Tái diễn cảnh bốc thăm may rủi vào trường mầm non

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
29/07/2022 07:33 GMT+7

Việc người dân có con 3 - 4 tuổi trên địa bàn P.Hoàng Liệt (Q.Hoàng Mai) sẽ phải bốc thăm để có một chỗ gửi trẻ trong trường công lập một lần khiến dư luận nhức nhối trước câu hỏi: tại sao bao nhiêu năm vẫn tái diễn tình trạng này?

Phụ huynh không có lựa chọn

Mới đây, ông Tạ Văn Hải, Phó chủ tịch UBND P.Hoàng Liệt (Q.Hoàng Mai), cho biết qua khảo sát, hiện trên địa bàn có hơn 8.100 trẻ em trong độ tuổi mầm non, trong đó có hơn 6.600 trẻ từ 2 - 5 tuổi. Trường Mầm non Hoàng Liệt là trường mầm non công lập duy nhất trên địa bàn, có 4 cơ sở trường với tổng diện tích trên 5.243 m2, với 22 phòng học, 5 phòng chức năng. Năm học này, UBND Q.Hoàng Mai đã phê duyệt tổng số 459 chỉ tiêu tuyển sinh cho cả 3 lứa tuổi. Hội đồng tuyển sinh nhà trường đã tiến hành tiếp nhận hồ sơ đăng ký tuyển sinh, rà soát, đối chiếu với quy định tuyển sinh. Kết quả, đến nay tổng số hồ sơ vượt xa với chỉ tiêu được giao.

Người dân trên địa bàn P.Hoàng Liệt đăng ký tuyển sinh cho con vào Trường MN Hoàng Liệt

website Trường MN Hoàng Liệt

Với các điều kiện phòng lớp, cơ sở vật chất, thiết bị và giáo viên hiện có, trường chỉ có thể tuyển sinh tối đa 559 trẻ độ tuổi từ 3 - 5 tuổi vào trường; trong đó sẽ sử dụng phòng chức năng mở thêm 3 lớp mẫu giáo lớn để tuyển hết 226 trẻ 5 tuổi, đảm bảo 100% trẻ 5 tuổi được tiếp nhận nhằm phục vụ mục tiêu phổ cập trẻ mầm non 5 tuổi theo quy định của Bộ GD-ĐT. Đối với trẻ 3 tuổi và 4 tuổi, nhà trường chỉ tuyển thêm được 333 trẻ, trong khi có tới 713 hồ sơ đăng ký tuyển sinh cho năm học mới. Như vậy sẽ có 380 trẻ 3 - 4 tuổi không được tiếp nhận vào trường. Do vậy, lãnh đạo Phòng GD-ĐT Q.Hoàng Mai nêu giải pháp: trong tình huống cuối cùng sẽ tổ chức bốc thăm có sự chứng kiến của đại diện phường, nhà trường, phụ huynh học sinh để đảm bảo công bằng.

Nguyên Phó GĐ Sở GD-ĐT TP.HCM: Bốc thăm may rủi gây ấn tượng không hay cho trẻ!

Nhiều phụ huynh trên địa bàn P.Hoàng Liệt sau khi nhận được thông tin trên đã rất tâm tư. Anh T., nhà ở khu HH2 Linh Đàm, cho biết con gái anh 3 tuổi, từ đầu tháng 7 gia đình anh đã sớm đăng ký tuyển sinh vào Trường mầm non Hoàng Liệt đúng thời gian quy định của nhà trường. Nhà trường cũng đã xác nhận tiếp nhận hồ sơ nhưng cũng thông báo số lượng đăng ký vượt quá khả năng tiếp nhận nên gia đình sẽ phải chờ các thông báo tiếp để làm theo hướng dẫn.

Anh T. cũng như nhiều phụ huynh khác đều có chung mong muốn là gửi con vào cơ sở mầm non công lập với nhiều lý do: ngoài vấn đề về mức học phí thì cơ sở vật chất của trường công lập rất rộng rãi, đội ngũ giáo viên ổn định. “Sau 2 năm dịch bệnh, nhiều cơ sở mầm non tư thục khó khăn phải giải thể, giáo viên cũng bỏ nghề nên nếu gửi con vào đó hôm nay nhưng ngày mai không biết thế nào”, anh T. nói.

Đến bao giờ hết cảnh bốc thăm?

Chị Thu Hằng, Q.Hai Bà Trưng, chia sẻ đọc thông tin phụ huynh sẽ phải bốc thăm, phụ thuộc may rủi để có thể gửi con vào trường mầm non khiến tôi nhớ lại câu chuyện chính mình đã trải qua 10 năm trước. Năm 2012, con gái tôi 3 tuổi, nhà tôi có hộ khẩu đúng tuyến vào Trường mầm non Quỳnh Lôi, Q.Hai Bà Trưng. Tuy nhiên, năm đó trường chỉ tuyển 40 trẻ sinh năm 2009 cho lớp mẫu giáo bé, trong khi đó, phụ huynh của 80 trẻ có hộ khẩu đúng tuyến đăng ký tuyển sinh vào trường. Cầu vượt gấp đôi cung, do vậy nhà trường đã chọn hình thức bốc thăm để tuyển trẻ. Kết quả là tôi đã đã bốc được phiếu in dòng chữ: “Hẹn gặp lại phụ huynh trong mùa tuyển sinh năm sau…”.

“Dòng chữ trên phiếu thăm ngày ấy vẫn ám ảnh tôi mỗi mùa tuyển sinh và không thể nghĩ rằng câu chuyện của 10 năm trước đến năm nay vẫn lặp lại giữa Thủ đô, dù tốc độ đô thị hóa, xây nhà cao tầng, trung tâm thương mại thì phát triển chóng mặt”, chị Hằng nói.

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, nhiều phường, quận trên địa bàn TP.Hà Nội năm nay dù không phải đưa ra giải pháp bốc thăm để tuyển sinh như P.Hoàng Liệt nhưng vẫn phải bằng nhiều cách tuyên truyền, vận động để người dân chọn các cơ sở tư thục để gửi con, nhất là trẻ từ độ tuổi 3 - 4 tuổi trở xuống. Q.Hoàng Mai không chỉ quá tải ở trường Hoàng Liệt, vì theo số liệu tuyển sinh năm nay ở khối mầm non do Phòng GD-ĐT quận này cung cấp thì toàn quận có tới 12.769 trẻ trong độ tuổi từ nhà trẻ đến mẫu giáo lớn. Tuy nhiên, tất cả trường công lập chỉ đáp ứng được tổng số 8.304 trẻ, trong đó quy định cứng là ưu tiên tiếp nhận trẻ 5 tuổi; số trẻ còn lại người dân sẽ phải tự xoay xở.

Q.Nam Từ Liêm cũng phải “dựa” rất nhiều vào hệ thống mầm non ngoài công lập để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của người dân, khi hệ thống công lập còn rất thiếu. Báo cáo của UBND quận này cho hay, toàn quận có 50 trường mầm non với 23.585 trẻ. Trong đó, trường công lập có 9.056 trẻ, trường ngoài công lập có 5.104 trẻ, nhóm lớp tư thục độc lập lên tới 9.425 trẻ. Tại Q.Ba Đình, ông Lê Đức Thuận, Trưởng Phòng GD-ĐT, cũng cho hay hệ thống ngoài công lập đã giúp tiếp nhận hơn 33% trẻ mầm non của người dân trên địa bàn trong bối cảnh trường mầm non công lập còn hạn chế như hiện nay.

Bà Trương Thu Hà, Phó trưởng Phòng GD-ĐT Q.Hoàng Mai, khi nói về dự kiến phải bốc thăm để tuyển sinh vào trường mầm non Hoàng Liệt, đã cho rằng: “Vì điều kiện cơ sở vật chất, cơ sở không thể đáp ứng được hết nhu cầu gửi trẻ vào trường mầm non công lập của người dân là điều chúng tôi rất trăn trở, mong cha mẹ phụ huynh chia sẻ”…

Nhiều phụ huynh cũng cho rằng, khi nhà trường và chính quyền địa phương đã đưa ra thông báo không thể tiếp nhận được hết nhu cầu gửi trẻ thì người dân không còn lựa chọn nào khác, hoặc phải chấp nhận chọn phương án bốc thăm may rủi, hoặc tìm gửi con vào cơ sở tư thục với chi phí cao và nhiều bất an. Điều khiến họ tâm tư là chính quyền địa phương không cam kết bao giờ thì chấm dứt tình trạng này, ngoài những lời hứa hẹn chung chung.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.