Theo phản ánh của nhiều ngư dân Quảng Nam, Thông tư 22 của Bộ NN-PTNT yêu cầu các tàu đánh bắt xa bờ phải đáp ứng đủ điều kiện có 4 tấm bằng (chứng chỉ): thuyền trưởng, máy trưởng, thợ máy và thuyền phó, là khó áp dụng vào thực tiễn, gây nhiều bất cập, khó khăn cho ngư dân.
Kêu khó nhiều bề
Ngư dân Lê Văn Năm (ở thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang, H.Núi Thành, Quảng Nam) cho rằng quy định mới (Thông tư 22, có hiệu lực từ 1.1.2019, hướng dẫn thi hành quy định liên quan đến luật Thủy sản) không cho ngư dân kiêm luôn mà yêu cầu 4 người phải có 4 bằng khác nhau. Tuy nhiên, tính khả thi trên thực tế lại là câu chuyện khác. Nhiều tàu cá không đáp ứng được yêu cầu luật đề ra đành phải nằm bờ. “Luật ban hành thì dân chấp nhận. Tuy nhiên, trước khi ban hành nên tìm hiểu thực tế xem có áp dụng được hay không. Bao năm nay, thuyền trưởng có thể kiêm luôn máy trưởng, nhưng nay tàu muốn vươn khơi phải có đủ 4 tấm bằng đã gây ra không ít khó khăn”, ngư dân Năm than.
Ông Năm cho hay một thực tế, trong nghề đánh bắt xa bờ, bạn thuyền là “di động”, thay đổi thường xuyên. Chủ tàu với bạn thuyền cũng chỉ hợp đồng bằng miệng, không có sự ràng buộc nên việc chấm dứt lao động quá đơn giản. Thuyền viên không thể trung thành với chủ tàu mãi. Khi chủ tàu bỏ tiền cho thuyền viên học lấy bằng, học xong đi được một chuyến biển, đánh bắt thua lỗ thì họ sẽ “nhảy” tàu khác, đến lúc đó chủ tàu lại phải đi thuê người khác rồi lại bỏ tiền cho họ học lấy bằng, rất tốn kém, bởi một tấm bằng khi học phải mất 3 triệu đồng. “Lớp đào tạo chỉ trong 3 - 5 ngày. Với thời gian đó tôi đảm bảo rằng thợ máy không thể sửa chữa được nếu máy xảy ra sự cố hư hỏng. Lớp học thì không mở thường xuyên, một năm mới mở một lần. Học mà không biết sửa chữa thì học làm gì? Đây chỉ là đào tạo kiểu hình thức, đối phó”, ông Năm dẫn chứng.
Ngư dân Lê Văn Bảy (46 tuổi, ở thôn Sâm Linh Tây) cho hay người dân ở xã Tam Quang chủ yếu sống vào nghề đi biển. “Một ngư dân nên cho kiêm được 2 bằng là có thể thực hiện. Hiện nay lao động đi biển thì thiếu trầm trọng. Có nhiều trường hợp tàu chuẩn bị ra khơi mà chủ tàu làm phật lòng máy trưởng hay thuyền phó, thì họ sẽ không đi biển nữa, khi đó tàu lại phải nằm bờ”, ông Bảy nói và cho rằng, luật này chỉ nên áp dụng cho những tàu hàng, tàu lớn, chứ áp dụng vào tàu cá ngư dân thì rất khó thực hiện.
Liên quan đến những “than thở” của ngư dân, bà Huỳnh Thị Mỹ Dung, Chủ tịch UBND xã Tam Quang, cho hay hiện tại trên địa bàn xã có hơn 180 tàu cá đánh bắt xa bờ. Đối với quy định mới, hiện ngư dân cũng đang cố gắng thực hiện theo luật. Xã cũng đang phối hợp với UBND H.Núi Thành mở 2 lớp để đào tạo cho ngư dân. “Lao động ở đây không mang tính thường xuyên, nếu biên chế 4 con người sử dụng bằng trên tàu là rất khó khăn vì lao động sẽ thay đổi liên tục, điều này cũng gây khó khăn, vướng mắc cho ngư dân rất nhiều”, bà Dung nói.
Ông Ngô Tấn, Phó giám đốc Sở NN-PTNN tỉnh Quảng Nam, thừa nhận quy định mới gây ra nhiều bất cập, khó khăn cho ngư dân. “Tỉnh Quảng Nam cũng đã tiếp nhận những phản ánh của ngư dân và kiến nghị ra T.Ư. Sở đã có văn bản yêu cầu các địa phương “tạm thời” dừng thực thi quy định tàu cá muốn ra khơi phải có đầy đủ 4 bằng, để cho ngư dân ra khơi, đến ngày 31.3 khi Tổng cục Thủy sản và T.Ư có ý kiến, sau đó sẽ có phương án tiếp theo”, ông Tấn nói.
“Toàn bộ chương trình đào tạo để ngư dân lấy bằng đều miễn phí 100%, theo chính sách của nhà nước. Việc ngư dân nói học bằng hết 3 triệu đồng thì chắc chi phí không chính thống. Có thể ngư dân muốn lấy bằng cho nhanh để vươn khơi nên đã tham gia lớp đào tạo không có kế hoạch, đào tạo theo kiểu chụp giật”, ông Tấn thông tin thêm.
|
Quy định cần thiết để đảm bảo an toàn tàu cá
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác hải sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT), cho rằng quy định tối thiểu 4 định biên gồm: thuyền trưởng, máy trưởng, thợ máy và thuyền phó đối với tàu cá dài trên 24 m, là để đảm bảo cho các tàu cá hoạt động an toàn khi đánh bắt xa bờ. Quy định này xuất phát từ thực tế xây dựng Thông tư 22, phản ánh từ các địa phương xảy ra rất nhiều sự cố tai nạn đối với tàu cá, chủ yếu là các sự cố hỏng máy trong quá trình vận hành, bị sóng đánh dẫn đến tàu chìm, trôi dạt, thậm chí nhiều vụ tàu cá chìm đắm uy hiếp đến tính mạng thuyền viên, thiệt hại lớn về tài sản… Khi tàu xảy ra sự cố thì trên tàu không có thuyền viên kỹ thuật để tự sửa chữa, khắc phục.
Tàu cá ra biển sản xuất thì quan trọng nhất là máy và điện, nên quy định tối thiểu về các định biên đi trên tàu như trong Thông tư 22 là cần thiết để đảm bảo an toàn, giảm thiểu các rủi roÔng Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác hải sản |
Theo ông Trung, kể từ khi Thông tư 22 có hiệu lực, cũng có ghi nhận một số vướng mắc ở các địa phương nhưng chủ yếu là phản ánh thiếu thợ máy, còn các nhân sự còn lại vẫn thực hiện chuyển tiếp bình thường. Để khắc phục vấn đề này, chi cục thủy sản các địa phương phải có trách nhiệm tổ chức lớp để đào tạo, kinh phí hỗ trợ cho người học, khung chương trình thì thực hiện theo quy định của Nghị định 67/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Theo thống kê của Trường ĐH Nha Trang, số học viên đã qua đào tạo ở các địa phương vừa qua đạt khoảng 6.900 thợ máy, trong khi tàu cá dài trên 24 m hiện chỉ có trên 2.000 tàu.
Ông Trung cho biết, thực tế vừa qua cũng có câu chuyện tàu cá hỏng hóc, thiệt hại, và nhiều doanh nghiệp từ chối bán bảo hiểm cho tàu nếu như tàu vận hành không đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật đã được quy định khi đưa vào lao động sản xuất. Bên cạnh đó, đối với con tàu khi đưa vào khai thác hoạt động, đánh bắt thì buộc phải tuân thủ các quy định đảm bảo an toàn. Quy định đăng kiểm tàu cá hiện nay cũng đặt ra yêu cầu bắt buộc phải có đăng kiểm viên am hiểu về hệ thống điện trên tàu cá.
“Tàu cá ra biển sản xuất thì quan trọng nhất là máy và điện, nên quy định tối thiểu về các định biên đi trên tàu như trong Thông tư 22 là cần thiết bắt buộc các địa phương, chủ tàu phải tuân thủ, thực hiện để đảm bảo an toàn, giảm thiểu các rủi ro trong quá trình sản xuất trên biển”, ông Trung nói.
Phú Yên đã đào tạo xong thuyền trưởng và máy trưởng
Ông Đào Quang Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên), cho biết khi triển khai luật Thủy sản mới thì Chi cục cũng đã thông báo cho ngư dân cử người đào tạo chứng chỉ cho phù hợp. Thông báo này đã được các địa phương triển khai đến người dân có nhu cầu. Phú Yên hiện có hơn 450 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên nên những tàu cá này bắt buộc phải có chứng chỉ thợ máy.
“Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Yên là đầu mối liên hệ nơi đào tạo. Khi có danh sách ngư dân cần đào tạo loại chứng chỉ nào thì đào tạo chứng chỉ đó. Nếu đào tạo thợ máy thì chỉ mất chừng 1 tuần lễ, vì hầu hết ngư dân mình lâu nay đã quen thuộc việc sửa chữa máy nên tay nghề dư chức danh thợ máy. Hiện nay, tàu cá của ngư dân Phú Yên chỉ thiếu chức danh thợ máy, còn các chức danh thuyền trưởng và máy trưởng đã đào tạo trước đây. Riêng thuyền phó cho tàu cá có chiều dài 24 m trở lên thì Phú Yên chỉ có 17 tàu. Chúng tôi đã thông báo nên sẽ đào tạo hết”, ông Minh nói.
Ông Minh còn cho biết thêm UBND tỉnh Phú Yên đã gửi danh sách khoảng 250 tàu cá dưới 15 m có nhu cầu cải hoán theo quy định cho Bộ NN-PTNT để xin hạn ngạch.
Đức Huy
|
Bình luận (0)