030.
TS Ngụy Thị Khanh nhấn mạnh: Hiện mới chỉ có 1 - 2 nhà máy điện than có nguy cơ đóng cửa vì thiếu than. Như vậy các nhà máy khác sẽ như thế nào? Hoặc nếu cho xây dựng thêm các nhà máy nhiệt điện than mới thì nguồn nhiên liệu đầu vào lấy đâu ra? Việc phụ thuộc quá lớn vào nguồn nhập khẩu sẽ khiến VN không thể đảm bảo được an ninh năng lượng.
Bình luận (0)