Thị trường dịch vụ cầm đồ hút vốn

25/02/2021 06:20 GMT+7

Liên tục nhiều nghệ sĩ công bố đầu tư tiền tỉ vào chuỗi cầm đồ khiến không ít người tò mò về hoạt động kinh doanh của dịch vụ này.

Hút vốn tiền tỉ

Trong đợt phát hành trái phiếu lần đầu năm 2019 của chuỗi cầm đồ F88, hoa hậu Mai Phương Thúy đã đầu tư 10 tỉ đồng mua trái phiếu của chuỗi cầm cố tài sản này. F88 là doanh nghiệp tiên phong trong thị trường cho vay cầm cố tại Việt Nam, chuyên cung cấp cho khách hàng dịch vụ cho vay cầm cố xe cộ. Được hậu thuẫn bởi các nhà đầu tư như Mekong Enterprise Fund III (2016) và Granite Oak (2018), F88 đã phát triển 180 phòng giao dịch ở 25 tỉnh thành trên toàn quốc. Giữa năm 2020, hoa hậu Ngọc Hân nối bước đàn chị, đầu tư 20 tỉ đồng vào hệ thống cầm đồ T99. Mới nhất, ca sĩ Cao Thái Sơn cũng đổ 20 tỉ vào chuỗi này, cho thấy dịch vụ cầm đồ đang thu hút vốn đầu tư khá mạnh mẽ.
Quy định hiện hành bỏ lọt quy định về phí, chỉ quy định lãi suất cho vay cầm đồ không được vượt quá quy định của bộ luật Dân sự (20%/năm). Đây là kẽ hở để các cơ sở cầm đồ “lách” bằng cách quy định lãi suất cho vay thấp song lại kèm theo “rừng” phí như bảo hiểm, phí thẩm định, phí quản lý tài sản...
Thực tế, dù năm 2020 kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19 nhưng các hệ thống cầm đồ vẫn khá ăn nên làm ra. Ông Phùng Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty F88 (hệ thống cầm đồ F88), cho biết năm 2020 đánh dấu sự bứt phá trong hoạt động phát triển kinh doanh. Ước tính dư nợ cho vay tăng trưởng 230% so với năm 2019; doanh thu và các nguồn thu tăng 220%. Vốn chủ sở hữu của F88 tăng 160% so với đầu năm với nhân sự đạt gần 2.000 người. Cuối năm 2020, F88 đã phát hành thành công trái phiếu với tổng giá trị 400 tỉ đồng qua Công ty chứng khoán Mirae Asset.
Ông Trịnh Văn Phương, Tổng giám đốc và đồng sáng lập Công ty Vietmoney (chuỗi cầm đồ Vietmoney), cho biết: “Tốc độ tăng trưởng doanh số của công ty trong năm qua là 270%, với mạng lưới 23 chi nhánh hoạt động tại TP.HCM, Cần Thơ, Bình Dương... Vietmoney cũng vừa hoàn tất nhận vốn đầu tư series A từ Quỹ đầu tư Probus Opportunities (Probus là cổ đông lớn của chuỗi cầm đồ Srisawad tại Thái Lan) và Digi Ventures (DV). Theo đó, Probus và DV sẽ đồng nắm giữ 30% cổ phần tại Vietmoney và cùng tham gia hội đồng quản trị”. Tương tự, chỉ mới ra mắt trong những ngày đầu năm nay, Công ty cổ phần Tập đoàn tài chính T99 tuyên bố có vốn điều lệ lên tới 1.300 tỉ đồng, kỳ vọng sẽ đạt 500 phòng giao dịch trên toàn quốc trong 3 năm tới và có thể niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam.
Do mô hình kinh doanh cầm đồ 100% khoản vay đều có tài sản đảm bảo nên tỷ lệ nợ xấu của hệ thống cầm đồ ở mức thấp, chẳng hạn F88 dưới 1%. Do đó, lãi suất cầm cố đồ mà các đơn vị này triển khai từ 1%/tháng, cộng thêm một số khoản phí khác như phí lưu kho tài sản, phí kiểm định...

Tiềm năng lớn nhưng nguy cơ lách luật cao

Theo số liệu thống kê của FiinGroup, có khoảng 48% dân số Việt Nam có thu nhập thấp (dưới 300 USD/tháng, tương đương dưới 7 triệu đồng/tháng) là khách hàng tiềm năng của các công ty cho vay tiêu dùng. Dù không có số liệu chính xác nhưng ước tính, chỉ riêng ở Hà Nội và TP.HCM cũng có khoảng trên 4.000 cửa hàng cầm đồ đã tồn tại lâu năm, chủ yếu kinh doanh theo hình thức hộ gia đình, công ty TNHH một thành viên nhỏ lẻ hay đi kèm với hoạt động kinh doanh vàng bạc, trang sức...
Ông Phùng Anh Tuấn nhận xét cầm đồ là một ngành có thị trường rất lớn. Ước tính thị trường tín dụng ngoài ngân hàng (Unbank/Underbank) có quy mô dư nợ vào khoảng 50 - 60 tỉ USD. Trong khi theo thống kê hiện nay chỉ khoảng 30% dân số Việt Nam có tài khoản ngân hàng, 70% còn lại chưa có cơ hội được tiếp cận các dịch vụ tài chính. Vì vậy, thị trường ngoài ngân hàng nói chung và ngành cầm đồ nói riêng rất tiềm năng. Dù vậy, ông Tuấn cảnh báo hiện nay với sự xuất hiện của các loại hình cho vay mới như cho vay online nên đã phát sinh nhiều biến tướng và các hành động cho vay lách luật, bắt tay giữa các cửa hàng cầm đồ và tín dụng đen làm méo mó thị trường. Do đó cần thiết phải có cơ chế quản lý rõ ràng để bảo vệ khách hàng và các mô hình kinh doanh chuyên nghiệp, minh bạch, có trách nhiệm với xã hội.
TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), nhận định dịch vụ cầm đồ cũng là một dòng sản phẩm trong hoạt động tài chính vi mô, tương tự hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng. Nhưng từ trước đến nay tại Việt Nam, dịch vụ này hoạt động chủ yếu nhỏ lẻ, manh mún trong khi nhu cầu khách hàng vẫn luôn cần đến, nhất là Việt Nam vẫn còn nhiều người dân chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn của ngân hàng để vay tiền. Vì vậy, việc các nhà đầu tư mới nhảy vào phát triển dịch vụ thành hệ thống chuyên nghiệp hơn sẽ là một lợi thế trên thị trường. Các dịch vụ này cũng góp phần thúc đẩy đưa vốn vào nền kinh tế bên cạnh hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, TS Lê Đạt Chí nhấn mạnh hiện tại khi dịch vụ cầm đồ ngày càng phát triển thì cần phải có quy định quản lý và xem nó như một mô hình tài chính tương tự như các công ty tài chính tiêu dùng. Nhà nước cần sớm xem xét để ban hành quy định chi tiết, có thể giao cho Ngân hàng Nhà nước quản lý giám sát để tránh các biến tướng, gây hệ lụy cho hệ thống tài chính tiền tệ và cả xã hội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.