Xin cơ chế đầu tư hơn 19.000 tỉ đồng đường vành đai 3

13/01/2019 11:37 GMT+7

Bộ GTVT vừa có tờ trình gửi Chính phủ về “Quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng công trình đường Vành đai 3 TP.HCM, đoạn Bình Chuẩn -QL22 -Bến Lức”

Đề xuất kêu gọi xã hội hóa
Theo tờ trình vừa gửi Chính phủ, Bộ GTVT đề xuất dự án xây dựng công trình đường vành đai 3 - TP.HCM đoạn Bình Chuẩn - QL22 - Bến Lức ( đi qua địa bàn 3 tỉnh Bình Dương, TP HCM, Long An) sẽ được đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công - tư). Theo đó, tổng mức đầu tư của dự án ước tính khoảng 19.871 tỉ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ phần vốn khoảng 9.729 tỉ đồng - tương đương gần 50% và nguồn vốn kêu gọi xã hội hóa là 10.142 tỉ đồng.
Giai đoạn 1 đầu tư mặt đường rộng 24,5m cho 4 làn xe lưu thông với tốc độ 100 km/h; giai đoạn 2 làm đường cao tốc rộng 67 - 74,5m cho 6-8 làn xe cao tốc cho xe lưu thông với tốc độ 100 km/h và làm đường song hành ở hai bên với cấp đường đô thị cho xe lưu thông với tốc độ 60 km/h.
Bộ GTVT đưa lộ trình: trong năm nay sẽ phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án. Từ 2019 - 2022 thực hiện thiết kế kỹ thuật và GPMB. Trong thời gian này cũng tiến hành sơ tuyển, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Từ 2022 -2024 sẽ thi công và hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2025. Sau 2025 sẽ hoàn thiện dự án trên cơ sở nhu cầu vận tải và khả năng cân đối nguồn lực.
Đường vành đai 3 vẫn chờ "cái gật đầu" của Thủ tướng Chính phủ để chính thức được triển khai Đồ họa: Hồng Sơn
Dự án xây dựng công trình đường vành đai 3 - TP.HCM đoạn Bình Chuẩn - QL22 - Bến Lức do Bộ GTVT là đơn vị quyết định đầu tư, Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long được giao thực hiên các công tác chuẩn bị đầu tư và đang chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư.
Cần cơ chế đặc thù
Theo tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 28.9.2011, hiện nay tiến độ triển khai các đoạn thuộc đường vành đai 3 đều bị chậm. Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 89,3 km đi qua các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, TP.HCM sẽ được xây dựng hoàn thành trước năm 2020, nhưng hiện mới chỉ làm được 16,3 km đoạn qua địa phận tỉnh Bình Dương (chiếm tỷ lệ 17,92%).
Các chuyên gia nhận định hệ thống đường vành đai phải là ưu tiên hàng đầu trong số các dự án giao thông mà TP.HCM cần triển khai trong thời gian tới. Phạm Hữu
Do quá "sốt ruột" về tiến độ của dự án, TP.HCM đã đề xuất Chính phủ cho phép tạm ứng ngân sách của TP để tiến hành ngay công tác bồi thường GPMB trong khi chờ Bộ GTVT tham mưu cho Chính phủ triển khai thủ tục.
Ông Trần Văn Thi, Tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long, cho biết đây là dự án lớn, nếu chỉ dựa vào vốn ngân sách nhà nước hoặc kêu gọi xã hội hóa toàn bộ đều không khả thi. Khó khăn lớn nhất của dự án hiện nay là chờ Chính phủ “gật đầu” duyệt cơ chế đầu tư, trong đó có quyết định cho phép TP.HCM áp dụng cơ chế đặc thù để ứng trước vốn GPMB, góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án.
Ông Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường cảng TP.HCM, đánh giá vành đai 3 là tuyến đường có tính chất liên vùng, có tổng mức đầu tư cũng như chi phí giải phóng mặt bằng lớn. Do đó, việc tìm kiếm nguồn vốn đầu tư là hết sức khó khăn, cần sự tham gia của nhiều bộ, ngành, tỉnh, TP. Nguyên nhân chính khiến dự án chậm trễ là do nguồn vốn đầu tư chưa đáp ứng được nhu cầu, chưa có cơ chế riêng để huy động các nguồn lực từ xã hội. “Hiện nay, quỹ đất hai bên dự án này còn nhiều và giá trị còn thấp. Sau khi dự án hoàn thành, giá trị đất sẽ được nâng cao nên các nhà đầu tư bất động sản sẽ được hưởng lợi. Đây là cơ sở để TP kêu gọi các nhà đầu tư cùng tham gia thực hiện dự án, chỉ dựa vào ngân sách thì không thể làm nổi”, ông đề xuất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.