Tư vấn giám định cáo vắng, tòa vẫn quyết xử vụ Vinasun kiện Grab

17/10/2018 13:55 GMT+7

Dù tư vấn giám định thiệt hại của Vinasun (nếu có) xin phép vắng mặt, gây khó khăn cho việc tranh tụng, biện hộ, bảo vệ quyền lợi của Grab nhưng tòa vẫn bác đề xuất hoãn phiên tòa của doanh nghiệp (DN) này

Tư vấn không đến, làm sao tranh luận?
Sáng nay (17.10), TAND TP.HCM tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam.
Đáng chú ý, phiên tòa hôm nay lại không có sự tham dự của đại diện Công ty Cửu Long - đơn vị giám định độc lập được tòa chỉ định để giám định thiệt hại (nếu có) của Vinasun -  với lý do là bận việc đột xuất. Luật sư Lưu Tiến Dũng - đại diện quyền lợi cho Grab tại tòa đánh giá sự có mặt của đơn vị giám định là hết sức cần thiết vì phía Grab đánh giá nghiên cứu và cách tính của Cửu Long có rất nhiều sơ hở, có nhiều vấn đề cần làm sáng tỏ. Nếu đơn vị này vắng mặt sẽ gây rất nhiều khó khăn cho việc xác định chứng thư giám định của Cửu Long cũng như gây khó khăn cho việc tranh tụng, biện hộ, bảo vệ quyền lợi của Grab tại tòa.
Đại diện quyền lợi của Grab nhận định cách tính toán thiệt hại của nguyên đơn do Công ty Cửu Long thực hiện giám định có những sai sót nghiêm trọng. Cụ thể, phần thiệt hại được Công ty này tính toán dựa vào 2 yếu tố chính là số lượng xe nằm bãi và giá trị vốn hóa thị trường (tức là giá của một cổ phần nhân cho tổng số cổ phần) của Vinasun tại một mốc thời gian cụ thể vào năm 2016.
"Một DN kinh doanh taxi có hơn 6.500 xe mà theo báo cáo của đơn vị giám định, trong năm 2016 chỉ có trung bình hai xe nằm bãi không kinh doanh mỗi ngày. Con số này hoàn toàn không đủ thuyết phục để mang ra cáo buộc Vinasun chịu thiệt hại do hoạt động của Grab gây ra" - ông Dũng phân tích. Về giá trị vốn hóa thị trường của DN, vị luật sư này cho rằng không thể là cơ sở để tính thiệt hại của nguyên đơn khi Công ty Cửu Long không xác định được quan hệ nhân quả giữa hoạt động kinh doanh của Grab và giá cổ phần của Vinasun, đồng thời giá trị cổ phiếu của 1 DN tăng/giảm, thay đổi liên tục do rất nhiều nguyên nhân khác nhau.
"Ngay cả dựa vào Báo cáo giám định của Cửu Long thì nguyên nhân chính mà khách hàng rời bỏ Vinasun để chuyển sang sử dụng dịch vụ của Grab là do cước phí các xe sử dụng công nghệ của Grab rẻ hơn, dịch vụ là tốt hơn. Hai nguyên nhân này hoàn toàn không phải hành vi vi phạm pháp luật hoặc Đề án thí điểm của Bộ GTVT" - ông Dũng khẳng định.
Bên cạnh đó, phía Grab cũng cho rằng, Công ty Cửu Long đẩy phần lớn việc giám định, những khâu quan trọng nhất do một đơn vị không tên tuổi thực hiện mà không có sự cho phép trước của tòa và khẳng định đơn vị này không khách quan, không đủ trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ và không có kinh nghiệm phù hợp để thực hiện công việc giám định được yêu cầu.
"Chiếu theo đơn kiện đòi Grab bồi thường thiệt hại của Vinasun, phần xác định và tính toán thiệt hại (nếu có) của Vinasun là yếu tố mấu chốt, quan trọng nhất nhưng đơn vị thực hiện lại không đến thì làm sao Grab có thể tranh luận? Vì thế bị đơn đề nghị tòa hoãn vụ án, cho đến khi có sự hiện diện của đơn vị giám định thiệt hại" - LS bảo vệ quyền lợi của Grab yêu cầu.
Tuy nhiên HĐXX đã bác yêu cầu này vì cho rằng căn cứ khoản 2 Điều 257 BLTTDS, HĐXX có quyền xét xử vắng mặt người giám định. HĐXX công bố kết quả giám định tại phiên tòa và xem xét việc giám định bổ sung, giám định lại... nếu bị đơn không đồng ý với kết luận giám định và có yêu cầu giám định bổ sung hoặc giám định lại.
Muốn biết bí mật kinh doanh của đối thủ, cứ lôi nhau ra tòa
Cũng tại phiên tòa sáng nay, Grab tiếp tục kiến nghị tòa về việc Vinasun không được tiếp cận các tài liệu bao gồm hợp đồng giữa Grab với các hợp tác xã, danh sách các hợp tác xã, cũng như không công bố các tài liệu này trước công chúng tại tòa. Đại diện DN này cho rằng hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Grab và đối tác cần được bảo mật vì đó là bí mật kinh doanh, không được cung cấp cho bên thứ ba, điều khoản này đã được nêu rõ trong hợp đồng. 
Tuy nhiên, HĐXX không chấp nhận yêu cầu phải giữ bí mật kinh doanh của Grab với quan điểm Vinasun khiếu nại và đã được giải quyết, được sao chụp hồ sơ.
"Trước đó, Grab đã có đơn kiến nghị đến Chánh án TAND TP.HCM, nhưng trong khi Chánh án TAND TP.HCM chưa trả lời đơn kiến nghị của Grab thì Tòa Kinh tế - TAND TP đã cho phép Vinasun được tiếp cận và sao chép. Grab cũng đã tiếp tục gửi khiếu nại lên Tòa án nhân dân tối cao về vấn đề này nhưng sáng nay Tòa Kinh tế vẫn tiếp tục cho phép công bố các tài liệu thuộc bí mật kinh doanh của Grab trước tòa dù TAND tối cao vẫn chưa ra quyết định cuối cùng. Điều này sẽ tạo nên tiền lệ không tốt, các DN từ nay về sau chỉ cần đâm đơn kiện lên tòa là có thể dễ dàng biết được bí mật kinh doanh của đối thủ" - LS đại diện quyền lợi của Grab quan ngại.
Sau 2 đề xuất bị bác của Grab, phiên tòa sáng nay chủ yếu xoay quanh phần tranh luận giữa các bên về thẩm quyền của tòa. Luật sư phía bị đơn cho rằng Vinasun liên tục khẳng định kiện Grab vì vi phạm đề án 24 của Bộ GTVT dẫn đến sụt giảm doanh thu nhưng trong đơn kiện, Vinasun không đề cập đến những nội dung này. Trên thực tế, việc quyết định có vi phạm Đề án 24 hay không thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT và các cơ quan chính phủ có liên quan, không thuộc thẩm quyền của tòa án nhân dân. Bộ GTVT cũng đã có kết luận về thí điểm và Chính phủ đã đồng ý gia hạn đề án thí điểm với xe hợp đồng điện tử cho đến khi Nghị định 86 sửa đổi có hiệu lực.
Phiên tòa tiếp tục vào 14 giờ chiều nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.