Ra khơi lỗ nặng, hàng loạt tàu cá nằm bờ

02/10/2019 14:35 GMT+7

Dù đang vào vụ khai thác hải sản chính trong năm nhưng tại cảng cá Tắc Cậu - cảng cá lớn nhất của tỉnh Kiên Giang, vẫn có nhiều tàu neo đậu.

Những ngày này, trên sông Cái Bé, đoạn qua địa bàn xã Bình An, H.Châu Thành (Kiên Giang), tàu cá đánh bắt xa bờ neo đậu dày đặc hai bên bờ sông. Các chủ phương tiện cho biết có rất nhiều tàu đã neo bến hơn 2 tháng qua và gần như không còn khả năng ra khơi khai thác, đánh bắt.

Tàu ra khơi đánh bắt thua lỗ

Ông Trương Văn Ngữ, Chủ tịch Hội Nghề cá TP.Rạch Giá, cho biết: Với số lượng tàu cá đánh bắt dày trên biển như hiện nay, khai thác đánh bắt không hiệu quả, ngư dân thua lỗ nặng, buộc lòng phải cho tàu nằm bến.
Đến nay, toàn tỉnh Kiên Giang có 9.845 tàu cá. Số tàu cá tham gia đánh bắt hải sản xa bờ khoảng 3.991 chiếc (chiếm khoảng 40,5% tổng số tàu cá của tỉnh), sản lượng khai thác bình quân hằng năm khoảng 500.000 tấn.
Điều này được các chủ tàu xác nhận. Tàu ra khơi hiện nay về cầm chắc lỗ. Tàu lớn đã lỗ thì những tàu công suất nhỏ, ngư cụ cũ kỹ, lạc hậu càng lỗ nặng hơn. Nhiều ngư dân có tiếng trong nghề cũng không trụ nổi, phải bán tàu, chuyển nghề. Ông Dương Tấn Tài, một chủ tàu với gần 20 cặp, làm nghề biển nhiều năm bộc bạch: “Tàu cá công suất lớn tăng ồ ạt, đánh bắt quanh năm, không theo mùa vụ dẫn đến nguồn lợi thủy sản trong nước bị tận diệt”. Cũng theo ông Tài, hiện nay ngư dân đánh bắt theo kiểu mạnh ai nấy làm trong khi Nhà nước không có quy định về thời vụ khai thác, cũng chẳng có hướng dẫn một năm được đánh bắt bao nhiêu ngày, vào mùa nào, vùng biển nào. Chính vì thế ngư trường không có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Một chủ tàu cá ở H.Châu Thành có 4 cặp tàu lưới cào đang nằm bến tính toán : Để ra khơi một cặp tàu lưới cào (chiều dài 25 m/tàu), vốn lưu động chi phí ban đầu 1,1 - 1,2 tỉ đồng cho một chuyến biển. Ngoài ra, vay ngân hàng đóng mới hoặc nâng cấp tàu cá còn phải trả lãi hằng tháng, chưa kể những khoản chi phí khác. Thế nhưng mỗi mẻ lưới kéo lên hiện nay, phần lớn là cá con, cá phân, cá tạp và rất ít những loài cá, tôm có giá trị kinh tế cao. "Mấy tháng nay rồi, tàu cá của tôi neo tại bến vì thua lỗ nặng, chưa trả được nợ và chưa biết khi nào trở ra biển”- ông này than.
Ông Nguyễn Quốc Trường, Trưởng phòng Thanh tra pháp chế Chi cục Thủy sản Kiên Giang thừa nhận, nguồn lợi thủy sản trên ngư trường đang trong tình trạng báo động dần cạn kiệt, ngư dân khai thác đánh bắt kém hiệu quả dẫn đến số lượng tàu cá nằm bờ khá nhiều. Ông Trường bổ sung thêm, tàu cá nằm bờ, không ra khơi nguyên nhân còn do khan hiếm, thiếu hụt lao động đi biển; vốn đầu tư ban đầu cho một chuyến biển khá lớn và rất nhiều chủ tàu cá không khả năng tài chính

Hậu cần nghề cá đìu hiu

Liên tục ra khơi và cũng liên tục cập bến nhưng không phải chuyến tàu nào cũng thu được những mẻ hải sản có giá trị cao, thậm chí nhiều chuyến tàu về chỉ toàn cá rẻ tiền nên chủ tàu không có lợi nhuận. Ông Đỗ Đức Thông, một thương lái ở P.Vĩnh Thanh, TP.Rạch Giá, cho biết năm nay lượng hải sản mua được chỉ còn khoảng 45% so cùng kỳ năm trước. Các loại hải sản đánh được không có giá trị cao vì toàn cá nhỏ, cá dạt, các loại hàng quý như tôm, mực, cá thu…thì rất ít.
Tàu nhiều nhưng hàng chục cơ sở bán nước đá, xăng dầu, cửa hàng tạp hóa lại đìu hiu. Tàu không đi đánh bắt thì các hoạt động hậu cần nghề cá cũng tê liệt theo. Một số cơ sở đã sang bán, đóng cửa, hoặc đã chuyển nghề khác. Ông Nguyễn Văn Lộc Anh, chủ nhà máy nước đá tại Cảng cá Tắc Cậu, cho biết hãng nước đá của ông có công suất 5.000 cây mỗi ngày, nhưng giờ phải hạ công suất xuống còn 40%, bởi nếu càng chạy thì càng thua lỗ. Nguyên nhân là nước đá khu vực này chủ yếu bán cho ghe biển dùng muối cá, giờ tàu không đi đánh bắt thì chủ tàu không mua nữa. Công nhân hàng trăm, nay còn lèo tèo vài người, làm việc cầm chừng...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.