Thị trường gọi xe công nghệ lại 'dậy sóng'

12/09/2018 17:11 GMT+7

Chưa hết màn chào sân ấn tượng của Go-Viet, thị trường gọi xe công nghệ tại TP.HCM tiếp tục "dậy sóng" chào đón tân binh thuần Việt Go-ixe.

"Luyện công" 2 năm tại các thị trường ngách
Hôm nay 12.9, Sở GTVT TP.HCM cùng Công ty TNHH Công nghệ Phần mềm Go-ixe tổ chức họp báo công bố triển khai kế hoạch thí điểm Go-ixe - ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng - tại địa bàn TP.HCM.
Ra mắt từ năm 2016, không "đánh" ngay vào thị trường các thành phố lớn như những "đàn anh" đi trước, ứng dụng gọi xe thuần Việt này đã có 2 năm triển khai tại 8 tỉnh ở 2 miền Nam - Bắc là: Bắc Giang, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Cần Thơ, An Giang, Bạc Liêu và Sóc Trăng.
Ông Nguyễn Trí Luận, Tổng giám đốc Go-ixe lý giải trong bối cảnh các doanh nghiệp nước ngoài với tiềm lực tài chính và công nghệ đổ bộ mạnh mẽ, chiếm lĩnh thị trường, Go-ixe cần có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng, chọn một chiến lược phù hợp để tham gia trận chiến. Vì thế, ban lãnh đạo công ty quyết định triển khai trước ở các thị trường ngách, những tỉnh, thành mà ở đó người dân chưa tiếp cận nhiều về loại hình dịch vụ mới mẻ này. Kết hợp quảng bá thương hiệu một dịch vụ sử dụng công nghệ thuần Việt, đánh vào lòng tự tôn dân tộc, Go-ixe đã nhanh chóng chiếm được cảm tình, sự ủng hộ của khách hàng, làm tiền đề vững chắc để hoàn thành các dự án tiếp theo tại các tỉnh, thành khác.
"Hai năm thử nghiệm tại những nơi mà các ông lớn chưa vươn tới vừa là cơ hội để Go-ixe phổ cập công nghệ tới người dân, định vị thương hiệu, vừa là thời gian để chúng tôi thí điểm, đánh giá, chỉn chu, hoàn chỉnh công nghệ đến mức tốt nhất. Quyết định lấn sân tới các thị trường lớn như TP.HCM và tiếp theo là Hà Nội, Go-ixe tự tin sản phẩm công nghệ của người Việt không thua kém sản phẩm nước ngoài, dù ứng dụng ra sau các đối thủ" - ông Luận khẳng định.
Giá rẻ hơn Grab, Go-Viet
Sau thời gian im ắng từ ngày Uber ra đi, cuộc chiến gọi xe công nghệ vừa bùng nổ khi đội quân áo đỏ Go-Viet (dưới sự hậu thuẫn của Go-Jek - ứng dụng gọi xe hàng đầu Indonesia) ồ ạt tiến vào như vũ bão, quyết tâm trở thành đối thủ hàng đầu của "anh cả" Grab. Trong bối cảnh đó, nhiều ý kiến lo ngại Go-ixe cũng như các ứng dụng Việt khác, sẽ khó lòng chống đỡ được trước tiềm lực kinh tế quá mạnh của các "ông lớn" ngoại quốc vì về cơ bản, đây vẫn là cuộc chiến của những doanh nghiệp trường vốn.
Tuy nhiên, ông Hàng Bá Trí, nhà sáng lập Go-ixe khẳng định ứng dụng của mình có "vũ khí" riêng, tự tin đủ sức cạnh tranh với các đối thủ lớn khác. Cụ thể, là phần mềm gọi xe tương tự như Uber và Grab, nhưng Go-ixe còn mở rộng dành cho các doanh nghiệp taxi, doanh nghiệp vận tải và cả người dùng cá nhân nhằm mục đích kết nối các nhóm đối tượng này lại với nhau.
Theo đó, các doanh nghiệp vận tải taxi truyền thống sẽ được liên kết thông qua 1 ứng dụng thông minh, không phải tự xây dựng ứng dụng riêng, giảm thiểu tối đa chi phí phát triển phần mềm riêng biệt, tăng khả năng cạnh tranh với các đơn vị công nghệ nước ngoài nhưng vẫn giữ được bản sắc thương hiệu. Như vậy người tiêu dùng cũng sẽ thuận lợi, đa dạng hơn trong lựa chọn. Chỉ với 1 ứng dụng, vừa có thể gọi xe máy (Go-Bike), vừa gọi được xe hơi (Go-Car) và đặt cả xe taxi (Go-Taxi).
Đặc biệt, Tổng giám đốc Nguyễn Trí Luận thông tin với Go-ixe, cước phí vận chuyển sẽ rẻ hơn các đơn vị đang triển khai hiện tại, đảm bảo thỏa mãn người dùng nhưng vẫn ổn định được cuộc sống cho tài xế.
Cũng theo ông Luận, Go-ixe đã chủ động liên kết với các đơn vị đồng hành như Viettel để hỗ trợ các tài xế trang bị máy điện thoại thông minh có kết nối internet với mức cước phí rẻ nhất, miễn phí nếu kết nối với khách hàng cùng mạng; kết hợp cùng các ngân hàng để có chính sách hỗ trợ tài xế vay vốn tín chấp tới 80% giá trị phương tiện; đồng thời kết nối với Công ty bảo hiểm Bảo Việt để tài trợ các gói bảo hiểm 24 giờ với chi phí hợp lý nhất, miễn phí gói bảo hiểm đối với tài xế Go-Bike...
Bên cạnh những quyền lợi đáng kể, tài xế của Go-ixe cũng phải đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định về phong cách phục vụ, trải qua quá trình đào tạo bài bản mới được ký hợp đồng. Điều này nhằm bảo đảm cung cấp dịch vụ có chất lượng tốt nhất đến người tiêu dùng.
"Với tất cả sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chính sách thu hút, chúng tôi tự tin có thể nhanh chóng chiếm được cảm tình của cả khách hàng lẫn đối tác, hướng tới tham vọng thay thế những những ứng dụng tương tự đang hoạt động tại Việt Nam, trở thành thương hiệu quốc gia" - ông Luận nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.