'Vua' tôm Việt đã nhập bao nhiêu tôm từ Ấn Độ?

Chí Nhân
Chí Nhân
08/06/2019 09:55 GMT+7

“Tôi đã lường trước được rủi ro của thị trường Mỹ và có chiến lược ứng phó từ trước”, ông Lê Văn Quang, người được mệnh danh là “vua” tôm Việt Nam nói về cáo buộc mới đây của một nghị sĩ Mỹ.

Nghị sĩ Darin Lahood của Mỹ mới đây cáo buộc Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú của Việt Nam: Có khả năng đã nhập khẩu tôm đông lạnh từ Ấn Độ, chế biến tối thiểu và xuất sang Mỹ với xuất xứ Việt Nam; gian lận xuất xứ liên quan tới thuế chống bán phá giá tôm mà Mỹ đang áp dụng với Ấn Độ.
Theo thông cáo báo chí của Minh Phú, lượng tôm nhập khẩu từ Ấn Độ chiếm khoảng 10% tổng lượng tôm nguyên liệu đầu vào. Việc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào này là bình thường và phổ biến ở nhiều ngành không riêng lĩnh vực chế biến thủy sản, không vi phạm pháp luật của bất kỳ quốc gia nào. Chúng tôi cũng quản lý chặt nguồn nguyên liệu nhập và chế biến đủ sâu để có thể khẳng định nguồn tôm đó đảm bảo tiêu chuẩn xuất xứ từ Việt Nam trước khi xuất vào Mỹ. Hệ thống sổ sách kế toán và sổ sách sản xuất của chúng tôi đủ chi tiết để đảm bảo điều này.
Hệ thống nhà máy sản xuất của Minh Phú có tổng công suất lên tới 90.000 tấn/năm; nằm trong top 5 nhà sản xuất tôm đứng đầu khu vực châu Á. Tổng sản lượng xuất khẩu tôm năm 2018 của đơn vị này đạt trên 67.000 tấn.
Như vậy, nếu hoạt động hết công suất, lượng tôm Minh Phú nhập khẩu từ Ấn Độ khoảng 9.000 tấn. Lượng tôm nguyên liệu mà đơn vị này tự cung cấp từ các vùng nuôi hơn 12.000 tấn. Số lượng tôm còn lại được thu mua từ người nuôi tôm trong nước.
“Chúng tôi vô cùng thận trọng trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam cũng như Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào mà chúng tôi xuất khẩu sản phẩm tới đó”, ông Quang khẳng định.
Năm 2005, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) áp thuế chống bán phá giá đối với tôm đông lạnh từ Việt Nam, Ấn Độ và một số nước khác. Sau hơn 10 năm đeo đuổi vụ kiện, tại đợt rà soát thuế lần thứ 12 (giai đoạn 1.2.2016 - 31.1.2017) Minh Phú được áp dụng mức thuế 0%. Điều này có nghĩa là từ đầu năm 2016, Minh Phú đã được Mỹ áp thuế 0%.
Theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú (MPC) đây là mức thuế giúp sản phẩm tăng tính cạnh tranh trên thị trường Mỹ. Thông thường người ta sẽ đẩy mạnh xuất hàng đi và nếu làm như vậy thì sẽ có nhiều rủi ro và cáo buộc mới đây là một ví dụ. Lường trước những điều như vậy nên chủ trương của tôi là đa dạng hóa thị trường, giảm dần tỷ trọng ở thị trường Mỹ. Cụ thể tỷ trọng tôm xuất khẩu vào thị trường Mỹ năm 2015 của Minh Phú đến 41% thì hiện nay chỉ đạt khoảng 33%. Bên cạnh đó, chúng tôi đẩy mạnh sang các thị trường khác ở châu Âu, Á và các nước lân cận.
“Năm 2018, tổng doanh thu của Minh Phú ở thị trường Mỹ đạt 750 triệu USD. Chiến lược của chúng tôi là tiếp tục giảm tỷ trọng của thị trường Mỹ xuống dưới 30% để giảm các rủi ro khách quan và cả về mặt kinh tế”, ông Quang nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.