Năm 2016, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trải qua một trận hạn hán nghiêm trọng nhất trong vòng 100 năm, khiến cho 160.000 ha lúa bị thiệt hại, 500.000 ha không xuống giống đúng thời vụ và khoảng 575.000 người bị thiếu nước . Năm nay, theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, “...mưa khu vực đầu nguồn dứt sớm nên trên lưu vực sông Mê Kông năm 2019 - 2020 ít nước. Lưu lượng về Đồng bằng sông Cửu Long bị thiếu hụt nghiêm trọng so với trung bình nhiều năm, thậm chí thấp hơn cả năm 2015 - 2016.” Vì thế, “khả năng xảy ra hạn mặn lịch sử là rất lớn.”
Trữ nước trong ao mương
Người dân ĐBSCL trong những vùng bị nước mặn xâm nhập vào mùa khô đã biết trữ nước ngọt trong các ao mương để sử dụng trong thời gian này. Hầu như nhà nào cũng đào một cái ao ở phía sau để nuôi cá và trữ nước ngọt để dùng trong mùa khô. Lượng nước rất hạn chế nhưng thường cũng đủ để tắm rửa. Còn nước để ăn uống thì được trữ trong các lu bằng đất nung.
Những nơi làm vườn, cây được trồng trên các liếp được đắp bằng đất đào từ các mương nước. Các mương này thường ăn thông với nhau và nối với một rạch qua một ống cống bằng cây dừa khoét ruột, gọi là bộng. Bộng có thể được đóng - bằng cách dùng một nùi rơm nhét vào, gọi là nhét bộng - và mở - tháo nùi rơm được nhét trước đây, gọi là tháo bộng - để kiểm soát mực nước trong mương.
Số nước trong mương nhiều hơn nước trong ao, nhưng cũng không nhiều, đủ để tưới cây hay tắm rửa chứ không dùng để ăn uống.
Trữ nước trong kinh rạch
Theo Viện Khoa học Tài nguyên Nước, một trong các giải pháp khả thi cấp nước nội vùng có tác dụng tích cực nhất là trữ nước trên hệ thống kinh rạch. Trữ nước trong kinh rạch có trữ lượng lớn, có thể lên đến hàng chục triệu mét khối, nhưng có thể bị
ô nhiễm vì nước thải, nhiễm mặn, khô cạn và cản trở việc giao thông thủy. Thí dụ như hồ trữ nước ngọt Ba Tri ở Bến Tre, có dung tích 800.000 m
3 được xây dựng trên kinh Lấp và đưa vào sử dụng từ tháng 8.2019, đã bị nhiễm mặn trong mùa khô năm nay. Độ mặn trong hồ lên đến 1,38 phần ngàn, nên nước chỉ có thể dùng để rửa ráy chứ không thể nấu nướng hay tưới cây.
Nước được trữ trong kinh rạch cũng có thể khô cạn trong mùa khô. Thí dụ như hệ thống sông kinh rạch trong các vùng ven biển như Gò Công Tây, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau đã khô cạn từ hơn tháng nay, gây thiệt hại nặng nề cho ngành nông nghiệp và khiến hàng ngàn hộ dân điêu đứng vì thiếu nước ngọt sinh hoạt. Hiện đã có 12 trong số 13 tỉnh thành đang chịu ảnh hưởng của hạn mặn với cường độ ngày càng tăng, và 5 tỉnh phải ban bố tình trạng hạn mặn khẩn cấp để đối phó.
Trữ nước trong các vùng trũng
ĐBSCL có những vùng trũng thuận lợi cho việc trữ nước mưa hay nước lũ để sử dụng trong mùa khô. Đây không phải là một
ý tưởng mới mẽ vì nó đã được đề nghị từ hơn một thập niên trước qua kinh nghiệm của việc bảo tồn nước trong vùng Everglades ở miền nam Florida.
Như một phần của Dự án Trung tâm và Nam Florida năm 1948, 3 khu bảo tồn nước (water conservation areas - WCAs) được thành lập ở phía bắc của Công viên Quốc gia Everglades trong các quận Palm Beach, Broward, và Dade. Các khu bảo tồn nước, tên là WCA-1, WCA-2 và WCA-3, có diện tích tổng cộng khoảng 3.640 km2 đầm lầy mà phần lớn là Everglades (sông cỏ) nguyên thủy. Các WCAs có nhiệm vụ trữ nước để ngừa lụt, dẫn tưới nông nghiệp và bổ sung nước cho các giếng nước uống. Nước mưa là nguồn nước chính của các WCAs.
Các khu bảo tồn nước này có các đặc điểm khác với những hồ chứa nước thông thường. Thứ nhất, chúng nằm trên mặt đất tự nhiên. Thứ hai, chỉ có đê giữ nước ở 3 phía, phía còn lại để trống cho nước có thể chảy vào khu bảo tồn. Thứ ba, chiều sâu của nước trong khu bảo tồn nước rất cạn, thay đổi từ 0,3 đến 0,8 m [8]. Với chiều sâu này, trữ lượng của các WCAs được ước tính khoảng 1,8 tỉ m3.
Vì thế, nước có thể được trữ trong những vùng trũng của ĐBSCL – như Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên - mà không làm xáo trộn nhiều đến hệ sinh thái, nếu dựa theo kinh nghiệm của các khu bảo tồn nước ở Florida. Với diện tích khoảng 6.970 km2 của Đồng Tháp Mười và 4.890 km2 của Tứ giác Long Xuyên, những khu bảo tồn nước tương tự như các WCAs ở Florida có thể được thực hiện để trữ hàng tỉ m3 nước lũ hay nước mưa trong mùa mưa. Nhưng hiện nay, hầu hết đất tự nhiên ở Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên đã được khai khẩn, chỉ còn một số ít như Vườn Quốc gia Tràm Chim và Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen ở Đồng Tháp Mười và Rừng tràm Trà Sư, Rừng Tà Đảnh và Rừng Tỉnh Đội, Cầu Sóc Triết ở Tứ giác Long Xuyên. Nếu các vùng đất tự nhiên này được dùng để trữ nước, trữ lượng có thể được vài trăm triệu m3. Nếu muốn có trữ lượng lớn hơn thì phải sử dụng đến những vùng đất đã được khai khẩn, nhưng phải nghiên cứu lợi hại trước khi thực hiện.
Nên chọn giải pháp nào?
Những năm gần đây, ĐBSCL đã trải qua nhiều đợt hạn hán nghiêm trọng gây thiệt hại cho mùa màng và làm cho hàng trăm ngàn người dân
thiếu nước sinh hoạt. Để giải quyết tình trạng thiếu nước trong mùa khô, Cục Biến đổi Khí hậu và Viện Khoa học tài nguyên Nước đã đề nghị một dự án nghiên cứu tổng thể về các giải pháp trữ nước ở vùng này, nhấn mạnh đến việc trữ nước trong kinh rạch và các vùng trũng ở Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười.
Từ lâu, người dân ĐBSCL, nhất là ở những vùng bị nước mặn xâm nhập, đã biết trữ nước mưa để dùng trong mùa khô. Nước trữ trong lu dùng để ăn uống, nước trữ trong ao sau nhà dùng để tắm rửa, và nước trữ trong mương dùng để tắm rửa và tưới cây cối trồng trên liếp.
Trữ nước trong kinh rạch có trữ lượng lớn hơn, có thể lên đến hàng chục triệu m3, nhưng có thể bị ô nhiễm vì nước thải, nhiễm mặn, khô cạn và cản trở việc giao thông thủy. Do đó, giải pháp này có vẻ không thích hợp.
Việc trữ nước trong các vùng trũng ở Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười có thể thực hiện được, dựa theo kinh nghiệm của các khu bảo tồn nước ở Everglades, Florida, nơi có địa hình, cây cối và khí hậu tương tự như Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười. Trữ lượng của 2 vùng này có thể lên đến hàng tỉ m3. Nhưng hiện nay, hầu hết đất tự nhiên đã được khai khẩn, chỉ còn một số ít như Tràm Chim, Láng Sen, Trà Sư, Tà Đảnh. Nếu các vùng đất tự nhiên này được dùng để trữ nước, trữ lượng có thể được vài trăm triệu m3.
Sơ lược về tác giả
Tác giả nguyên là kỹ sư công chánh chuyên nghiệp (Professional Civil Engineer) của tiểu bang Florida và California. Tốt nghiệp Kỹ sư Công chánh tại Trường Cao đẳng Công chánh, Trung tâm Quốc gia Kỹ Thuật Phú Thọ, Sài Gòn năm 1972. Tốt nghiệp Kỹ sư Công chánh (1983) và Cao học Thủy lợi (1985) tại Đại học Nebraska, Hoa Kỳ. Chuyên viên Thủy học (Hydrologist) của Sở Quản trị Thủy lợi, Broward County, Florida đến năm 1989. Từ năm 1990 đến 2015, Kỹ sư Giám sát Trưởng (Senior Supervising Engineer) của Stetson Engineers Inc., một công ty cố vấn về thủy lợi và ô nhiễm nguồn nước, thành lập năm 1957 ở Los Angeles. Về hưu từ năm 2016.
|
Bình luận (0)