Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

06/11/2014 09:57 GMT+7

Ngày 5.11, trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL (MDEC - Sóc Trăng 2014), hội thảo “Tái cơ cấu phát triển nông nghiệp gắn xây dựng nông thôn mới , thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL” đã đưa ra nhiều vấn đề cấp bách của khu vực...

Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới
Quang cảnh hội thảo “Tái cơ cấu phát triển nông nghiệp gắn xây dựng nông thôn mới, thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL” - Ảnh: Đình Tuyển

Hội thảo do Bộ NN-PTNT, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức. Đây là dịp để các nhà khoa học, nhà quản lý các bộ, ngành T.Ư, địa phương gặp gỡ, trao đổi về các vấn đề liên quan đến tái cơ cấu phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới trong bối cảnh tác động ngày càng rõ của biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng đến ĐBSCL.

Cần giải pháp tổng thể

Hiện nay, hằng năm, ĐBSCL cung cấp hơn 50% sản lượng lúa, 70% lượng trái cây, đóng góp hơn 90% lượng gạo xuất khẩu và gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản cho cả nước. Song, ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều thách thức như: kinh tế phát triển chưa bền vững; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp; chưa phát triển tương xứng với tiềm năng; nông nghiệp sản xuất quy mô nhỏ; việc liên kết vùng chưa được quan tâm đúng mức; chưa có cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư... Đặc biệt, đây cũng là khu vực được dự báo sẽ bị ảnh hưởng nặng nề của BĐKH và nước biển dâng.

Theo ông Dương Quốc Xuân, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, những tác động từ các yếu tố bên ngoài như BĐKH và các vấn đề nội tại ở ĐBSCL đang đặt ra yêu cầu rà soát lại quy hoạch ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; đặc biệt cần phải có các cơ chế, chính sách đầu tư phù hợp. Nội dung trọng tâm của hội thảo là nhận diện đúng thực trạng, đề xuất các giải pháp cho các vấn đề: thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản, hệ thống đê biển trong điều kiện BĐKH, bảo vệ và phát triển hệ thống rừng ngập mặn vùng ĐBSCL; vấn đề nâng cao hiệu quả liên kết trong nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Xem lại đầu vào, đầu ra trong sản xuất

Một trong những chia sẻ đáng chú ý là tham luận của ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN. Theo ông Nhân, hơn 20 năm qua, đã có một cuộc cách mạng về năng suất trong nông nghiệp ở nước ta. Tuy nhiên, khâu trước nông dân (việc cung ứng vốn, vật tư, giống, thiết bị máy móc cho người nông dân) và khâu sau nông dân (tiêu thụ nông sản) lại không có thay đổi nào đáng kể.

Tình trạng phân bón, thức ăn chăn nuôi, giống cây, con không đạt chất lượng, bị làm giả, giá tăng cao nằm ngoài khả năng chi phối của nông dân. Lãi suất, thời hạn vay và quy mô vốn vay cho các hộ nông dân cũng còn nhiều hạn chế. Người nông dân không có khả năng dự báo giá cả và nhu cầu thị trường... “Đầu vào giá cao và chất lượng kém vẫn phải mua, đầu ra giá thấp vẫn phải bán đang là 2 gọng kìm giữ chặt thu nhập thấp của nông dân, dù năng suất đã tăng liên tục, nhiều cây, con năng suất đã đạt loại cao nhất thế giới”, ông Nhân nói. Để chấm dứt nghịch lý trên, cũng như đẩy mạnh tái cơ cấu phát triển nông nghiệp ĐBSCL gắn với xây dựng nông thôn mới, ứng phó với BĐKH, theo ông Nhân, cần có một cuộc cách mạng ở khâu trước và khâu sau nông dân, bao gồm các giải pháp về quy hoạch, đầu vào và đầu ra cho sản xuất.

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã ghi nhận những ý kiến đóng góp đầy giá trị của các nhà khoa học, nhà quản lý cũng như từ các địa phương. Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng: “Mục tiêu của tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới chính là nâng cao thu nhập, cải thiện nhanh hơn, bền vững hơn đời sống của nông dân. Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; đồng thời ứng phó với BĐKH không chỉ là thay đổi cây trồng vật nuôi, mà phải điều chỉnh những hợp phần có tính chất cơ cấu lâu dài, cần nhiều giải pháp đồng bộ. Phải thay đổi từ cách nghĩ, cách làm, nỗ lực tăng sản lượng, nâng cao giá trị gia tăng một cách bền vững. Do vậy, để tái cơ cấu nông nghiệp cần chú trọng phát triển thị trường, hỗ trợ nông dân phản ứng nhanh nhạy với biến đổi của thị trường; hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học cho nông dân; đồng thời khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn.

Đình Tuyển - T.T.Phong

>> Tái cơ cấu nông nghiệp: Tránh rập khuôn, phong trào
>> Tái cơ cấu nông nghiệp: Chưa chuyển từ ‘thô’ sang ‘tinh’
>> Đề án tái cơ cấu nông nghiệp: Cần hợp tác sản xuất với quy mô lớn
>> Đề án tái cơ cấu nông nghiệp: Nông dân chưa được 'tái' thu nhập

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.