Vụ VinFast và chủ kênh YouTube Gogo TV: Hậu quả từ thông tin sai lệch là rất nghiêm trọng

07/05/2021 11:43 GMT+7

“Đằng sau mỗi doanh nghiệp không chỉ là hàng nghìn, hàng vạn người lao động mà còn là một chuỗi cung ứng với rất nhiều doanh nghiệp liên quan. Thiệt hại này cực kỳ khủng khiếp”.

Xung quanh việc hãng xe hơi Việt VinFast yêu cầu làm rõ hành vi thông tin sai sự thật của  chủ kênh YouTube Gogo TV đang thu hút sự chú ý của dư luận mấy ngày gần đây, Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Huỳnh Phương Thảo, thành viên Đoàn Luật sư TP.HCM, Phó giám đốc Công ty Luật BĐS Hưng Vượng. Đến tận thời điểm này, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về việc doanh nghiệp có nên kiện khách hàng của mình hay không? Làm như vậy là thiệt hay lợi... Bên cạnh góc nhìn pháp lý, luật sư Nguyễn Huỳnh Phương Thảo nhấn mạnh: “Đằng sau mỗi doanh nghiệp không chỉ là hàng nghìn, hàng vạn người lao động mà còn là một chuỗi cung ứng với rất nhiều doanh nghiệp liên quan. Thiệt hại này cực kỳ khủng khiếp”.

Luật sư Nguyễn Huỳnh Phương Thảo

Môi trường ảo nhưng hậu quả thật

* Từ góc độ một luật sư, bà nhìn nhận thế nào về sự việc giữa VinFast và chủ kênh GogoTV, đặc biệt là việc VinFast đã chính thức đưa vụ việc ra cơ quan chức năng?
- Luật sư Nguyễn Huỳnh Phương Thảo: Khi có tranh chấp xảy ra thường có 2 hướng xử lý. Giải pháp ưu tiên là hòa giải. Trong trường hợp không hòa giải được thì doanh nghiệp có thể dùng các biện pháp pháp lý để bảo vệ thương hiệu và đảm bảo hoạt động kinh doanh.
Tự do ngôn luận là quyền công dân, nhưng theo luật, khi đưa thông tin lên mạng chúng ta phải chịu trách nhiệm về thông tin đó, phải đảm bảo các thông tin đưa ra là đúng sự thật. Nếu đưa ra thông tin không đầy đủ, không chính xác, xâm phạm lợi ích của cá nhân, tổ chức thì việc nhờ đến sự can thiệp, xử lý của pháp luật là quyền chính đáng của bên bị thiệt hại.
* Theo quy định, vụ việc khi được đưa tới cơ quan chức năng sẽ được xử lý ra sao? Nếu chủ kênh YouTube GogoTV phát ngôn không đúng sự thật như VinFast khẳng định thì sẽ phải đối mặt với hình thức xử lý ra sao?
- Ai đúng, ai sai sẽ do cơ quan chức năng kết luận dựa trên chứng cứ các bên cung cấp. Điểm đúng đắn là vụ việc đã được yêu cầu giải quyết theo pháp luật, ở đây doanh nghiệp lựa chọn đưa tới cơ quan chức năng để yêu cầu điều tra, làm rõ. Việc tham gia của một bên thứ ba với vai trò trung gian sẽ đảm bảo tính khách quan, công khai minh bạch và công bằng vì pháp luật đảm bảo quyền và nghĩa vụ của hai bên như nhau. Sẽ không có chuyện doanh nghiệp ỷ mạnh mà bắt nạt khách hàng và không có chuyện “dàn xếp sau lưng” như thường thấy.
Nếu cơ quan chức năng có đủ cơ sở, chứng cứ để khẳng định chủ kênh GogoTV phát ngôn sai sự thật thì theo luật người này sẽ bị xử phạt về hành vi lan truyền thông tin sai lệch gây ảnh hưởng đến lợi ích của tổ chức, doanh nghiệp. Ngoài ra, cá nhân còn có nguy cơ phải bồi thường thiệt hại do những phát ngôn sai sự thật gây ra nếu doanh nghiệp thực tế bị thiệt hại, có yêu cầu và chứng minh được những thiệt hại đó là do lỗi và hành vi trái pháp luật của cá nhân gây ra.
* Đối tượng trong vụ này là chủ một kênh YouTube với lượng follow khá lớn, bà đánh giá thế nào về hậu quả của việc lan truyền các thông tin sai lệch trong thời đại mạng xã hội bùng nổ hiện nay?
- Đầu tiên là ảnh hưởng về uy tín. Đối với doanh nghiệp thì uy tín chính là yếu tố sống còn nhất là trong giai đoạn hội nhập quốc tế như hiện nay.
Trước kia khi chưa có mạng xã hội, chưa có internet thì thông tin chỉ lan truyền theo phương thức truyền miệng hoặc văn bản, phạm vi tác động không quá lớn và có thể dễ dàng ngăn chặn hơn, đặc biệt trong trường hợp thông tin sai lệch, và như vậy thiệt hại cũng sẽ ít hơn. Nhưng ngày nay, khi không có bất kỳ một biên giới nào cho các thông tin thì một khi thông tin được đưa ra trên môi trường mạng sẽ ngay lập tức lan truyền khắp thế giới. Nếu thông tin đúng thì không sao, nhưng nếu quá hoặc sai sự thật sẽ có thể hủy hoại uy tín mà doanh nghiệp rất khó khăn mới có thể gây dựng được. Thiệt hại này là điều khó có thể đong đếm và cũng rất khó để phục hồi. Đặc biệt là với các YouTuber có hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu người theo dõi, mức độ ảnh hưởng do thông tin sai là cực kỳ nghiêm trọng.
Thứ hai là tổn hại về kinh tế. Thông tin sai lệch có thể khiến cộng đồng quay lưng lại với doanh nghiệp, tẩy chay sản phẩm. Doanh nghiệp quy mô càng lớn thì thiệt hại càng nhiều. Nhẹ và ngắn hạn thì doanh nghiệp sẽ lao đao, nặng và kéo dài thì doanh nghiệp có thể phá sản.
Thứ ba, đằng sau mỗi doanh nghiệp không chỉ là hàng nghìn, hàng vạn người lao động mà còn là một chuỗi cung ứng với rất nhiều doanh nghiệp liên quan. Các công ty đại chúng còn có cả một cộng đồng các nhà đầu tư nữa. Doanh nghiệp chịu thiệt hại thì tất cả các mắt xích có liên quan cũng chịu thiệt hại theo. Đây là điều mà nhiều người ít nghĩ tới khi xem xét các thiệt hại mà các thông tin sai lệch có thể gây ra cho doanh nghiệp. Môi trường ảo nhưng hậu quả thật, thậm chí có thể vô cùng nghiêm trọng.
* Thời gian qua đã có nhiều trường hợp cá nhân phát tán thông tin sai sự thật trên mạng xã hội và đã bị xử phạt hành chính, theo bà như vậy đã đủ sức răn đe hay chưa?
- Mức phạt hiện nay, thường là dưới 15 triệu đồng, rất thấp và không đáng kể so với lợi ích mà các kênh như YouTube mang lại. Với mức phạt đó thì dù phạt hàng trăm người cũng không hiệu quả và đủ tính răn đe. Xử lý nghiêm ở đây bao gồm cả việc kết hợp chế tài bồi thường thiệt hại do thông tin sai sự thật gây ra, điều này cũng được quy định rõ trong luật.

VinFast nhắm đến doanh số 45.000 ô tô tại Mỹ mỗi năm

Tiền lệ tốt để tăng tính răn đe, ngăn ngừa các hậu quả lớn hơn

* Về lý thuyết thì dù là cá nhân hay doanh nghiệp cũng đều bình đẳng trước pháp luật. Nhưng ở Việt Nam, việc doanh nghiệp kiện khách hàng lại gây nhiều tranh cãi, bà lý giải việc này như thế nào?
- Trước hết là do đặc thù văn hóa Việt Nam, duy tình hơn duy lý. Dù quyền lợi bị xâm hại nhưng phần lớn doanh nghiệp vẫn ưu tiên chọn phương thức dàn xếp, hòa giải bởi nếu đưa ra pháp luật sẽ rất dễ bị mang tiếng là xử ép khách hàng, ỷ mạnh bắt nạt yếu. Ngay cả khi doanh nghiệp đúng thì vẫn muốn giải quyết nội bộ, thay vì xử lý theo luật để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình vì không muốn kéo dài và bị bàn tán bởi dư luận, dù đúng dù sai, vẫn ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh.
Hai là các quá trình pháp lý, nhất là các vấn đề phức tạp, thường kéo dài, có khi là vài năm, nên doanh nghiệp thà chịu thiệt còn hơn là dấn thân vào cuộc chiến pháp lý dai dẳng vì tâm lý đợi được vạ thì má đã sưng.
Thứ ba, tại phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp gia đình, bộ phận pháp chế vẫn chưa thực sự được coi trọng. Chỉ trong các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, công ty có yếu tố nước ngoài thì bộ phận này mới được đầu tư và hoạt động hiệu quả. Vì thế, khi lợi ích doanh nghiệp bị xâm hại, đa số các doanh nghiệp sẽ ưu tiên gặp gỡ hòa giải hơn là yêu cầu giải quyết theo pháp luật. Việc này vô hình chung sẽ khiến môi trường xã hội và môi trường kinh doanh có những thông tin bị méo mó, mọi thứ sẽ không đi theo con đường đúng đắn.
* Vậy quan điểm của bà như thế nào về việc VinFast đưa vụ việc của chủ kênh GogoTV ra cơ quan chức năng?
- Xét về khía cạnh pháp luật thì việc này hoàn toàn bình thường bởi chúng ta đang sống và làm việc theo pháp luật. Ở một xã hội thượng tôn pháp luật thì dùng pháp luật để điều chỉnh các mối quan hệ cũng như giải quyết các tranh chấp phát sinh phải được coi là văn minh và cần được khuyến khích. Trên thế giới, việc doanh nghiệp khởi kiện khách hàng gây thiệt hại không còn là hiếm. Tại Việt Nam, không phải vì điều này chưa phổ biến thậm chí chưa ai làm mà xem người đi đầu là sai. Thực tế ở Việt Nam cũng đã có nhiều vụ việc tương tự nhưng doanh nghiệp không bị quan tâm quá mức bởi cộng đồng nên chúng ta không biết.
Thực tế cũng cho thấy rằng, có nhiều vụ việc thỏa thuận không thành rồi mới dẫn đến việc yêu cầu pháp luật bảo vệ dẫn đến tranh chấp nghiêm trọng sau đó. Như vậy, phải nhìn nhận một cách đúng đắn là việc yêu cầu cơ quan chức năng can thiệp là cần thiết ngay từ đầu để đảm bảo tính khách quan và quyền lợi của cả hai bên.
Và như đã nói, khi mà mức xử phạt hành chính còn quá nhẹ, việc xử lý thiên về cảm tính sẽ dễ dẫn đến tình trạng “nhờn luật”. Vì thế, nên có những trường hợp điển hình được xử lý đến nơi đến chốn để tăng tính răn đe. Sâu xa hơn, tiền lệ này còn thúc đẩy sự thay đổi trong nhận thức pháp luật và hành xử của cộng đồng, giúp ngăn ngừa những vụ việc nghiêm trọng hơn, gây thiệt hại lớn hơn cho kinh tế, xã hội. Điều này càng có ý nghĩa khi trên sân chơi của chúng ta bây giờ không chỉ có ta với ta mà còn có cả những doanh nghiệp nước ngoài vốn rất coi trọng pháp lý cũng như việc chúng ta đang gia nhập sân chơi của thế giới.
* Nghĩa là những vụ việc như của VinFast đang tạo ra một tiền lệ tốt và nên khuyến khích để làm lành mạnh hóa môi trường kinh tế - xã hội ở nước ta?
- Đúng vậy. Cho dù phần thắng thuộc về bên nào thì trường hợp này vẫn có thể xem là một hành vi đúng đắn và tuân thủ pháp luật bởi phân xử các mâu thuẫn, tranh chấp theo pháp luật là xu hướng văn minh trong xã hội hiện nay. Mặc dù có thể đây không phải là vụ việc đầu tiên nhưng do được quan tâm bởi cộng đồng nên có thể xem đây là tiền lệ. Vì vậy, dùng tiền lệ để điều chỉnh hành vi của người dân luôn là một cách làm hiệu quả giúp thông tin minh bạch hơn. Có cơ quan chức năng làm trọng tài chắc chắn sẽ giúp đảm bảo quyền lợi cho các bên chứ không có bên nào chịu thiệt hại cả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.