Thuế chồng thuế với đầu tư cổ phiếu

05/12/2020 06:26 GMT+7

Từ hôm nay 5.12, nhà đầu tư nhận cổ tức bằng cổ phiếu hay nhận thưởng bằng cổ phiếu sẽ phải nộp 5% thuế thu nhập cá nhân theo Nghị định 126 /2020 quy định chi tiết một số điều của luật Quản lý thuế.

Thuế “đè” nhà đầu tư

Trên thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư (NĐT) khi bán cổ phiếu (CP) hay chứng chỉ quỹ đều phải nộp thuế 0,1%. Nhưng từ hôm nay, ngoài số thuế 0,1% vừa nêu, NĐT phải đóng thêm thuế thu nhập cá nhân (TNCN) 5% khi bán số CP là cổ tức hoặc CP thưởng đã nhận được.
Bà Nguyên Hạ (ngụ Q.7, TP.HCM), là một NĐT, nhận được mail thông báo từ Công ty chứng khoán SSI ghi rõ, công ty sẽ tiến hành kê khai và nộp thuế TNCN đối với thu nhập từ đầu tư vốn thay cho NĐT. Trong đó, nếu giá bán CP lớn hơn mệnh giá (mệnh giá là 10.000 đồng/CP) thì giá tính thuế được áp dụng bằng mệnh giá. Trường hợp khi giá bán CP thấp hơn mệnh giá thì được tính thuế theo giá bán thực tế. SSI cũng lưu ý NĐT là bên cạnh thuế 5%, vẫn phải nộp thuế 0,1% khi bán CP như cũ.
Đây là “thuế chồng thuế” bởi các doanh nghiệp (DN) chỉ được trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế. Điều này đồng nghĩa DN đã đóng thuế cho nhà nước trên lợi nhuận làm ra. Sau đó cổ đông nếu nhận cổ tức bằng tiền đã phải đóng thuế 5% và DN khấu trừ tại nguồn.
“NĐT phải đóng thuế cao hơn nhận cổ tức bằng tiền vì vẫn phải đóng thuế 0,1% khi bán CP và thêm 5% nữa, khiến họ bị thiệt thòi. Đó là chưa kể nếu CP bị giảm giá thì còn thua lỗ nhiều hơn vì khi nhận cổ tức giá CP cũng đã bị điều chỉnh rồi. Thà không nhận cổ tức này còn hơn. Trong khi đó nếu mang tiền gửi tiết kiệm thì vẫn không chịu đồng thuế nào mà khỏe hơn”, bà Nguyên Hạ nói.
Bản chất của cổ tức dù bằng tiền hay bằng CP thì theo quy định hiện hành, trong ngày chốt quyền cổ đông, giá CP sẽ được điều chỉnh tương ứng. Hay hiểu đơn giản hơn thì đây là kiểu “chia cũng như không chia”. Ví dụ, giá 1 CP gốc trước ngày chốt quyền chia cổ tức là 100.000 đồng, nếu chia cổ tức bằng tiền mặt là 20% (tương đương 2.000 đồng) thì giá sau đó sẽ điều chỉnh còn 98.000 đồng, là 100.000 - 2.000 (đồng). Khi đó, 1 CP cũ giá 100.000 đồng sau khi chia còn giá 98.000 đồng và 2.000 đồng tiền cổ tức.
Trong trường hợp cổ tức được trả bằng CP hay công ty chia CP thưởng với tỷ lệ 20%, tương đương NĐT có 100 CP gốc sẽ nhận được 20 CP mới. Khi đó 100 CP gốc có giá trị 10 triệu đồng (là 100 x 100.000 đồng). Khi chốt quyền, giá CP sẽ được điều chỉnh còn 83.333 đồng (được tính là 100.000 đồng/ 1 + 20%)… Như vậy thực tế, dù số lượng CP của NĐT có tăng lên là 120 CP thì tổng giá trị vẫn chỉ bằng 100 CP gốc trước ngày chốt quyền.
Ông Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho rằng với quy định NĐT khi bán CP thưởng, CP bằng cổ tức phải đóng thuế cả 2 khoản này thì quá nặng. Cũng có thể nói một khoản thu nhập mà chịu 2 lần thuế TNCN với mức thuế suất khác nhau đối với NĐT chứng khoán. Điều này đã được phản ánh trước đây nhưng thực tế vẫn tồn tại nhiều năm nay.

Đi ngược chủ trương phát triển TTCK

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán Ngân hàng Đông Á, cho rằng khó khăn với công ty chứng khoán chỉ là nhỏ và sẽ được giải quyết. Bản thân công ty chứng khoán sẽ chọn cách đơn giản, dễ dàng là sẽ trừ ngay thuế khi NĐT bán CP trong tài khoản mà không cần phân biệt là CP họ tự mua hay CP được chia thêm. Nhưng quy định này là quá tận thu với NĐT.
Trong khi đó, theo các hiệp ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia thì hay có thông lệ “tránh đánh thuế 2 lần”, nhưng ở đây là quy định thuế chồng thuế. Vì DN đã nộp thuế thu nhập mới chia cổ tức hoặc thưởng CP cho NĐT thì đến lượt NĐT phải nộp thuế một lần nữa. Trong khi đó, Chính phủ vẫn luôn khuyến khích thu hút các NĐT trong và ngoài nước tham gia bỏ vốn vào thị trường chứng khoán. Nhưng quy định thuế tận thu này đã đi ngược xu hướng trên vì sẽ làm nản lòng NĐT.
Đồng quan điểm, Phó chủ tịch Hiệp hội Các NĐT tài chính Việt Nam (Vafi) Nguyễn Hoàng Hải cũng cho rằng thuế suất 5% đối với hoạt động đầu tư vốn chỉ nên áp dụng cho các DN chưa niêm yết.
Vấn đề mà ông Hải lo ngại là quy định đánh thuế cổ tức bằng CP, CP thưởng sẽ khiến các công ty gặp khó khăn khi huy động vốn trên thị trường chứng khoán. Bởi thông thường khi DN chia cổ tức bằng CP hay thưởng CP là muốn giữ lại lợi nhuận để phát triển. Thị trường chứng khoán của Việt Nam hiện có quy mô còn nhỏ, lãi suất ngân hàng cao nên các DN thường chọn chia cổ tức bằng CP, hay thưởng CP như kênh huy động vốn. Đặc biệt các ngân hàng thường chia cổ tức bằng CP để tăng vốn, tăng năng lực tài chính trong những năm gần đây sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
Khi chia cổ tức bằng CP, giá của CP giảm, pha loãng. NĐT chứng khoán đã chịu rủi ro, lỗ khi giá giảm. Với quy định này, các NĐT sẽ thích lấy tiền mặt hơn nên sẽ bác bỏ giải pháp chia bằng cổ tức...
Ông Nguyễn Hoàng Hải
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.