Tự tạo cơ hội: Đưa cây cam sành lên Tây nguyên

31/08/2016 06:32 GMT+7

Ông Nguyễn Hạnh là một trong những người đầu tiên đưa giống cam sành ở miền Tây Nam bộ lên Tây nguyên trồng, kiếm hàng trăm triệu mỗi năm.

Ông Nguyễn Hạnh (49 tuổi, ở xã Ngọc Wang, H.Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) từng đưa cây chanh dây về trồng. Thế nhưng những năm 2008 về trước, giá cây này rất bèo bọt. Có lần đang hì hục ngoài vườn, ông Hạnh được vợ mua cam sành cho ăn. Hỏi cam này ở đâu trồng, vợ bảo là cam ở miền Tây. Từ đó, ông Hạnh xuất hiện ý nghĩ: Sao mình không trồng cam? Thế là năm 2009, ông Hạnh bán non tấn cà phê rồi rủ người bạn đi xuống miền Tây. Nơi đầu tiên vừa xuống xe đò là Viện Cây ăn quả miền Nam (Tiền Giang) và được giới thiệu về các vườn cây ăn trái ở H.Châu Thành (Tiền Giang). Các chủ vườn ở đây tốt bụng nên trao đổi hết kỹ thuật chăm bón cây cam sành cho ông. "Ở địa phương mình có trồng cam ăn chơi, nhưng hầu hết là chua lè. Tui hỏi điều này, bà con vườn cam ở Châu Thành cũng nhiệt tình hỗ trợ kỹ thuật làm sao cho khỏi chua. Thế là anh em tui về trồng cam sành", ông Hạnh kể.
Về nhà, ông Hạnh làm đất xong là lặn lội đi miền Tây chuyến thứ hai, dịp đó là 30.4.2009. Lần này trở về ông “rinh” 2.000 cây cam và 200 cây quýt đường giống. Với ngần ấy cây, ông trồng hết 2 ha trong vườn, với giá thời điểm đó là từ 50.000 - 70.000 đồng/cây. "Nói thiệt cũng sợ, nhưng nếu thất bại là lấy dao chặt hết cho đỡ phiền", ông Hạnh tâm sự. Có điều rất mừng là, cây cam trồng xuống phát triển nhanh, đến tháng thứ 7 thì cho lứa đầu tiên, da cam mọng, xanh. Bước qua giữa năm 2010, cam lại ra trái, mỗi cây cho từ 4 - 5 trái và đạt 3,5 tấn trái, ăn không chua mà ngọt thanh, chẳng khác cam sành miền Tây. Lúc đó giá cam 30.000 đồng/kg, ông Hạnh thu về nhiều hơn mức mong đợi nên khẳng định: Cây cam sành trồng được trên đất Tây nguyên này.
Chính vì vậy, ông Hạnh quyết tâm đầu tư mạnh vào 2 ha cam của gia đình. Nhờ vậy vào mùa quả năm 2011, ông thu về 10 tấn cam và 4 tấn quýt đường. Đến các năm 2012 về sau, ông Hạnh thu hơn 30 tấn cam, quýt/năm. Đặc biệt, cam lúc này đã cao từ 2,5 đến 3 m, có cây cho gần 1 tạ quả, còn cây cho 50 kg quả có rất nhiều. Nhờ canh quả ra trái vụ, nhất là dịp Tết Nguyên đán nên giá bán trung bình từ 50.000 đồng/kg trở lên, còn ngày thường bán lứa nhất là 40.000 - 45.000 đồng/kg, còn lại là từ 25.000 - 30.000 đồng/kg. Vườn cam gia đình ông không dùng thuốc hóa học mà dùng thuốc sinh học, nhưng rất hạn chế. “Bà con tin tưởng mình làm cam sạch nên ngày nào chở về cũng bán sạch trơn, kiếm non triệu bạc”, ông Hạnh nói. Từ khi trồng cam đến giờ, lượng cam không đủ tiêu thụ thị trường nội tỉnh này, nên rất tự tin đầu ra. Theo tính toán, 2 ha của gia đình ông cho lãi trên dưới 600 triệu đồng/năm.
Năm 2012, theo lời mời gọi của chính quyền huyện, ông đầu tư xây dựng trang trại cây ăn trái tổng hợp ở khu sinh thái du lịch Măng Đen, trong đó điểm nhấn chủ yếu là cây cam sành. Đến nay, ông Hạnh đã trồng 20.000 cây trên diện tích gần 21 ha, trong đó có 10.000 cây cam đang ra trái vụ bán vào dịp tết 2017 sắp tới. Theo ông Hạnh, hiện cam đã ra trái “bằng nắm tay người lớn” và nếu không có gì thay đổi, 10.000 cây cam ở trang trại này thu về 45 - 50 tấn quả cam. "Sang năm 2017, có khoảng 17.000 cây cho quả thì sản lượng sẽ đạt ít nhất cũng từ 80 tấn trở lên", ông Hạnh nói chắc nịch.
Trên thực tế, những ngày đầu ai cũng cho ông Hạnh "điên mới làm cam sành ở H.Kon Plông", nhưng sau đó, ai cũng ngỡ ngàng trước hiệu quả từ trang trại cam của ông.
Bạn đọc quan tâm có thể liên hệ với ông Hạnh qua số điện thoại: 0126451586.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.