Thuế thu nhập cá nhân quá lỗi thời: Chỉ người nước ngoài được khấu trừ chi phí!

01/08/2019 07:35 GMT+7

Trong khi chi phí người VN nuôi con ăn học chỉ được giảm trừ 3,6 triệu đồng/tháng/người theo mức giảm trừ gia cảnh quy định tại luật Thuế thu nhập cá nhân thì người nước ngoài được khấu trừ chi phí này khi nộp thuế.

Phân biệt người trong nước và người nước ngoài?

Theo quy định hiện nay, người nước ngoài làm việc ở VN có con học tại VN từ bậc mầm non đến trung học phổ thông mà học phí do người sử dụng lao động trả hộ thì chi phí học hành này sẽ không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN).
Để tạo sự công bằng thì phải cho phép người lao động được trừ chi phí đi lại khi nghỉ phép, tiền học cho con là điều hợp lý, thể hiện sự tiến bộ trong phát triển xã hội, đồng thời sẽ kích cầu các ngành công nghiệp dịch vụ khác, từ đó cơ cấu lại kinh tế

Luật sư Nguyễn Duy Hùng

Trong khi đó, với người dân VN thì mọi chi phí giảm trừ gia cảnh đều gói gọn trong mức khoán cố định là 9 triệu đồng/tháng và nuôi con ăn học là 3,6 triệu đồng/tháng/người. Trong khi đó theo phản ánh của nhiều người, nuôi một đứa con bắt đầu tuổi đi học mầm non cho đến khi vào đại học tốn rất nhiều tiền, đặc biệt ở các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội. Mức giảm trừ 3,6 triệu đồng/tháng chỉ đủ đóng học phí ở các trường công lập, chưa kể các khóa học thêm, học ngoại ngữ khác. Trong khi đó, với người nước ngoài có con học ở trường quốc tế có học phí cao gấp 5 - 10 lần nhưng vẫn được khấu trừ trước khi nộp thuế TNCN là một nghịch lý.
Ông Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho hay, học phí cho con là một trong những khoản chi phí thiết yếu vì mỗi gia đình đều phải chi trả. Việc chấp nhận cho người lao động nước ngoài được trừ đi những khoản chi phí này nhằm thu hút chất xám nhưng cũng tạo phân biệt đối xử giữa người trong nước và người nước ngoài. Đáng chú ý, thông thường thu nhập của người nước ngoài làm việc tại VN đa số cao hơn nhiều so với thu nhập của người VN nhưng họ còn được trừ đi chi phí học cho con, trong khi người Việt lại không được khấu trừ là điều bất hợp lý. Theo ông Trần Xoa, cơ quan chức năng cần bổ sung thêm chi phí được khấu trừ là tiền học cho con trước khi xác định thu nhập chịu thuế, bên cạnh mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc 3,6 triệu đồng/tháng/người.

Không khoán trọn gói

Tương tự, luật Thuế TNCN cho phép người nước ngoài làm việc tại VN được trừ khoản tiền mua vé máy bay khứ hồi về phép mỗi năm một lần trước khi tính thuế, nhưng người lao động trong nước thì không được. Trong khi thực tế, lực lượng lao động trong nước di chuyển từ tỉnh thành này sang tỉnh thành khác, từ bắc vào nam là rất lớn. Mỗi dịp tết đến, lao động ở TP.HCM hay Hà Nội di chuyển về các địa phương nhiều đến mức quá tải tàu xe, máy bay. Khoản chi phí đi lại cũng chiếm một phần không nhỏ trong tổng thu nhập của họ. Nếu được trừ trước khi tính thuế, cũng đỡ phần nào cho họ. Việc người trong nước không được khấu trừ các khoản đầu tư giáo dục cho con, vé tàu xe, máy bay về quê 1 lần/năm và các khoản chi phí thiết yếu, theo luật sư Nguyễn Duy Hùng - Giám đốc điều hành Công ty luật IPIC, là bất bình đẳng.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc cho phép loại trừ các chi phí hợp lý phục vụ cho cuộc sống của người dân trước khi tính thuế sẽ kích cầu sử dụng dịch vụ. Từ đó nhà nước sẽ tăng nguồn thu ở các hoạt động kinh doanh sản xuất. Hơn nữa, việc thay đổi quy định cho người lao động được trừ các khoản chi phí trên cũng là hợp lý, phù hợp với chính sách an sinh xã hội. Nhất là trong khi chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, các chế độ phúc lợi xã hội trong nước chưa bằng các nước khác, nhưng VN tịnh tiến dần đến mức đó để đảm bảo được nhu cầu thiết yếu của cuộc sống.
“Thu nhập của người nước ngoài tại VN rất tốt, lại thêm ưu ái một số khoản thu nhập trước khi tính thuế, vậy có tạo ra sự bất công cho người lao động trong nước hay không? Trước đây, ít người nước ngoài vào VN nhưng hiện nay họ vào rất nhiều. Vì thế, chính sách ưu ái này đã lỗi thời, không còn phù hợp và tôi nghĩ rằng hiện nay không nên tiếp tục duy trì nữa. Hoặc để tạo sự công bằng thì phải cho phép người lao động được trừ chi phí đi lại khi nghỉ phép, tiền học cho con là điều hợp lý, thể hiện sự tiến bộ trong phát triển xã hội, đồng thời sẽ kích cầu các ngành công nghiệp dịch vụ khác, từ đó cơ cấu lại kinh tế”, luật sư Hùng chia sẻ thêm.
TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Thuế - Hải quan (Trường ĐH Marketing TP.HCM), cũng nhận định việc khoán trọn gói các chi phí thiết yếu trong cuộc sống, từ học hành đến khám chữa bệnh, các chi phí xăng xe, quần áo cần thiết để tạo ra thu nhập ở đây khiến người dân không đủ trang trải cho cuộc sống. Nếu VN chưa làm được cách tính thuế TNCN như các nước khác, là cho phép liệt kê khấu trừ các loại chi phí thiết yếu hợp lý, thì phải tính toán cập nhật theo thời giá để tăng mức giảm trừ lên phù hợp hơn. Điều đó giúp cho người nộp thuế không cảm thấy bị nhà nước tận thu, vắt kiệt sức lao động.

Thu nhập vãng lai “nói mãi vẫn chưa tăng”

Từ năm 2017, thu nhập vãng lai được Bộ Tài chính đề nghị tăng từ mức 2 triệu đồng lên 5 triệu đồng mới khấu trừ thuế suất 10% nhưng đến nay vẫn chưa được nâng lên khiến số lượng người chưa đến thu nhập chịu thuế vẫn phải đóng thuế.
Ngưỡng chịu thuế thấp không những khiến người chịu thuế bị thiệt mà bộ máy cơ quan thuế cũng sẽ quá tải, trong khi nguồn thu không được bao nhiêu.
Theo thống kê của Cục Thuế TP.HCM, trong năm 2015, số người nộp thuế ở bậc 1 (thu nhập tính thuế đến 5 triệu đồng/tháng nộp thuế suất 5%) chiếm 87%, trong khi số thuế chỉ chiếm 9% số thu; số người nộp thuế ở bậc 2 (thu nhập tính thuế hằng tháng từ 5 - 10 triệu đồng, mức thuế suất 10%) chiếm 8%, số thu chiếm 7%.
Tỷ lệ này đến nay hầu như không thay đổi quá nhiều.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.