Tái cơ cấu bằng sửa chữa sổ sách, hồ sơ

24/03/2016 17:52 GMT+7

Những câu hỏi liên quan đến tái cơ cấu nợ xấu, một lần nữa được đại biểu Quốc hội Phạm Huy Hùng, nguyên Chủ tịch Ngân hàng Vietinbank nêu ra trong phiên thảo luận tại Quốc hội, sáng nay 24.3 .

Những câu hỏi liên quan đến tái cơ cấu nợ xấu, một lần nữa được đại biểu Quốc hội Phạm Huy Hùng, nguyên Chủ tịch Ngân hàng Vietinbank nêu ra trong phiên thảo luận tại Quốc hội, sáng nay 24.3 .

Đại biểu Phạm Huy Hùng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP công thương
Việt Nam (Vietinbank) - Ảnh: Ngọc Thắng

Nêu ý kiến về vấn đề lãi suất ngân hàng, đại biểu Phạm Huy Hùng nói: “Chúng ta đánh giá lãi suất giảm như thế là tích cực nhưng thưa các đồng chí chưa phải”.

Theo ông Hùng, mức lãi suất hiện nay vẫn rất cao, trên dưới 10%. Mức lãi suất này gây ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế, vì doanh nghiệp hiện nay làm gì ra để trả được lãi suất đó.

Phân tích về lý do không giảm được lãi suất, nguyên Chủ tịch Vietinbank cho rằng do nợ xấu tồn động lớn. Vì nợ xấu lớn các ngân hàng phải trích dự phòng rủi ro. “Mà trích đi đâu, trích vào giá. Trích từ lãi suất cho vay”, ông Hùng nói.

Một lý do khác theo ông Hùng là do năm nay bội chi ngân sách lớn hơn, áp lực trả nợ cũng rất lớn. “Phát hành trái phiếu huy động vốn mà vốn này vay từ ngân hàng, kỳ hạn 5 năm, 3 năm, thậm chí 2 năm lãi suất không cao 6 - 8% nhưng các ngân hàng đổ vào vay để đảo nợ, trả lãi nữa. Số liệu năm nay ước tính hơn 250 nghìn tỉ. Như vậy nó làm nguồn tiền cung ứng của xã hội giảm đi”, ông Hùng phân tích.

Ông Hùng cho rằng, đây là vấn đề cần tập trung xử lý vì không chỉ ảnh hưởng doanh nghiệp mà toàn xã hội. “Người ta vay đầu tư mới, mở rộng phát triển sản xuất rất khó. Khó vì người ta không tìm được dự án nào để trả lãi suất như vậy", ông Hùng nói.

Theo nguyên Chủ tịch Vietinbank có nhiều ý kiến cho rằng cần thay đổi cơ chế hoạt động của Công ty Quản lý tài sản thuộc các tổ chức tín dụng (VAMC), rồi phải có cơ chế cho bán tài sản bảo đảm của các khoản nợ mà các ngân hàng thương mại bán cho VAMC.

“Không phải vậy. Cơ chế vẫn bình thường đấy chứ có ảnh hưởng gì đâu, vấn đề ở đây là mua ngang sổ, bán đổ ra giỏi lắm được 50% phúc bảy mươi đời rồi, còn giỏi lắm 20 - 30%. Thế thì lỗ đó ai chịu?", ông Hùng đặt câu hỏi.

Theo ông Hùng, mỗi năm các ngân hàng thương mại phải trích 20% dự phòng rủi ro "thì chết rồi". "Trích mà hiệu quả thấp thì rõ ràng phải đẩy lãi suất lên để mà có nguồn mà trích. Như thế là doanh nghiệp tốt phải bị trích ra mà trả cho doanh nghiệp xấu, doanh nghiệp lừa đảo. Nó cử luẩn quẩn loanh quanh thế”, ông Hùng cảnh báo.

Ông Hùng cho rằng, nhiều vấn đề khác cũng cần phải được giải quyết thấu đáo “đến tận cùng” như việc mua ngân hàng với giá 0 đồng. “Thưa các đồng chí thế giới không có khái niệm mua với giá 0 đồng. Thế nào là mua giá 0 đồng. Mua bán phải sòng phẳng, phải có kiểm toán, có đánh giá tài khoản đó, khoản nợ đó giá trị thực là bao nhiêu, lên xuống bao nhiêu xoay quanh giá trị thực đó”, ông Hùng nói.

“Thực tế mua 0 đồng là gì? Chúng ta ôm hết, ôm xong rồi để đó. Để mấy năm nay rồi. Rồi vấn đề sáp nhập ngân hàng yếu kém, tồn tại xử lý thế nào, đến đâu, không ai phát biểu cả. Nợ xấu, đánh giá thực nợ xấu của các ngân hàng thương mại là như thế nào? Con số không được làm rõ, ẩn cả vào tái cơ cấu. Thậm chí sửa chữa sổ sách hồ sơ để mà tái cơ cấu. Thế thì chết rồi”, ông Hùng nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.