Thị trường bia rượu 'đìu hiu'

17/01/2020 06:36 GMT+7

Tại nhiều quán nhậu trên các phố ở Hà Nội những ngày qua phủ một bầu không khí ảm đạm, dù đây là thời điểm mà tiệc tất niên, liên hoan liên miên.

Thực tế này cho thấy ý thức chấp hành Nghị định 100 của người dân đã khá tốt.

Quán nhậu sụt giảm khách vì “tín đồ rượu bia” sợ thổi nồng độ cồn

Nâng ly lên là nhớ Nghị định 100

Trao đổi với PV Thanh Niên, không ít người thừa nhận cứ nâng chén lên là nghĩ đến Nghị định 100. “Làm công việc đối ngoại nên thường xuyên phải nhậu, uống bia rượu tiếp khách, nhất là dịp cuối năm càng khó tránh. Từ khi Nghị định 100 có hiệu lực, cứ uống xong là tôi không lái xe nữa, đi taxi hoặc xe ôm. Ban đầu có khó chịu chút nhưng ngẫm ra như vậy là văn minh, an toàn cho bản thân và người cùng tham gia giao thông”, anh Cấn Văn Luật (37 tuổi, nhà ở Q.Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ.
Anh Nguyễn Văn Quang (45 tuổi, chủ quán bia lớn tại khu vực Trung Hòa, Q.Cầu Giấy) cho hay sau khi Nghị định 100 có hiệu lực, doanh số kinh doanh của nhà hàng giảm mạnh. Đây là tình trạng chung của nhiều nhà hàng tại Hà Nội. “Trước khi có Nghị định 100, doanh số mỗi tháng là 10 phần thì nay chỉ còn 5 - 6 phần dù là dịp cuối năm. Ế ẩm, kinh doanh khó khăn hơn nhưng cũng phải thừa nhận phạt nặng uống rượu bia lái xe là văn minh”, anh Quang nói. Chủ nhà hàng này cho biết, trên cộng đồng kinh doanh nhà hàng đang rốt ráo triển khai các dịch vụ liên doanh liên kết cho khách uống rượu bia không lái xe như có tài xế đưa về, xe đưa về và nhà hàng chi trả một phần phí này.

CSGT đo nồng độ cồn ngay phố nhậu, chủ quán treo bảng: “Có giao thông”

Khuyến mãi cũng không bán được hàng

Khảo sát tại thị trường Hà Nội, sức mua rượu bia trước tết sụt giảm rõ rệt so với cùng kỳ những năm trước. Nhiều cửa hàng, đại lý bán rượu nhập khẩu trên phố Thái Hà, Nguyễn Chí Thanh (Q.Đống Đa) - nơi những năm trước thường xuyên lâm vào cảnh tắc đường, năm nay thưa thớt hẳn. Nhân viên tiếp thị của một công ty rượu nhập khẩu cho biết khách hàng đến đây chủ yếu là khách quen. Mỗi ngày trên dưới 100 người, giảm một nửa so với năm 2019.
Chị Hồng Lê, chủ cửa hàng chuyên bán rượu nhập khẩu ở phố Nguyễn Sơn, Q.Long Biên, than thở: “Sức mua năm nay cực kém. Các cộng tác viên ở các tỉnh cũng kêu ca doanh số sụt giảm. Mùa Tết 2019, doanh thu từ rượu khoảng hơn 1 tỉ đồng. Giá những ngày trước tết tăng theo giờ, không có hàng mà mua. Năm nay, đến ngày 23 tháng chạp chưa bán nổi 300 triệu, sức mua giảm khoảng 60 - 70% so với các năm trước”.
Theo chị Lê, không chỉ giảm sức mua, Nghị định 100 còn tác động đến xu hướng tiêu dùng của người dân. “Thay vì mua rượu mạnh đắt tiền như năm ngoái, người tiêu dùng mua rượu có nồng độ cồn nhẹ từ 9 - 12 độ như rượu vang ngọt, rượu mơ… Những cá nhân mua đi biếu tặng số lượng lớn hầu như không có. Chúng tôi mất cả những khách hàng lâu năm là các cơ quan, đơn vị mua rượu làm quà cho cán bộ dịp cuối năm”, chị Lê nói.

CSGT mật phục trước quán, hàng loạt dân nhậu bị tước bằng lái 2 năm

Mặc dù nhiều doanh nghiệp rượu bia tung ra các chương trình khuyến mãi, tặng quà, song cũng không thể kích cầu tiêu dùng. Khảo sát trên thị trường bia Hà Nội giá 250.000 đồng/thùng; bia Heineken 400.000 đồng/thùng; bia Tiger lon 320.000 - 330.000 đồng/thùng… không tăng giá so với năm ngoái. Bà Trần Thị Hương, chủ cửa hàng bánh kẹo nước giải khát trên phố Nguyễn Quý Đức, Q.Thanh Xuân, cho hay: “Tuy không bị ảnh hưởng trầm trọng như các quán bia, song Nghị định 100 ảnh hưởng đến sức mua rượu bia trong dịp tết. Lượng khách đến cửa hàng mua rượu giảm 30%. Còn bia, cũng sụt giảm, hầu như mua đi biếu không có. Mỗi ngày túc tắc bán ra chỉ có 2 - 3 thùng. Hy vọng năm nay thời tiết ấm lên, những ngày cận tết khách mua bia về tiêu dùng sẽ tăng hơn”.
Mặc dù sức mua rượu bia giảm, nhưng các chủ cửa hàng đều đồng tình ủng hộ việc cấm rượu bia khi tham gia giao thông để đảm bảo sức khỏe, an toàn cho mọi người, mọi nhà. “Người tiêu dùng mua rượu bia ít, nhưng bù lại họ chuyển sang mua bánh kẹo, nước giải khát. Có lẽ sang năm sau, chúng tôi sẽ cân nhắc lựa chọn đồ uống nhập khẩu phù hợp với xu thế của người tiêu dùng”, bà Trần Thị Hương, chủ cửa hàng bánh kẹo, nước giải khát trên phố Nguyễn Quý Đức (Q.Thanh Xuân), chia sẻ.

Bia, rượu "tồn kho"

Tại TP.HCM, thị trường bia tết tuần cuối cùng của năm sức mua giảm thê thảm. Chủ một đại lý bia rượu nước giải khát trên đường Lạc Long Quân (Q.Tân Bình) cho biết thị trường tiêu thụ bia tết năm nay giảm mạnh, thấp hơn 25 - 30% so với năm ngoái, mặc dù so với hơn nửa tháng trước giá bán nay đã giảm từ 10.000 - 15.000 đồng/thùng bia.
Cụ thể, bia Heineken bao bì xuân cuối tháng 12.2019 bán lẻ giá 420.000 đồng/thùng, nay giảm còn 410.000 đồng/thùng; bia 333 mẫu mới của Sabeco 255.000 đồng/thùng nay bán 240.000 đồng/thùng; bia Tiger xanh 340.000 đồng/thùng nay bán giá 335.000 đồng/thùng; Tiger bạc 360.000 đồng nay giảm còn 350.000 đồng/thùng.
Ngoài bia, thị trường rượu ngoại, như: rượu vang và rượu nặng mãi lực đều giảm mạnh. Một số đại lý bia rượu trên đường Nguyễn Thông (Q.3) cho biết, các công ty mọi năm đặt mua rượu số lượng lớn đến vài trăm chai để biếu khách hàng nay hầu như đổi món hoặc mua chỉ bằng nửa số đó. “Mọi năm, từ đầu tháng chạp âm lịch, hàng về không kịp bán, nay lượng hàng về đại lý giảm 20% nhưng tính đến chiều 16.1, hàng tồn kho vẫn còn nhiều dù giá đã giảm”, một đại lý trên tuyến đường này nói.
Trong buổi gặp mặt cuối năm với doanh nghiệp mới đây, đại diện doanh nghiệp cho hay một số hãng bia đã phải điều chỉnh sản lượng trong hai tháng vừa qua, giảm khoảng 5 - 7%. Một hãng bia khác ở khu vực miền Trung cũng có thông tin việc điều chỉnh sản lượng bia được thực hiện từ tháng 2.2020, sau Tết Nguyên đán.
Một nghiên cứu của Công ty CP chứng khoán SSI mới đây cũng thông tin, sản lượng tiêu thụ bia trong năm 2020 sẽ không đạt được mức tăng trưởng 2 con số như năm 2019 mà chỉ vào khoảng 6 - 7%, trong đó hai “ông lớn” Sabeco và Heineken ít nhiều bị ảnh hưởng.
Ng.Nga
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.