Tháo nút thắt hạ tầng hàng không

20/06/2019 07:29 GMT+7

Du lịch phát triển “nóng”, thị trường hàng không nhộn nhịp với sự tham gia của nhiều tân binh nhưng hạ tầng đang là nút thắt lớn nhất kìm hãm ngành hàng không VN.

“Tắc” vì thiếu hạ tầng

Chưa bao giờ thị trường hàng không VN chứng kiến bước đột phá, nhộn nhịp như hiện nay. Sự xuất hiện của tân binh Bamboo Airways không chỉ tạo thêm cơ hội di chuyển cho người dân, tác động không nhỏ tới cán cân thị trường mà còn là chất xúc tác thúc đẩy nhiều doanh nghiệp tham gia vào thị trường đầy tiềm năng này. Không riêng Công ty du lịch Vietravel khẳng định tham vọng thành lập Hãng hàng không Vietravel Airlines, một nguồn tin từ Cục Hàng không VN cho hay hiện có 3 hồ sơ mới đăng ký xin giấy phép kinh doanh vận tải hàng không, bên cạnh những “gương mặt” đã bền bỉ nhiều năm như Vietstar. Đây là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh được đánh giá có tốc độ phát triển khá cao nhưng mức độ cạnh tranh hàng không VN đang rất thấp so với khu vực.
Hiện trong nước chỉ có 4 hãng hàng không là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vietjet Air và Bamboo Airways; trong đó Jetstar Pacific là công ty con của Vietnam Airlines. Con số này ít hơn nhiều so với 13 hãng hàng không thường lệ và gần 10 hãng bay thuê chuyến đang hoạt động ở Thái Lan.
Số hãng hàng không đang khai thác ở VN cũng ít hơn so với Singapore, Malaysia, Philippines, Campuchia, Myanmar và ít hơn 10 lần so với Indonesia. Sự cạnh tranh gần như ở mức tối thiểu khiến giá vé máy bay ở VN luôn ở mức cao, hành khách kêu ca, kìm hãm phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch nội địa. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhiều lần khẳng định chủ trương ủng hộ mở cửa bầu trời, khuyến khích nhiều đơn vị tham gia nhằm tăng cạnh tranh thị trường hàng không. Thế nhưng thực tế, các doanh nghiệp có đủ điều kiện có khi phải “trầy vi tróc vẩy” cả gần thập niên vẫn không xin được giấy phép bay. Nguyên nhân lớn nhất được các nhà chức trách đưa ra là năng lực quản lý, hạ tầng hàng không không đủ đáp ứng nhu cầu.
Mặc dù có sự xuất hiện của Cảng hàng không quốc tế tư nhân đầu tiên - Vân Đồn, nhiều sân bay liên tục được nâng cấp, mở rộng nhưng vẫn còn số lượng không nhỏ sân bay tại các TP lớn đang hoạt động quá công suất. Tình trạng kẹt đường lăn, sân đỗ tại một số sân bay trọng điểm thường xuyên diễn ra, dẫn đến việc chậm, hủy chuyến đang ngày càng trở thành nỗi ám ảnh của hành khách. Do đó, sự phát triển đột phá của ngành du lịch, sự gia nhập của nhiều hãng hàng không mới chưa kịp giúp ngành hàng không hưởng lợi đã đặt thêm áp lực rất lớn lên khả năng khai thác của các sân bay trọng điểm.

Khuyến khích xã hội hóa hạ tầng sân bay

Hạ tầng là nút thắt lớn nhất khiến vận tải hàng không chưa thể phát triển như mục tiêu. Ngay tại sân bay lớn nhất cả nước là Tân Sơn Nhất, dù đã quá tải nhiều năm nhưng những dự án mở rộng, xây mới vẫn lòng vòng, chậm trễ không biết bao giờ mới có thể khởi công. Cả những hạng mục quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn bay như sửa chữa đường lăn, sân đỗ cũng bị “tắc” do vướng cơ chế. Sân bay Long Thành, được kỳ vọng giảm tải cho Tân Sơn Nhất, tạo bàn đạp phát triển cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía nam nhưng đã 3 năm sau khi Quốc hội thông qua báo cáo tiền khả thi, đến nay các thủ tục hành chính vẫn chậm trễ.
Một chuyên gia về hàng không cho rằng để tháo nút thắt hàng không, tạo điều kiện cho du lịch VN phát triển thuận lợi, nhà nước cần nhất quán chủ trương mở cửa bầu trời; từ khâu cấp giấy phép thành lập hãng hàng không cho đến khâu cấp thương quyền khai thác và quan trọng nhất là có những chính sách cụ thể, thiết thực nhằm khuyến khích tư nhân đầu tư cho hạ tầng sân bay. Các sân bay thương mại ở hầu hết các nước phát triển đều đang nỗ lực giảm phụ thuộc vào chính phủ. Việc tư nhân hóa các sân bay thương mại tại Mỹ được thực hiện cách đây hơn 20 năm, Anh từ năm 1987. Ngay tại châu Á, các sân bay ở Koh Samui, Sukhothai, Trad của Thái Lan là do Hãng hàng không Bangkok Airways đầu tư. Campuchia đã nhượng quyền quản lý, khai thác ba sân bay lớn nhất tại Phnom Penh, Siem Reap và Sihanoukville cho Tập đoàn ADP-M (Pháp); sân bay Indonesia cũng do Hãng hàng không Air Asia khai thác.
Tại phiên hiến kế về du lịch thuộc Diễn đàn kinh tế tư nhân VN mới đây, ông Đinh Việt Phương, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần hàng không Vietjet, cũng kiến nghị Chính phủ nên rà soát quy hoạch, hiện trạng xây dựng hệ thống hạ tầng hàng không hiện nay. Trong trường hợp ngân sách đầu tư các công trình hạ tầng hàng không của nhà nước gặp khó khăn, có thể kêu gọi khối tư nhân đầu tư một phần hoặc toàn bộ cho các cảng hàng không mới, cảng hàng không hiện hữu nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng các công trình đã đề ra. Bên cạnh đó, Chính phủ cần kiện toàn pháp lý tạo môi trường bình đẳng cho các thành phần kinh tế, xây dựng các cơ chế ưu đãi, giảm thủ tục hành chính nhằm khích lệ, thu hút nguồn lực tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không. Quan trọng là lập quy hoạch phát triển dài hạn hệ thống cảng hàng không, nâng tầm chiến lược quốc gia.
Tổng công ty cảng hàng không VN (ACV) cho biết đơn vị này đã lập kế hoạch đầu tư các dự án định hướng đến 2025 với tổng mức đầu tư các dự án thuộc tài sản ACV là 56.702 tỉ đồng. Kế hoạch thực hiện các dự án trọng điểm của ACV đến 2025 là hoàn thành đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, đầu tư nâng cao năng lực khai thác (nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài), đầu tư mới nhà ga T3 sân bay Đà Nẵng, Phú Quốc; xây dựng các nhà ga mới tại Cảng hàng không quốc tế Chu Lai, Phú Bài, Cát Bi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.