Phải đồng bộ hạ tầng thu gom rác thải

19/11/2020 07:33 GMT+7

Là một siêu đô thị phát triển nhất cả nước, TP.HCM đang triển khai nhiều biện pháp từ thu gom đến vận chuyển, xử lý để giải quyết “vấn nạn” rác thải, ô nhiễm môi trường . Tuy nhiên kết quả vẫn chưa mấy khả quan.

Thực tế hiện nay, việc thu gom rác tại TP.HCM có rất nhiều bất cập nên người dân có thói quen để rác tràn lan ra đường. Để giải quyết vấn nạn rác thải, TP đã triển khai rất nhiều chương trình khuyến khích, vận động người dân phân loại rác nhưng vẫn chưa thành công. Ngay giữa trung tâm TP, hầu hết hộ gia đình vẫn thực hiện đổ rác chung như bình thường, không phân loại. Tại các chung cư, dù từng hộ gia đình có ý thức phân loại thì khi thu gom vào thùng rác chung, tất cả cũng đều đổ gom vào một mối.
Tại các khu vui chơi, trung tâm thương mại hay trên các tuyến đường đều được đầu tư thùng rác phân loại nhưng theo quan sát, mọi người vẫn bỏ rác lung tung, thậm chí không biết loại rác thải nào phải bỏ vào đâu nên cứ vô tư “bỏ đại”.
PGS-TS Phùng Chí Sĩ, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, lý giải: Thời gian qua, tất cả các thành phố lớn và nhiều tỉnh, thành nhỏ đều triển khai khuyến khích người dân phân loại rác tại nguồn nhưng không thành công do hạ tầng thu gom, xử lý phát triển không đồng bộ. Ngay như TP.HCM kêu gọi người dân phân loại rác nhưng thu gom đổ hết vào một xe, bãi trung chuyển chỉ có một và cũng chỉ có một bãi rác chôn lấp. Người dân sẽ cảm thấy việc họ làm không có ý nghĩa, mất công sức nên đâm nản, không làm nữa.
“Muốn người dân phân loại rác, giảm thiểu sử dụng rác, tái chế lại những thứ có thể tái chế thì phải triển khai đồng bộ, chuẩn bị đầy đủ hạ tầng cơ sở. Phải có nhà máy rác hữu cơ, tái chế nhựa, thủy tinh... thu gom theo từng dòng, sau đó xử lý theo từng loại, tại từng nhà máy khác nhau. Đồng thời, có chính sách khuyến khích người dân như hộ nào phân loại rác sẽ được giảm phí. Đồng bộ hạ tầng, chính sách rõ ràng thì mới có thể làm được”, TS Sĩ nêu ý kiến.
GS-TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường - Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, bổ sung: Thay đổi phương án thu phí phải song song với việc tăng chất lượng quản lý, tổ chức trong việc thu gom, vận chuyển rác thải. Hiện nay có đến hơn 60% rác được thu gom do dân lập. Những dây gom rác này chủ yếu thu gom, vận chuyển tùy tiện bằng nhiều loại phương tiện, vừa gây mùi hôi, vừa ảnh hưởng mỹ quan đô thị. Cần quản lý đồng bộ các dây gom rác dân lập và nhà nước.
“Làm sao để người dân thấy họ đóng tiền dù cao hơn nhưng bù lại nhận được chất lượng cuộc sống tốt hơn”, ông Bá nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.