Tìm cách quản lý 5,4 triệu tỉ đồng

28/05/2016 08:23 GMT+7

Tại hội thảo do Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) tổ chức ngày 27.5, phần lớn các đại biểu đều đồng ý thành lập cơ quan chuyên trách quản lý vốn nhà nước.

Thống kê của CIEM cho thấy số vốn của nhà nước tại các doanh nghiệp (DN) 100% vốn nhà nước vào khoảng 1,2 triệu tỉ đồng, với khối tài sản lên đến 3,1 triệu tỉ đồng (tương đương 147 tỉ USD). Nếu tính cả các DN mà nhà nước chiếm 50% vốn trở lên thì tổng tài sản đạt hơn 5,4 triệu tỉ đồng (khoảng 257 tỉ USD).
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, gọi đây là một núi vàng với tiềm năng tăng trưởng vô cùng lớn nhưng VN chưa khai thác có hiệu quả. “Chỉ cần chỉ số lợi nhuận/vốn chủ sở hữu tăng 1% thì nền kinh tế tăng trưởng mỗi năm 7% là chuyện trong tầm tay”, ông Cung nói. Chuyên gia này nhìn nhận đây là một đòn bẩy làm quốc gia thịnh vượng, song VN lại đang bị nghèo đi qua những ví dụ đầu tư tại Nhà máy gang thép Thái Nguyên (giai đoạn 2), xơ sợi Đình Vũ (Hải Phòng) hay phân đạm Ninh Bình... “Cho nên, đảo ngược xu thế này để cải thiện hiệu quả DN nhà nước (DNNN) nói chung thông qua xóa bỏ chức năng chủ sở hữu DNNN của các bộ và thành lập cơ quan chuyên trách là một mệnh lệnh không thể trì hoãn, đã rõ như ban ngày”, TS Cung nói.
TS Trần Tiến Cường, một chuyên gia cũ của CIEM, nhận xét đây là chủ trương đã có từ Đại hội Đảng lần 7 nhưng gần 2 thập niên qua “chúng ta cứ ngồi bàn” trong khi Trung Quốc, Singapore, Indonesia đều đã thành công với việc lập cơ quan tương tự. “Phải làm ngay để cải thiện quản trị công ty nhà nước chứ không bàn có làm hay không làm nữa”, ông Cường nói.
Trước đó, trình bày báo cáo đề dẫn, ông Phạm Đức Trung, Phó trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển DN của CIEM, cho biết trong quá trình tham vấn đề án, vẫn còn một số ý kiến lo ngại tình trạng dồn quá nhiều nguồn lực nhà nước vào một cơ quan có nên không? Hay việc thành lập cơ quan mới sẽ tăng biên chế trong bối cảnh tinh giản biên chế hiện nay có phù hợp? Hoặc có ý kiến cho rằng quá trình cổ phần hóa DNNN đang diễn ra với quy mô lớn dẫn tới lượng vốn ở DNNN sẽ giảm đi thì thành lập cơ quan này có hiệu quả?...
Tuy nhiên, đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), Tổng công ty kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) lẫn lãnh đạo các DN lớn đều khẳng định tinh thần phải làm, không thể chần chừ nữa.
Theo đề án, sẽ thiết lập cơ quan chuyên trách ngang bộ thực hiện quyền sở hữu DNNN. “Dù tên gọi là gì thì cũng phải trực thuộc cấp cao hơn (bộ - NV) chứ nếu chỉ là lôi từ bộ này sang bộ khác thì không ổn”, TS Cung nhìn nhận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.