Xuất khẩu thủy sản có thể đạt kỷ lục 9 tỉ USD

Chí Nhân
Chí Nhân
06/10/2018 10:00 GMT+7

Những tính hiệu lạc quan từ các thị trường lớn như Mỹ và EU cho phép Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đưa ra những dự báo lạc quan trên.

Trong 3 quý đầu năm xuất khẩu thủy sản gặp rất nhiều khó khăn nhưng từng bước lấy lại cân bằng và tăng trưởng 6,4%, đạt giá trị 6,4 tỉ USD. VASEP dự báo xuất khẩu cả năm có thể tăng trưởng đến 7% và đạt giá trị 9 tỉ USD, con số cao nhất từ trước đến nay.
Cá tra trở lại thị trường Mỹ và EU
Tính từ đầu năm đến hết tháng 9, xuất khẩu cá tra tăng trưởng 24% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt giá trị 1,6 tỉ USD. “Xuất khẩu cá tra năm 2018 dự báo sẽ cán đích với mức 2,1 tỉ USD, tăng 22% so với năm 2017”, theo VASEP.
Số liệu chi tiết cho thấy cá tra Việt Nam dần tăng trưởng tốt ở 2 thị trường truyền thống là Mỹ và EU.
Cụ thể, đến hết tháng 8, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất cá tra Việt Nam với giá trị 332 triệu USD, tương đương 23,5% thị phần. Mỹ đứng ở vị trí thứ 2 với 321 triệu USD. Cả 2 thị trường có tốc độ tăng trưởng ngang nhau 34%. Tuy nhiên bắt đầu từ tháng 6 thời điểm khơi màu cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung; tốc độ xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc giảm dần, còn Mỹ tăng mạnh.
Lí do, các doanh nghiệp nhận thấy cơ hội từ cuộc chiến này đã đẩy mạnh hàng sang Mỹ. Bởi Mỹ cũng cần nguồn cung cấp cá trắng để phục vụ tiêu dùng trong nước thay thế cho nguồn cung từ Trung Quốc. Nên trong tháng 9 Bộ Thương mại Mỹ (DOC) thông báo kết quả sơ bộ thuế chống bán phá giá cá tra giai đoạn POR14 giảm mạnh so với kết quả cuối cùng của đợt rà soát trước đó (POR13); ngoài ra cơ quan chức năng Mỹ cũng lấy ý kiến công nhận hệ thống kiểm tra cá tra Việt Nam tương đương với Mỹ.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP nói: “Công nhận tương đương nghĩa là cá tra Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu sang Mỹ. Nếu được công nhận chính thức trong tháng 10 này sẽ là tín hiệu đáng mừng cho cá tra Việt Nam. Xuất khẩu thuận lợi hơn rất nhiều”.
Cũng từ tháng 6, cá tra xuất khẩu sang EU bắt đầu tăng dần với giá trị trung bình hằng tháng từ 21 - 25 triệu USD. Báo cáo trong 8 tháng đầu năm nay, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang EU đạt 160 triệu USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước. “Đây là một tín hiệu đáng mừng sau 3 năm liên tiếp xuất khẩu cá tra sang thị trường này dường như không tìm thấy “lối thoát” sau nhiều lần hình ảnh cá tra bị bôi xấu tại một nước lớn ở châu Âu; xuất khẩu ảm đạm bao trùm cả năm 2017”, báo cáo của VASEP.
Thị trường ASEAN đạt 129 triệu USD trong 8 tháng đầu năm, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2017. Hai thị trường lớn khác là Mexico và Brazil có tốc độ tăng trưởng âm trong 8 tháng đầu năm.
Tôm phục hồi
Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm cho biết tình hình sản xuất đã phục hồi và đơn hàng đã phủ kín từ đây tới cuối năm. Cụ thể xuất khẩu tôm tháng 7 giảm 20%, tháng 8 giảm 14%, đến tháng 9 chỉ còn giảm 10% so với cùng kỳ 2017. Tổng xuất khẩu tôm tính đến hết tháng 9 đạt trên 2,7 tỉ USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Không chỉ cá tra, thuế chống bán phá giá tôm POR 12 (kết quả cuối cùng) cũng được Mỹ điều chỉnh giảm xuống còn 4,58% - thấp hơn so với kết quả sơ bộ và kết quả POR11. Với mức thuế này các doanh nghiệp cũng lạc quan về việc tôm Việt Nam dự báo sẽ khởi sắc dần trong những tháng cuối năm. Xuất khẩu tôm cả năm 2018 sang thị trường Mỹ có thể lên khoảng 615 triệu USD, giảm nhẹ 6,5% so với năm 2017. Tổng giá trị xuất khẩu tôm cả năm 2018 của Việt Nam có thể vẫn duy trì mức 3,8 tỉ USD, tương đương năm 2017.
VASEP dự báo xuất khẩu cá ngừ, mực và bạch tuộc năm nay sẽ đạt khoảng 650 triệu USD mỗi sản phẩm, tăng 8% so với năm 2017. Cá biển khác và các loại hải sản khác ước đạt khoảng 1,7 tỉ USD.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.