Thu thuế 100 đồng, nuôi bộ máy thu thuế bao nhiêu?

Thanh Xuân
Thanh Xuân
10/09/2018 16:33 GMT+7

Đó là câu hỏi được đặt ra tại Hội thảo góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung luật Quản lý thuế do Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức sáng 10.9.

"Luật cưa đôi" phổ biến
Ông Nguyễn Đình Tuệ thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM phát biểu, dự thảo sửa đổi, bổ sung luật Quản lý thuế lần này đã có nhiều điều khoản được sửa đổi theo hướng hoàn thiện nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách mạnh mẽ để tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế làm ăn và phát triển. Ở nước ngoài, có thể cho tư nhân tham gia vào việc thu thuế. Hiện nay các loại thuế được gom lại rồi sau đó phân bổ, nếu phân bổ không đúng có thể gây thất thoát. Luật Quản lý thuế cần xác định được sắc thuế nào để chi cho việc gì ? Cụ thể, minh bạch thì việc thu chi ngân sách có tính khoa học hơn, việc cân đối ngân sách cũng thuận lợi hơn và không mất nhiều công sức để tính toán sử dụng ngân sách.
Bộ máy cơ quan thuế theo ông Tuệ hiện khá cồng kềnh, kém hiệu quả nên luật Quản lý thuế cần có điều khoản khống chế tỷ lệ chi phí nuôi bộ máy. Thu 100 đồng thì phải chi ra mấy đồng nuôi bộ máy thu thuế?. Thực tế hiện nay đối tượng nộp thuế là hộ cá thể rất đông so với doanh nghiệp (DN), cần nhiều cán bộ chuyên quản nhưng kết quả chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số thuế thu được (chưa đến 2%). Hiện tượng tiêu cực “đi đêm” và “luật cưa đôi” rất phổ biến nhiều năm nay không khắc phục được.
Ông Tuệ đề nghị cho phép thành phần kinh tế cá thể, hộ kinh doanh cũng tự kê khai thuế và nộp thuế như các thành phần khác. Nếu còn một tỷ lệ nhỏ thất thoát thì coi đó là vốn còn nằm lại trong dân được tiếp tục đưa vào sản xuất kinh doanh, nuôi dưỡng nguồn thu và không dành cho tiêu cực. Như vậy mới tinh gọn được bộ máy và loại trừ những tiêu cực cố hữu nhiều năm nay.
Một số đại biểu cho rằng luật hiện nay thay đổi liên tục nên cần được xây dựng mang tính ổn định hơn, có tính định hướng chung và có thể áp dụng luôn chứ không chờ đợi đến sự hướng dẫn thực hiện từ nghị định, thông tư. Độ trễ trong ban hành các văn bản hướng dẫn đã gây khó khăn không những cho DN mà cả cơ quan chức năng trong việc thực hiện.
Doanh nghiệp có quyền đề nghị cơ quan thuế kiểm tra
Theo ông Tuệ, hiện nay DN tự khai - tự nộp thuế nên quan điểm về “chi phí hợp lý” không khớp với cách tính của cán bộ thuế, kết quả là luôn tồn tại sự chênh lệch và truy thu thuế. 
Nhiều DN làm ăn chân chính, hay chờ giải thể… muốn năn nỉ để được cơ quan thuế xuống kiểm tra quyết toán cũng không được. Cần có giải pháp là rút ngắn quy trình thủ tục quyết toán, đơn giản các chỉ tiêu cần kiểm soát và ứng dụng công nghệ tin học. Từ đó, cơ quan thuế có trách nhiệm kiểm tra quyết toán thuế DN hằng năm, không đưa DN vào thế bị động với rủi ro phá sản. Chẳng hạn, nếu qua 3 năm liên tiếp cơ quan thuế không thực hiện kiểm tra thì không truy thu DN, khoản thất thu sẽ do cán bộ được phân công chịu trách nhiệm.
Đồng tình với ý kiến này, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng: “Nếu 3 năm mà cơ quan thuế không kiểm tra và phát hiện thì coi như xong. Quy định hiện nay kiểm tra quyết toán thuế của DN trong vòng 10 năm nên có những DN bị phạt, truy thu thuế của nhiều năm trước, trong khi đó lợi nhuận của công ty đã chia cho các cổ đông”.
Một đại biểu khác kiến nghị luật cần bổ sung quyền lợi của người nộp thuế là được yêu cầu cơ quan thuế thực hiện kiểm tra, chứ không thể để kéo dài nhiều năm rồi cơ quan thuế mới vào kiểm tra và sau đó truy thu, phạt. Do thời gian kéo dài nên nhiều khi tiền nộp phạt còn cao hơn cả tiền thuế phải đóng.
Liên quan đến quy định ngân hàng có nghĩa vụ cung cấp thông tin khách hàng cho cơ quan thuế, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng quy định này quá rộng và mở. Theo quy định hiện nay, ngân hàng phải bảo mật thông tin của khách hàng, chỉ trong một số trường hợp mới được cung cấp thông tin như cơ quan công an điều tra yêu cầu cung cấp để phục phụ cho công tác điều tra. Trong dự thảo nếu nói cơ quan thuế chung chung thì có thể hiểu chi cục thuế cũng có thể yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin khách hàng.
Dự kiến luật Quản lý thuế sửa đổi, bổ sung sẽ được lấy ý kiến tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.