Theo ông Huỳnh Cảnh- Phó chủ tịch Hiệp hội thanh Bình Thuận, từ ngày 27.1 đến nay mỗi ngày lượng trái được thu hoạch chừng 3.000 tấn. Cộng cả trái trong hệ thống kho lạnh bảo quản và trên đường đang vận chuyển, ứ đọng tại các cửa khẩu thì Bình Thuận đang có khoảng 39.000 tấn đang chưa bán được. Ông Nguyễn Đức Trí- Phó giám đốc phụ trách Trung tâm phát triển cây thanh Bình Thuận ước tính, hiện nay lượng trái chín đang treo trên cây của cả tỉnh, cho đến cuối tháng 2, ước đạt khoảng 90.000 đến 100.000 tấn.
|
Đáng lo ngại là hiện phía Trung Quốc vẫn đóng cửa biên giới, không thu mua, chưa biết đến khi nào thì hết dịch. Vì thế, ông Nguyễn Đức Trí khuyến cáo bà con dừng sản xuất để chăm sóc và nuôi dưỡng cây cho mùa sau là tốt nhất. Như vậy vừa bớt chi phí đầu tư, vừa tránh rủi ro trong tiêu thụ.
Theo ông Biện Tấn Tài- Phó giám đốc Sở Công thương Bình Thuận, giải pháp dự trữ trái trong kho lạnh là không an toàn vì vừa tăng chi phí cho DN vừa rủi ro khi thiếu đầu ra. Cho nên phải tạm ngừng đánh trái ra trái vụ. Đối với lượng thanh long hiện nay, các DN và Hiệp hội thanh long kêu gọi tiêu thụ nội địa là giải pháp cấp bách nhất lúc này. Hiệp hội thanh long Bình Thuận kiến nghị nhà nước can thiệp để các trung tâm thương mại, siêu thị nội địa cả nước bán trái thanh long cho bà con.
Một số DN đề nghị đẩy mạnh việc tìm kiếm thị trường chính ngạch. Theo số liệu của Hiệp hội thanh long, hiện nay trái thanh long được xuất sang tới 15 thị trường, trong đó cả Châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên, tổng sản lượng chưa bằng 10% xuất vào Trung Quốc. Một phần do tiêu chuẩn hàng rào kỹ thuật các thị trường này rất nghiêm ngặt (phải chiếu xạ, hấp nhiệt); mặt khác chi phí rất cao nên các DN xuất đi với sản lượng rất thấp. Hiện nay số lượng DN tại Bình Thuận xuất đi châu Âu, Mỹ chỉ đếm trên đầu ngón tay..
|
Ông Biện Tấn Tài cho biết, Sở Công thương sẽ phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch cắt giảm sản xuất thanh long. Mặt khác, phải khuyến cáo bà con sản xuất theo tiêu chuẩn thanh long sạch đạt tiêu chuẩn VietGAP hay Global GAP, có xuất xứ hàng hóa để đạt tiêu chuẩn xuất đi các thị trường ngoài Trung Quốc.
“Phải thanh đổi phương thức sản xuất thanh long truyền thống, thay vào đó là sản xuất thanh long có xuất xứ hàng hóa, đạt tiêu chuẩn tiên tiến. Đây là vấn đề sống còn của người trồng thanh long”- ông Huỳnh Cảnh- Phó chủ tịch Hiệp thanh long cho biết. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kĩ thuật vào việc chế biến nước uống, sấy khô thanh long để xuất khẩu.
“Đây là những giải pháp căn cơ, không thể không làm đối với việc tiêu thụ thanh long của Bình Thuận lúc này”- ông Biện Tấn Tài nhận định.
Theo tính toán của ông Huỳnh Cảnh- Phó chủ tiệp Hiệp hội thanh long Bình Thuận, toàn bộ lượng thanh long đang tồn hiện nay (kể cả đã hái và chưa hái khoảng 139.000 tấn- PV) nếu không bán được thì thiệt hại sẽ lên tới khoảng 1.000 tỉ đồng. Đây sẽ là “cú sốc” nặng cho thanh long Bình Thuận nói riêng và cả nước nói chung trong đại dịch corona này.
|
Bình luận (0)