TP.HCM sắp có 'siêu' phố đi bộ

01/10/2020 06:33 GMT+7

Sở GTVT TP.HCM đang lấy ý kiến các sở, ngành góp ý cho đề án tổ chức các tuyến phố đi bộ khu vực trung tâm TP.

Khu vực được nghiên cứu bao gồm đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Quách Thị Trang, Tôn Đức Thắng và khu vực xung quanh nhà thờ Đức Bà.
Đề án do Trung tâm quản lý hạ tầng giao thông đường bộ TP (TTQLHTGT) làm chủ đầu tư. Mục tiêu chính là nghiên cứu để tiến hành đi bộ hóa một số tuyến đường khu trung tâm trong giai đoạn 2021 - 2025 theo đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2.000 (quy hoạch phân khu) khu trung tâm hiện hữu (930 ha).

Phố đi bộ Nguyễn Huệnhững ngày vắng hoe vì Covid-19

Ba phương án phố đi bộ

Lý giải nguyên nhân chọn khu vực trung tâm Q.1 để quy hoạch xây dựng phố đi bộ, TTQLHTGT cho biết: Thứ nhất, mạng lưới giao thông tại khu vực này có hình vuông đặc trưng (grid-system), các mô hình kinh doanh chủ yếu là hỗn hợp bán lẻ, cửa hàng, quán cà phê, nhà hàng, chợ truyền thống và hiện đại. Khu vực này có diện tích xấp xỉ 300 ha với mạng lưới đường trục và đường phụ phức tạp.
Với tình trạng giao thông hiện hữu của TP.HCM, cần cân nhắc thật kỹ phạm vi hình thành phố đi bộ với diện tích lớn
KTS Ngô Viết Nam Sơn
Thứ hai, nhu cầu đi bộ tại khu vực này khá cao. Cụ thể, theo Quy hoạch phát triển GTVT TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, TP sẽ có 8 tuyến tàu điện (metro) và 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray với tổng chiều dài khoảng 160 km. Các tuyến này đi xuyên tâm và vành khuyên để kết nối các trung tâm của TP. Đến năm 2025, khi các tuyến metro số 1 và 2, tuyến xe điện mặt đất số 1 đi vào hoạt động thì khu vực nhà ga chợ Bến Thành sẽ là điểm đầu mối giao thông công cộng, dự báo có khoảng 800.000 đến 1,2 triệu khách bộ hành đi và đến nhà ga này. Ngoài ra, ga Nhà hát TP và ga Hàm Nghi cũng là các điểm phát sinh thu hút chuyến đi bộ khá lớn.
Bên cạnh đó, khu vực trung tâm TP là nơi tập trung xuất phát đa số các tuyến xe buýt. Trong khu vực nghiên cứu có 50 tuyến buýt, hai bến chính là chợ Bến Thành và công viên 23.9, mật độ các trạm dừng dày đặc.
Qua khảo sát, TTQLHTGT đề xuất 3 phương án: Phương án 1 - Phố đi bộ vào ngày cuối tuần cho Q.1 với một mạng lưới bao gồm phần lớn khu vực nghiên cứu nhưng chỉ cấm các phương tiện lưu thông trên một số tuyến đường. Phương án 2 - Phố đi bộ ưu tiên cho đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Hàm Nghi, Thái Văn Lung và Thi Sách - Mạng lưới đường phố ưu tiên cho người đi bộ nhưng vẫn cho phép một số phương tiện cơ giới đi lại vào các ngày trong tuần, cấm phương tiện cơ giới lưu thông trên đường Nguyễn Huệ và Đồng Khởi vào các ngày cuối tuần. Phương án 3 - Phố đi bộ 24/7 ở đường Nguyễn Huệ và Đồng Khởi và các đường liên kết là những con đường dành riêng cho người đi bộ. Cùng với mỗi phương án sẽ xây dựng bố trí giao thông, bố trí các tuyến xe buýt và cải thiện cơ sở hạ tầng tương ứng.
Kết quả so sánh ba phương án về độ an toàn và bảo mật, sự hấp dẫn, nhu cầu, kết nối, ủng hộ của cộng đồng thì phương án 2 có tổng điểm cao nhất.

Quán bar ở Phố Tây Bùi Viện những ngày Covid-19

Thiếu quy hoạch và mô hình hoạt động

Đây không phải lần đầu tiên TP.HCM nghiên cứu hình thành một “siêu” phố đi bộ tại khu vực trung tâm. Đề án này đã được Sở GTVT xây dựng kế hoạch từ đầu năm 2017 với không gian đi bộ trên 8 tuyến đường: Đồng Khởi, Huỳnh Thúc Kháng, Tôn Đức Thắng, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Phạm Ngọc Thạch, Võ Văn Tần và Trần Cao Vân. Tiếp đó, cuối năm 2018, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP cũng đề xuất xây dựng trục đường Lê Lợi tiếp nối trục đi bộ Nguyễn Huệ, chuyển thành các phố thương mại, mua sắm, kết hợp với vòng xoay trước chợ Bến Thành để hình thành quảng trường đi bộ. Tuy nhiên, cả 2 đề xuất này đều không nhận được sự ủng hộ của nhiều chuyên gia quy hoạch do lo ngại không khả thi về tổ chức giao thông.
Sắp tới, ngoài các phố đi bộ hiện hữu như Nguyễn Huệ, Bùi Viện (ảnh), TP.HCM sẽ có thêm nhiều tuyến phố đi bộ khác ẢNH: KHẢ HÒA

Sắp tới, ngoài các phố đi bộ hiện hữu như Nguyễn Huệ, Bùi Viện (ảnh), TP.HCM sẽ có thêm nhiều tuyến phố đi bộ khác

ẢNH: KHẢ HÒA

Với đề án lần này, KTS Ngô Viết Nam Sơn nhận xét, hướng tiếp cận tốt, có nghiên cứu khoa học hiện trạng, điều tra xã hội. Tuy nhiên, hiện đề án mới chỉ đang dừng ở mức thu thập hiện trạng, chưa có tổng hợp và đưa được phương án chi tiết.
Cụ thể, theo kinh nghiệm quốc tế về quy hoạch phố đi bộ, phần hợp tác công - tư là quan trọng nhất. Muốn xây dựng phố đi bộ, bên cạnh vấn đề giao thông kết nối, đầu tiên phải xác định phương án tài chính và mô hình quản lý. Đây cũng là điểm yếu của 3 tuyến đường đi bộ hiện hữu của TP là đường Nguyễn Huệ, Bùi Viện và Đường sách. Đường Nguyễn Huệ chủ yếu sử dụng ngân sách nhà nước, hoạt động chưa hiệu quả; doanh thu từ đường Bùi Viện chủ yếu “vào túi” các hộ kinh doanh nhưng chưa đóng góp trở lại tái đầu tư bài bản khiến tuyến phố hơi lôm côm. Doanh thu từ Đường sách cũng chưa thật sự hiệu quả. Do đó, khi quy hoạch bất cứ một tuyến đường, phố đi bộ nào, quan trọng nhất là phải đề xuất giải pháp tài chính, mô hình quản lý cụ thể, ngân sách đóng bao nhiêu, xã hội hóa bao nhiêu, thu chi, tái đầu tư thế nào…
Thứ hai, đề án đặt nặng hiện trạng giao thông nhưng lại thiếu hẳn phần quy hoạch, tổ chức không gian sử dụng đất, không gian chức năng... vốn là đặc thù của phố đi bộ. Bên cạnh đó, hiện TP có 4 khu đường đi bộ quan trọng nhất đã hình thành là đường Nguyễn Huệ, Bùi Viện, Đường sách và khu Phú Mỹ Hưng. Cả 4 tuyến đường đều có những điểm đã làm tốt nhưng còn rất nhiều hạn chế, cần khắc phục mà đơn vị tư vấn đã “bỏ quên” nghiên cứu tổng hợp để rút kinh nghiệm, từ đó đề xuất kế hoạch cụ thể.

Giao thông sẽ xáo trộn mạnh

Hình thành nhiều khu vực đi bộ, tăng không gian xanh, thúc đẩy giao thông công cộng là điều bất cứ người dân nào đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM cũng đều mong muốn. Tuy nhiên, vấn đề tổ chức giao thông thế nào thực sự là bài toán khó. Thực tế cho thấy, từ khi đường Nguyễn Huệ trở thành phố đi bộ, lượng phương tiện đổ dồn ra đường Tôn Đức Thắng, Lê Thánh Tôn tăng lên đáng kể.
Với phương án tổ chức phố đi bộ thứ 2 đang được đánh giá cao nhất, KTS Ngô Viết Nam Sơn lưu ý cần xem lại việc kết nối đường Lê Lợi và Hàm Nghi vì chưa có phương án giao thông hợp lý để hỗ trợ cho người dân kết nối tới 2 tuyến đường này.
Đặc biệt, nếu để đường Lê Lợi tiếp nối trục đường Nguyễn Huệ thành không gian đi bộ kéo dài sẽ cắt khu vực trung tâm TP làm đôi, các loại xe sẽ phải đi vòng. Mặt khác, đường Pasteur sẽ bị đứt khúc, trong khi đây là một trong những tuyến đường xương sống quan trọng, nếu ngắt ra thì giao thông TP sẽ bị xáo trộn rất nhiều.
Phương án 2 phố đi bộ tại khu trung tâm TP.HCM ĐỒ HỌA: ĐÔNG XUÂN

Phương án 2 phố đi bộ tại khu trung tâm TP.HCM

ĐỒ HỌA: ĐÔNG XUÂN

“Với tình trạng giao thông hiện hữu của TP.HCM, cần cân nhắc thật kỹ phạm vi hình thành phố đi bộ với diện tích lớn. Nên chia thành từng giai đoạn thí điểm. Đơn cử, đầu tiên là cải tạo đường Nguyễn Huệ, liên kết với đường Đồng Khởi, có thể nối tới Đường sách, kéo từ phía nhà thờ Đức Bà ra tới bến Bạch Đằng. Giao thông xung quanh có đường Pasteur, đường Hai Bà Trưng, phía đầu trên có đường Tôn Đức Thắng, Lê Thánh Tôn; các loại phương tiện, đặc biệt là xe cứu hỏa, cứu thương dễ dàng tiếp cận nếu xảy ra sự cố. Tiếp đến sẽ tính tới cụm thứ 2 là phố đi bộ Bùi Viện nối ra đến công viên 23.9. Khu vực này có đường Nguyễn Thái Học, Trần Hưng Đạo, Lê Lai, Nguyễn Trãi… kết nối. Bán kính đi bộ ở cả 2 cụm này là vừa phải, không quá dài”, KTS Nam Sơn đề xuất.
Theo KTS Phạm Phú Cường, tăng không gian đi bộ trong khu trung tâm là giải pháp nhằm hạn chế lượng xe cá nhân lưu thông vào nội đô. Tuy nhiên, nếu “khóa” toàn bộ khu trung tâm, chỉ để cho người dân đi bộ thì lượng phương tiện sẽ đổ dồn ra phía ngoài, lại phải giải quyết bài toán giao thông vành đai.
Chưa kể, điểm yếu lớn nhất của TP.HCM hiện nay là chưa tổ chức được mạng lưới giao thông ngầm, khiến việc thiết kế không gian đi bộ gặp nhiều rào cản. Mấu chốt vấn đề vẫn là giao thông ngầm. Chỉ khi các tuyến metro hình thành, hệ thống xe buýt phát triển thì mới có thể tính nhiều phương án thiết kế phố đi bộ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.