Đã chuẩn bị sẵn tinh thần
Trở lại phố đi bộ Bùi Viện (Q.1) vào buổi sáng đầu tiên sau khi UBND TP.HCM có văn bản khẩn yêu cầu tạm thời đóng cửa các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu như quán bar, vũ trường và hạn chế tụ tập đông người để phòng, chống dịch Covid-19, không khí chùng xuống vắng lặng. Để tụ điểm vui chơi về đêm của du khách cũng như giới trẻ Sài thành này sẵn sàng nhộn nhịp, tưng bừng khi TP bắt đầu lên đèn, thì từ sáng, hàng trăm hộ kinh doanh ở đây đã liên tục tất bật mua bán hàng hóa, rục rịch chuẩn bị mở hàng, đón khách từ khoảng 3 - 4 giờ chiều.
Thế nhưng giờ đây, loạt hàng quán đôi bên cửa khóa im lìm, chẳng còn bóng người ra vào. Vừa mở khóa vào soạn lại nốt đồ đạc còn để ngổn ngang từ đêm qua, chị Thanh Hà, chủ một quán nhậu tương đối lớn ngay đoạn Bùi Viện giao Đề Thám, không giấu nổi vẻ chán nản: “Lại đóng cửa, lại giãn cách! Đêm qua chán quá chỉ lo dọn ghế vào rồi khóa cửa bỏ đó, về luôn, nay mới qua dọn dẹp lại đây”.
Trao đổi với Thanh Niên, một cán bộ UBND TP.HCM chia sẻ TP rất hiểu và thông cảm với những khó khăn mà các doanh nghiệp, đặc biệt là hàng triệu hộ kinh doanh nhỏ lẻ trên địa bàn TP. Theo vị này, hiện nay TP vẫn đang cố gắng hết sức, tập trung kiểm soát để dịch bệnh không lây lan và bùng phát, không dẫn đến việc phải áp dụng những biện pháp giãn cách triệt để như đợt 1. Nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, các dịch vụ kinh doanh đang bị cấm sẽ nhanh chóng được hoạt động trở lại, hàng quán, dịch vụ khác vẫn có thể tiếp tục kinh doanh theo đúng quy định giãn cách để giảm tối đa ảnh hưởng đến đời sống, sinh kế của người dân.
|
“Khoảng hơn 1 tháng nay khách bắt đầu nhiều hơn, chủ yếu là dân ngoài bắc vào đây du lịch. Cuối tuần thì lũ nhỏ (các bạn trẻ - PV) cũng ghé thường xuyên nên tình hình cũng tạm ổn. Chỉ có điều gọi mãi chả còn nhân viên nào chịu lên làm lại, lèo tèo có vài ba đứa phục vụ nhưng nhìn chung cũng được. Đùng một cái, ngoài Đà Nẵng xôn xao dịch bệnh. Từ hôm nghe tin bệnh nhân người Đà Nẵng có ghé TP.HCM là gia đình tôi đã bảo nhau “xong rồi, sắp đến lượt nữa rồi” và lên sẵn kế hoạch sang quán. Khổ nỗi tầm này cũng chẳng ai mua lại, đành tính đường trả mặt bằng thôi chứ biết sao giờ. Chờ cho qua hẳn dịch rồi tính tiếp vậy”, chị Hà thở dài.
Gần đó, chú Tuấn trông xe trên đường Bùi Viện vừa nhấp ngụm cà phê vừa cười hiền, cám cảnh: “Hôm qua thấy hàng quán đua nhau dọn dẹp, thấy mà thương. Khách hàng cũng có người nọ người kia nhưng đa số cũng đều thông cảm cho chủ quán. Lần này chắc mọi người cũng chuẩn bị sẵn tinh thần trước và hiểu được hết mức độ nguy hiểm của bệnh nên ai cũng nhanh chóng cất đồ đạc cho gọn gàng trước giờ quy định. Vừa mở cửa chưa được bao lâu lại phải đóng, nghĩ mà chán. Nhưng biết sao được, nhanh kiểm soát còn có cơ hội mà làm lại sớm chứ để dịch bùng lên lại, giãn cách xã hội tuyệt đối như đợt trước còn khổ nữa”.
|
Loạt mặt bằng cho thuê còn chưa kịp có chủ mới
Dạo một vòng quanh TP.HCM từ sáng cho tới chiều, dù đúng giờ tan tầm, đường sá hôm nay thông thoáng hơn hẳn so với mọi khi. Những tuyến đường hằng ngày luôn là nỗi ám ảnh của người dân như Nơ Trang Long (Q.Bình Thạnh), Võ Thị Sáu (Q.3)... hôm nay xe cộ chạy bon bon, không còn cảnh chen chân ùn ứ. Rõ ràng, dù dịch bệnh chưa lan rộng và mức độ chưa nghiêm trọng như những tháng đầu năm nhưng người dân TP.HCM đã rất nâng cao cảnh giác, bắt đầu hạn chế ra đường, tiếp xúc đông người nơi công cộng. Sài Gòn hôm qua lại là một ngày không nắng. Trời nhiều mây, âm u khiến bầu không khí càng trở nên ảm đạm. Chạy dọc đường Nguyễn Thái Học (Q.1), nhiều hàng quán, dịch vụ ăn uống đã rục rịch đóng cửa. Một vài tiệm bánh mì, quán trà sữa, quán nước ép sạch… dù không nằm trong diện “cấm” nhưng cũng đã cửa đóng then cài.
Đáng buồn hơn, trên khắp các tuyến đường, hàng ngàn mặt bằng lớn/nhỏ từ trong hẻm ra tới ngoài phố để biển cho thuê vẫn đóng cửa im lìm. Dọc đường Hai Bà Trưng, Đinh Tiên Hoàng (Q.1), rất nhiều shop quần áo, tiệm cà phê, thậm chí cả những thương hiệu trà sữa nổi tiếng cũng đã đề bảng cho thuê mặt bằng. Ngay trên đường Cách Mạng Tháng Tám đoạn gần vòng xoay ngã sáu Phù Đổng, liên tiếp 4 - 5 mặt bằng liền kề đề chi chít bảng cho thuê nhà nguyên căn kèm số điện thoại liên hệ. Trong đó, có một căn khá lớn, mặt tiền rộng khoảng hơn 8 m, trước đây là phòng khám răng nhưng từ sau đợt giãn cách xã hội đã đóng cửa cho thuê lại mặt bằng nhưng đến giờ vẫn chưa có chủ mới. Chạy thẳng tuyến đường này theo hướng về công viên Lê Thị Riêng, cứ cách một đoạn ngắn lại xuất hiện 2 - 3 mặt bằng dán bảng cho thuê.
Chị T.N, chủ một tiệm trang sức bạc trên đường Cách Mạng Tháng Tám, cho biết đợt giãn cách xã hội lần 1, tiệm trang sức của chị chuyển hẳn sang bán hàng online và bất ngờ là doanh thu khá tốt, xoay xở vẫn đủ “nuôi” mặt bằng hơn 30 triệu đồng/tháng. Sau khi hết giãn cách, lượng khách hàng ghé tiệm cũng đông nên chị đã quyết định thuê luôn mặt bằng nhỏ liền kề với giá cũng tương đương mặt bằng hiện hữu để mở rộng kinh doanh.
“Chỗ đó trước đây bán trà sữa, từ đợt nghỉ dịch là nghỉ luôn đến giờ nên tôi thuê lại, tính mở rộng thêm bán mấy đồ quần áo, túi xách từ nước ngoài có con em săn đồ giảm giá gửi về. Vừa mới ký hợp đồng thuê lại hồi đầu tháng 5, còn đang cho sửa sang, thiết kế, chưa xong thì dịch lại bùng phát. Giờ mà giãn cách xã hội thêm đợt nữa thì làm ăn thế nào đây”, chị N. lắc đầu ngao ngán.
Bình luận (0)