Phạt nhẹ, rủi ro ví điện tử cao

Anh Vũ
Anh Vũ
06/05/2019 06:57 GMT+7

Với chế tài xử phạt còn quá nhẹ, cùng tính bảo mật của ví điện tử, cổng thanh toán còn nhiều lỗ hổng, dễ bị tấn công, gây rủi ro cho người dùng.

Rủi ro bảo mật

Bùng nổ như nấm mọc sau mưa, ví điện tử, cổng thanh toán trực tuyến đang trở thành kênh thanh toán ngày càng phổ biến thay thế tiền mặt. Ngoài ví điện tử như Momo, Zalo Pay, VNPT Pay… cũng phải kể đến các cổng trung gian như Ngân Lượng, Bảo Kim. Ngoài ra, còn một số trang thương mại điện tử lớn như Tiki, Shopee… sử dụng đơn vị tiền tệ đại diện cho thương hiệu của mình như Tiki Xu, Shopee Xu.
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết đến nay đã có trên 76 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua internet và 41 thực hiện qua điện thoại di động. Trong năm 2018, số lượng giao dịch tài chính qua kênh internet là 255 triệu với giá trị giao dịch 16 triệu tỉ đồng (tăng tương ứng 33,6% và 19,5% so với năm 2017). Số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động là 155 triệu với giá trị giao dịch khoảng 1,86 triệu tỉ đồng (tăng tương ứng 41% và 169% so với năm 2017).
Song, với sự phát triển quá nhanh, quá ồ ạt cũng đang dẫn tới nhiều vấn đề rủi ro phát sinh cho người dùng. Mới đây, anh Phạm Quang Minh, trú tại Q.Đống Đa, TP.Hà Nội, cho biết có gửi câu hỏi thắc mắc lên trang fanpage Facebook của Momo. Vài phút sau, khách hàng này nhận được tin nhắn thông qua mạng xã hội Facebook của một người tự nhận là nhân viên chăm sóc khách hàng của Momo yêu cầu anh Minh cung cấp số chứng minh nhân dân và địa chỉ email để xác nhận chủ tài khoản. Khi có các thông tin này, đối tượng đã nhanh chóng đổi mật khẩu ví điện tử Momo của anh Minh. Ngay lập tức, mã O.T.P xác thực tài khoản đã được gửi vào email của người dùng, và đối tượng dễ dàng chiếm đoạt ví điện tử của anh Minh, đồng thời thực hiện các thao tác chuyển tiền.
Chị Nguyễn Thanh Bình, trú tại Q.Cầu Giấy, Hà Nội, cho biết thường xuyên sử dụng ví Momo và các cổng thanh toán điện tử để mua hàng. “Nhưng cũng không ít lần nạp tiền điện thoại qua Momo bị treo mạng, hoặc nạp rồi nhưng tiền không về tài khoản, phải phản hồi mất rất nhiều thời gian mới được. Còn các cổng thanh toán hiện nay, tính bảo mật thông tin cho người dùng vẫn còn rất kém”, chị Bình chia sẻ.

6 công ty bị xử phạt 520 triệu đồng

Theo nguồn tin của Thanh Niên, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, trực thuộc NHNN đã tiến hành thanh tra, kiểm tra các tổ chức trung gian thanh toán. Qua đó, đã phát hiện một số tồn tại, vi phạm như: ký kết hợp đồng với một số đối tác tham gia hệ thống thanh toán trực tuyến trước thời điểm được cấp phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; không kiểm tra thông tin của đối tác là đối tượng chưa được NHNN cấp phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; chưa thực hiện rà soát, chỉnh sửa quy chế về bảo đảm an toàn, bảo mật hệ thống công nghệ thông tin theo quy định; chưa lập danh sách các dữ liệu cần sao lưu theo quy định.
Trên cơ sở kết quả thanh tra, kiểm tra, NHNN đã đưa ra 13 kiến nghị yêu cầu khắc phục tồn tại, sai phạm, đồng thời ban hành 6 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 520 triệu đồng. Các đơn vị bị xử phạt gồm: VNPT Epay, Wepay, CTCP phát triển thể thao điện tử Việt Nam; Công ty dịch vụ di động trực tuyến (sở hữu ví Momo), Công ty TNHH Zion, CTCP dịch vụ trực tuyến Việt Úc.
Ông Phạm Tiến Dũng cho hay NHNN vẫn thực hiện giám sát thường xuyên đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đã được cấp phép. Đặc biệt, đối với dịch vụ ví điện tử, trong đó theo dõi chặt chẽ các biến động số dư, tổng số tiền trên tài khoản đảm bảo thanh toán tại ngân hàng thông qua công cụ giám sát do các tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử cung cấp để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.
Tại dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2014 của NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán, việc nạp tiền vào ví phải thực hiện thông qua tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của khách hàng tại ngân hàng hoặc thông qua việc nhận tiền từ ví khác trong cùng hệ thống. Bên cạnh đó, quy định tổng hạn mức giao dịch của một ví cá nhân bao gồm giao dịch chuyển tiền giữa các ví và giao dịch thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp tối đa là 20 triệu đồng/ngày, 100 triệu đồng/tháng. Tổng hạn mức giao dịch của một ví của tổ chức tối đa là 100 triệu đồng/ngày và 500 triệu đồng/tháng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.