Say xỉn, sao hành khách thương gia bị 'tố' sàm sỡ vẫn được lên máy bay?

29/07/2019 16:31 GMT+7

Quy định hành khách mất khả năng làm chủ hành vi do rượu bia, chất kích thích sẽ không được chuyên chở trên máy bay đã được áp dụng từ ngày 1.6, tại sao ông Vũ Anh Cường vẫn được lên máy bay?

Câu chuyện hành khách hạng thương gia Vũ Anh Cường bị "tố" sàm sỡ nữ hành khách trên chuyến bay của hãng hàng không Vietnam Airlines ngày 26.7 đang gây xôn xao dư luận những ngày qua. Bên cạnh các ý kiến phẫn nộ, chỉ trích hành vi đáng lên án của người đàn ông này, nhiều người thắc mắc hành khách say xỉn có được lên máy bay hay không và nếu có quy định, tại sao ông Vũ Anh Cường vẫn được hãng hàng không quốc gia đồng ý phục vụ?

Chỉ sau khi "làm gì" mới có thể kiểm tra

Điều 58 Thông tư 13/2019 của Bộ GTVT quy định chi tiết Chương trình an ninh hàng không và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 1.6.2019. quy định kiểm tra, giám sát an ninh hàng không đối với hành khách bị mất khả năng làm chủ hành vi do bệnh tâm thần, hoặc do sử dụng rượu, bia, các chất kích thích. Đồng thời, không chấp nhận chuyên chở hành khách mất khả năng làm chủ hành vi do sử dụng rượu bia, chất kích thích.
Đại diện Cục Hàng không cho biết việc kiểm tra, giám sát và từ chối vận chuyển được trao quyền cho các hãng hàng không và cảng hàng không dựa trên 2 yếu tố: an toàn và an ninh. An toàn là không đủ sức khỏe để lên máy bay; và an ninh là người có biểu hiện say rượu không kiểm soát được hành vi, có nguy cơ gây rối, gây mất an ninh, thậm chí tấn công người khác trên máy bay. Tuy nhiên, Thông tư không quy định chính xác nồng độ cồn bị cấm lên máy bay. Chính "lỗ hổng" này đang gây khó cho cả bộ phận kiểm soát an ninh cũng như các hãng hàng không.
Đại diện hãng hàng không Vietnam Airlines khẳng định trên thực tế, việc xác định một hành khách có say xỉn đến mức mất tự chủ hành vi không rất khó. Việc say hay không say tùy thuộc vào "đô" của mỗi người. Có những người uống 1, 2 giọt, nồng độ cồn thấp đã say, nhưng có những người người nồng độ cồn cao mà vẫn còn tỉnh, đủ khả năng kiểm soát. Do đó, dù khách có mùi cồn, hãng phải đợi khách có hành vi quấy rối, "làm gì" mới có thể từ chối phục vụ, trong trường hợp máy bay chưa cất cánh.

Cần quy định cụ thể mức nồng độ cồn cho phép

Thực tế, tình trạng say rượu của hành khách khi đi máy bay diễn ra với rất nhiều hãng bay. Cuối năm 2015, ông T.T.Đ (ngụ TP.HCM) trong quá trình làm thủ tục lên máy bay từ Vinh - TP.HCM, khi nhân viên an ninh soi chiếu yêu cầu mở hành lý kiểm tra, ông Đ. đã nói “trong hành lý tôi có bom”. Ông Đ. còn gây mất trật tự, khiến nhân viên an ninh phải khống chế và có biện pháp kiểm tra hành lý nghi vấn. Kết quả kiểm tra hành lý không có bom, lý do hành khách này dọa chỉ vì... say rượu, mất kiểm soát hành vi.
Trước đó, năm 2014, trên chuyến bay VN195 từ Cam Ranh (Nha Trang) đi Hà Nội, khi lên máy bay, hành khách Đ.X.Đ có biểu hiện say rượu, không chấp hành hướng dẫn của tiếp viên, thậm chí còn gây gổ với hành khách ngồi cạnh. Một hành khách khác trên chuyến bay từ Hà Nội đi Nga vào tháng 2.2013, trong quá trình bay còn say rượu, đi lại nhiều trên máy bay, gây gổ với hành khách ngồi gần, hút thuốc trong bếp phía sau. Dù tiếp viên nhiều lần nhắc nhở nhưng hành khách này không hợp tác, thậm chí nằm gác chân qua lối đi, đe dọa đánh tiếp viên...
LS Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Hội Trọng tài thương mại TP.HCM đánh giá việc "ma men" lên máy bay "quậy" xảy ra không chỉ xảy ra với hàng không Việt Nam mà diễn ra rất nhiều trên các chuyến bay quốc tế. Theo đúng quy trình, khi hành khách đến quầy làm thủ tục, nếu nhân viên hãng hàng không phát hiện hành khách có biểu hiện say xỉn cần ngay lập tức báo với bộ phận an ninh sân bay, tiến hành kiểm tra và từ chối phục vụ nếu nồng độ cồn quá quy định, có khả năng mất hành vi tự chủ.
Trong khi đó, Thông tư 13 chỉ quy định từ chối chuyên chở đối với các hành khách mất tự chủ do rượu, bia và chất kích thích mà không giải thích rõ thế nào là mất khả năng tự chủ. "Như vậy ngoài các trường hợp khách quá say, đi đứng lảo đảo, rất khó để phát hiện hành khách say xỉn và chỉ sau khi có những hành động gây rối, quấy rối, làm phiền người khác thì bộ phận an ninh và nhân viên hãng mới có thể can thiệp. Quá muộn!" - ông Hậu nói.
Theo LS Nguyễn Văn Hậu, cần trang bị cho lực lượng an ninh sân bay thiết bị đo nồng độ cồn trong máu, giống lực lượng cảnh sát giao thông đường bộ. Đồng thời, quy định rõ hành khách có nồng độ cồn trong máu bao nhiêu thì sẽ bị từ chối phục vụ. Bất cứ bộ phận nào tại sân bay phát hiện hành khách có dùng rượu, bia đều có quyền thông báo với bộ phận an ninh yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn.
"Hành khách đi máy bay uống bia, rượu không trực tiếp tham gia điều khiển phương tiện nhưng có nguy cơ mất kiểm soát, gây những hành vi ảnh hưởng tới các hành khách xung quanh nên cần thiết phải có kiểm tra nồng độ cồn. Tuy nhiên mức độ cho phép có thể cao hơn so với người điều khiển ô tô, xe máy" - ông đề xuất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.